Dòng người đổ ra đường Hà Nội trong đêm trung thu |
Sau khoảng thời gian dài thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, dần nới lỏng một số hoạt động nhằm thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh, vừa duy trì thành quả chống dịch.
Ngay
trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 15, đường phố Hà Nội đã trở nên nhộn nhịp,
đông đúc. Lý do được đưa ra là người dân cần mưu sinh sau thời gian dài phải ở
nhà chống dịch. Ừ thì, nghe cũng có lý! Thế nhưng, sáng nhộn nhịp là một lẽ,
tối lại càng trở nên nhộn nhịp hơn khi hàng loạt con phố kẹt cứng bởi dòng
người ra đường chỉ để... chơi Trung thu thì thật đáng suy ngẫm!
Nhìn
những dòng người đứng san sát, chật như nêm, không còn một khoảng trống cho
không gian, nhiều người không khỏi cảm thán. Ngay trong đêm 21-9, trên mạng xã
hội, hàng loạt tài khoản người dùng đã thể hiện sự nghi ngại, lo lắng cho thành
quả chống dịch của Thủ đô có thể bị phá tan bởi sự vô ý thức của một bộ phận
người dân.
Xin
nhắc lại, Hà Nội chưa phải “vùng xanh”. Rất nhiều nơi của thành phố vẫn còn
những ca F0 tại cộng đồng, nguy cơ dịch bệnh bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc
nào. Chính vì thế, thành phố chưa thực hiện mở lại tất cả các hoạt động, chỉ
một số hoạt động thực sự thiết yếu cho đời sống nhân dân được mở lại. Để làm
được điều này cũng là sự cố gắng của cả thành phố trong suốt 2 tháng trường kỳ
chống dịch. Ấy thế mà, thành quả mới dần nảy nở ấy có thể bị “đốt một giờ” vì
những dòng người đang “trẩy hội” kia.
Bài
học của TP Hồ Chí Minh vẫn còn đó. Khi dịp lễ 30-4, 1-5, người dân ùn ùn đổ về
quê, đi du lịch và sau đó là những ngày dài chìm trong dịch bệnh, tang tóc; số
ca dương tính không ngừng tăng lên, từ vài trăm ca đến vài nghìn ca; số ca tử
vong cũng vì thế mà nhân lên.
Hàng
nghìn người đã mãi mãi không còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời; những trẻ em
mồ côi cả cha lẫn mẹ, không biết nương tựa vào đâu. Nỗi đau dịch bệnh là vô
cùng ám ảnh khi ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao
giờ hết. Vậy mà, ở giữa Thủ đô, nhiều người dân vẫn bất chấp, lao ra đường chỉ
để thỏa mãn thú vui thưởng trăng ngày rằm. Thật đáng buồn và đáng lo!
Trong
Chỉ thị số 22 mới được Hà Nội ban hành ngày 20-9, thành phố nhấn mạnh đến việc “tuyệt
đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nóng vội trong phòng, chống
dịch”, đồng thời tiếp tục kêu gọi mỗi người dân cần tiếp tục là một chiến sĩ
trên pháo đài chống dịch; tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ
sở, cùng với các lực lượng tuyến đầu quyết tâm mở rộng và giữ vững thế trận cơ
sở, bảo vệ vùng xanh, lan tỏa rộng khắp tình cảm, hành động đẹp, chung sức đồng
lòng, hưởng ứng phong trào thi đua của thành phố “Toàn dân đoàn kết, chung sức
thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Chỉ
thị đã rõ, mỗi cấp, ngành cũng đang vào cuộc tích cực để thành quả chống dịch
của Thủ đô được chắc chắn, bền vững hơn. Vậy người dân cũng không thể thờ ơ,
đứng ngoài công cuộc chống dịch cam go này. Việc làm đơn giản nhất nhưng cũng ý
nghĩa nhất mà bất cứ người dân Thủ đô nào cũng có thể làm để góp phần nâng cao
hiệu quả phòng, chống dịch chính là nâng cao ý thức.
Tự
bản thân mỗi người nâng cao ý thức đồng thời trở thành tuyên truyền viên, tuyên
truyền cho người thân, gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp nâng cao ý thức phòng
dịch. Một người ý thức, ngàn người nhìn theo. Cả xã hội cùng nâng cao ý thức.
Ai đó từng nói, “vaccine miễn dịch tốt nhất” chính là ý thức tự bảo vệ chính
mình, bảo vệ người thân, gia đình mình khỏi tác động của đại dịch. Mong rằng,
mỗi người dân Hà Nội sẽ có sẵn trong mình “vaccine miễn dịch tốt nhất”.
NMĐ-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét