CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

CHUNG TAY QUÉT SẠCH RÁC TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 

Không thể phủ nhận, mạng xã hội kể từ khi ra đời, đã mang lại cho con người những kênh kết nối mạnh mẽ, đưa chúng ta xích lại gần nhau, bất chấp khoảng cách không gian, địa lý. Thế nhưng, không phải tất cả những người truy cập internet, tham gia mạng xã hội đều có nhận thức đúng đắn, hành vi chuẩn mực.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự vô tình hay thậm chí là cố ý của một thiểu số người dùng mạng xã hội khi lan truyền thông tin sai trái, phát tán hình ảnh phản văn hóa, hay những nội dung tục tĩu đội lốt sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đang làm lây lan virus độc hại trên không gian mạng. Muôn hình vạn trạng, nhưng có thể đặt một cái tên chung: RÁC MẠNG.

Trong những loại rác mạng, xếp ở hàng đầu, đó chắc chắn là những sản phẩm tin tức được tung ra bởi các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Lợi dụng những thời điểm đất nước gặp khó khăn như trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các đối tượng này, dùng nhiều thủ đoạn như tung tin giả, tin cắt ghép, livestream, liên tục chia sẻ lên các mạng xã hội với các mục đích không mới mà chúng tôi đã nhiều lần phân tích, đó là xuyên tạc chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo, miệt thị nhân dân, chia rẽ giữa người dân với người dân, người dân với chính quyền.

Cái đích cuối cùng mà chúng hướng đến, đó là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động, nhằm tiến tới bạo loạn lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.

Không chỉ những đối tượng phản động, thù địch, cơ hội chính trị không ngừng chống phá phát tán virus độc hại. Trong thế giới phẳng, ai cũng có thể xả rác lên mạng, dù vô tình hay cố ý. Phổ biến nhất là tin giả (fake news).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải xây dựng một trung tâm xử lý tin giả trên internet để xử lý những thông tin giả mạo. Về thủ đoạn, tin giả ngày một tinh vi hơn. Người ta còn xây dựng các fanpage giả mạo tổ chức, cơ quan nhà nước như fanpage Ban Tuyên giáo Trung ương, hay Bộ Công an; giả mạo các phát ngôn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành nọ địa phương kia.

Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, tin giả lại mọc lên như nấm sau mưa. Kẻ tung tin giả lợi dụng tâm lý hiếu kỳ, chú ý tới những tin tức tiêu cực, giật gân hơn là tích cực của đám đông; đánh vào sự lo lắng bất an, cả lòng trắc ẩn của cộng đồng trong dịch bệnh. Giả mạo văn bản chỉ đạo phòng chống dịch của Thành phố Hải Phòng, hay tung tin Đà Nẵng có 300 ca F0 tại khu công nghiệp đến từ admin một nhóm ăn vặt tại Đà Nẵng trên facebook.

Nhiều người, trong đó có cả những người nổi tiếng, bỗng trở thành chuyên gia điều trị COVID-19 với những bài thuốc có thành phần với cái tên mỹ miều là địa long, hay dân gian gọi là giun đất. Hay như câu chuyện lấy nước mắt về một bác sĩ được tạo ra từ trí tưởng tượng, rút ống thở cha mẹ để nhường cho sản phụ.

Nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự, nhẹ hơn là phạt hành chính, theo như cách nói vui của một số người trên mạng, là được mời đóng góp vào Quỹ phòng chống COVID-19. Dù đã bị xử lý, những hành vi tung tin giả, vì nhiều mục đích khác nhau: câu lượt xem, lượt thích, thu hút sự chú ý để bán hàng trực tuyến, vẫn để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, đó là sự hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh, gây bất ổn trong xã hội. Thiết nghĩ cần một cơ chế luật định mạnh tay với các dạng rác mạng để mạng xã hội trở thành môi trường lành mạnh, văn hóa mới trong thời đại công nghệ số hiện nay.

 

NXĐ-H4

0 nhận xét: