Quyền con người
nói chung, quyền “tự do tôn giáo” nói riêng là những quyền tự nhiên, vốn có và
khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và các
thỏa thuận pháp lý quốc tế. Song, lợi dụng quyền tự do tôn giáo để đòi “tự
do tuyệt đối về tôn giáo” (tôn giáo đứng ngoài pháp luật) dù mục đích nào cũng
đều phi thực tiễn, không thể chấp nhận.
Theo văn bản
pháp lý của Liên hợp quốc: mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối mà là một quyền
tương đối, có giới hạn. Điều này được chỉ rõ tại Khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn
Nhân quyền thế giới năm 1948: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình,
mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm bảo đảm sự công nhận
và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm
đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi
chung trong một xã hội dân chủ”; Khoản 3, Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền
dân sự và chính trị năm 1966: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín
ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới
hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức
xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, quan
niệm cho rằng “tự do tuyệt đối về tôn giáo” là sự cố tình phớt lờ nội
dung cốt lõi của các văn bản pháp lý quốc tế, nhằm can thiệp, phá hoại hệ thống
pháp lý các quốc gia về tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động.
Sở dĩ có quan
niệm cho rằng “tự do tuyệt đối về tôn giáo”, là bởi họ đã cố tình vin vào cái gọi
là “thuyết nhân quyền tự nhiên” về quyền tự do tuyệt đối, vĩnh hằng, không bị
giới hạn “không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước
bỏ các quyền bẩm sinh, vốn có của con người”. Đây là điều hết sức phi lý. Vì
trong xã hội, nếu không có hoạt động quản lý của nhà nước thì các quyền tự do
cơ bản của con người không thể thực hiện, tất yếu sẽ dẫn đến mất ổn định chính
trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân. Bên cạnh
một số ít quyền tuyệt đối, như: quyền được sống, còn lại đa số các quyền đều là
quyền tương đối, thụ hưởng các quyền đó phải có điều kiện, phải chịu sự chế ước
của xã hội. Điều đó càng có sức thuyết phục khi mỗi tín đồ tôn giáo đồng thời
là công dân, được thực hiện các quyền của mình, nhưng phải thực hiện nghĩa vụ
công dân, tuân thủ pháp luật nhà nước. Như vậy, ở bất cứ quốc gia nào trên thế
giới, quyền tự do tôn giáo đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, không thể
có tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc, xem thường pháp luật. Ở Việt Nam,
Điều 15, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 chỉ
rõ: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.
Thực tiễn trên
thế giới, các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều quan niệm về tự do tín ngưỡng,
tôn giáo phải đặt trong mối quan hệ với nhà nước và pháp luật. Hiến pháp Cộng
hòa Liên bang Ðức quy định: tự do tôn giáo, tín ngưỡng được bảo đảm, nhưng hoạt
động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm nếu như mục
đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm quy định của Luật hình sự hay chống lại
chế độ xã hội đã được quy định trong Hiến pháp. Tại Áo, Ðiều 28, Bộ Luật về hội
đoàn chỉ rõ: một tổ chức tôn giáo có thể bị giải tán nếu vi phạm quy định trong
Bộ luật Hình sự. Ở Mỹ, tuy Hiến pháp nước này không đưa ra giới hạn đối với tôn
giáo, nhưng lại chỉ rõ: các cơ quan chính quyền của bang trực tiếp thi hành việc
giám sát các hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn hành chính của
bang, chỉ sau khi được chính quyền xem xét, đồng ý cho phép thành lập thì các tổ
chức tôn giáo mới được phép hoạt động và có tư cách pháp nhân, v.v. Điều này
cho thấy: các quốc gia đã đặt ra giới hạn cho tự do tôn giáo, nhằm bảo đảm trật
tự, lợi ích chung của xã hội và của người dân. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo trong luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia không phải là
một quyền tuyệt đối. Các quan điểm biện hộ cho “quyền tự do tuyệt đối về tôn
giáo” không chỉ đi ngược lại hiến pháp, pháp luật các quốc gia mà còn đi ngược
lại pháp luật quốc tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Mặt khác, “tự
do tôn giáo” và “tự do thể hiện tôn giáo” là hai vấn đề không đồng nhất với
nhau, mỗi vấn đề có nội hàm riêng biệt. Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền
dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “tự do tôn giáo” là mọi người có quyền
tuyệt đối tự do lựa chọn tôn giáo của mình, nhưng khi thể hiện quyền tự do tôn
giáo, tức là thực hiện hành vi tôn giáo trên thực tế phải phù hợp với
bối cảnh, điều kiện xã hội cụ thể trên cơ sở tôn trọng nhu cầu riêng tư của người
khác, không ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Song, với những toan tính chính trị,
các thế lực thù địch ra sức nhào nặn, đồng nhất, đánh tráo hai khái niệm này,
nhằm khẳng định tự do thể hiện tôn giáo là tuyệt đối. Ở khía cạnh khác, cụm từ
“tự do tôn giáo” và “tự do thể hiện tôn giáo” tuy khác về bản chất, nhưng lại
có sự trùng lặp tương đối về mặt ngôn ngữ, nên đã trở thành công cụ chính trị để
một số quốc gia tự cho mình “quyền” để phán xét thành tựu bảo đảm quyền tự do
tôn giáo của quốc gia khác vì mục đích chính trị.
Hiến pháp và
các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đều khẳng định chủ trương nhất quán của
Đảng, Nhà nước Việt Nam: luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của người dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này tiếp tục
được Đảng ta khẳng định: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng
quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn
giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng”1. Điều 24, Hiến pháp năm 2013: “Mọi
người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo
nào.
Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn
giáo năm 2016: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Mặc dù các văn bản
pháp lý của Việt Nam hoàn toàn tương thích với Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới
năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp
quốc, nhưng các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị vẫn cố tình tạo cớ,
xuyên tạc, cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam ban hành nhằm hạn chế “tự do
tín ngưỡng, tôn giáo” của người dân và đòi “tự do tuyệt đối về tôn giáo”. Đây
là sự xuyên tạc hết sức lố bịch nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của
các thế lực thù địch.
Thực tế ở Việt
Nam có không ít hoạt động tôn giáo nhuốm màu mê tín dị đoan, trái với văn hóa
truyền thống, không được pháp luật cho phép, như: hoạt động của Hội thánh Đức
Chúa Trời Mẹ, Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, Nhất quán đạo, v.v. Một số vụ vi
phạm pháp luật bị đưa ra xét xử, phạt tù, điển hình là: đối tượng Rah Lan Hip
(trú tại Ia Băng, Chư Prông, Gia Lai) bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt
7 năm tù, vì đã tổ chức nhóm họp “Tin lành Đề ga”, tuyên truyền duy trì hoạt động
Fulro để thành lập cái gọi là Nhà nước Đề ga của người dân tộc thiểu số Tây
Nguyên, vi phạm Khoản 1, Điều 116, Bộ luật Hình sự năm 2015 “Phá hoại chính
sách đại đoàn kết”. Một số linh mục: Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Duy
Tân,… bị hạn chế đi lại, do các linh mục này có nhiều hoạt động không phải là
hoạt động tôn giáo thuần túy. Họ đã lợi dụng tòa giảng để chống chính quyền, có
nhiều phát biểu đăng trên mạng xã hội xuyên tạc lịch sử Việt Nam, vi phạm
Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “quy định các hành vi bị nghiêm cấm các
hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc
gia, trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo”. Gần đây, một số
linh mục tại các giáo xứ: Hà Lời (Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình); Xuân Hòa
(Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình); Dũ Thành (Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Hội
thánh truyền giáo Phục Hưng (Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) vi phạm chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế và địa phương về công tác phòng,
chống đại dịch Covid-19. Hành động này của các vị linh mục, xét cho cùng đã “lạm
quyền” tự do thể hiện tôn giáo một cách thái quá, vi phạm nguyên tắc
thượng tôn pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc,
vu cáo chỉ là chiêu trò lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá
Nhà nước Việt Nam.
Lịch sử đã minh
chứng: dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tôn giáo chung sống gắn
bó, hòa hợp, “tốt đời, đẹp đạo”; các tín đồ, chức sắc tin tưởng vào đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phát huy truyền thống yêu
nước, đồng hành cùng dân tộc, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có: 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được
Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo; gần 30.000 cơ sở thờ tự,
53 cơ sở đào tạo; các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận được chính
quyền địa phương bảo đảm sinh hoạt tại gia đình, điểm nhóm đã đăng ký theo quy
định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có cả điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo
của người nước ngoài. Nhiều tỉnh, thành phố bàn giao đất cho các tổ chức tôn
giáo xây dựng cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo: Thành phố Hồ Chí Minh giao 7.500 m2 cho
Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam xây dựng Viện Thánh kinh thần học; Thừa
Thiên Huế giao 20 ha cho Học viện Phật giáo; Đà Nẵng giao 6.000 m2 cho Hội
truyền giáo Cơ đốc; Hà Nội giao 11 ha cho Giáo hội Phật giáo để xây dựng Học viện
Phật giáo, v.v. Hằng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở
trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài
vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế được tổ chức
thành công tại Việt Nam: Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới; Tin
lành kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền vào Việt Nam; Giáo hội Phật giáo tổ chức
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2019 đã thu hút sự tham dự của trên 3.000 đại
biểu tăng ni, phật tử trong và ngoài nước tham dự, được dư luận quốc tế đánh
giá cao, v.v. Đặc biệt, Việt Nam trúng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu cao nhất và đã bảo vệ thành
công các Phiên Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II. Hiện nay, các nước
ASEAN đã đồng ý giới thiệu Việt Nam ứng cử vào thành viên Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Sự thực trên là sự khẳng định mạnh mẽ nhất
của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo. Đồng thời khẳng định: không ở đâu có quyền tự do tôn giáo tuyệt đối
như đòi hỏi phi lý của một số người./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét