Nhìn lại thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có sự tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt, nhất là về trình độ năng lực, tư duy đột phá trên nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Không
ít cán bộ lãnh đạo, quản lý đã khẳng định rõ bản lĩnh trong khó khăn, thử
thách, dám dấn thân đi trước mở đường, dám nghĩ, dám làm; có tư duy nhạy bén,
sáng tạo, tầm nhìn xa trông rộng vượt trước thời đại, vượt ra khuôn khổ của những
nếp nghĩ, cách làm đã cũ mòn và để lại dấu ấn rõ nét trong công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, điều hành.
Tuy
nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm, dám đột phá trong đội ngũ cán bộ hiện nay còn nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm,
nhất là chưa thể đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, điều hành. Không khó để lý giải thực trạng trên, bởi tâm lý chung
trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp
là thường sợ sai, sợ chịu trách nhiệm nếu “xé rào” cơ chế. Lâu dần, tâm lý sợ
sai trở thành lực cản, sức ì lớn khiến cán bộ chưa dám nghĩ lớn, không dám làm
lớn, làm mới và một loạt hệ quả, đó là từ lãnh đạo đến cán bộ, đảng viên, ai
cũng chỉ muốn làm tròn vai, ở trong vòng an toàn mà không dám đột phá, thiếu
sáng tạo. Nhất là hiện nay, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta đang trong giai đoạn hoàn thiện nên có rất nhiều vấn đề bất cập
nảy sinh trong thực tiễn, đòi hỏi tinh thần dám làm, dám đột phá của cán bộ
lãnh đạo các cấp để tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, thể chế, giúp ngành, địa
phương phát triển.
Tuy
nhiên, nhìn chung tinh thần ấy trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là ở
cơ sở vẫn chưa được như kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi thế,
ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương lâu nay vẫn tồn tại thực tế: Những
vấn đề mới, khó, vướng mắc do cơ chế chưa theo kịp thực tiễn thì cần xin chủ
trương của trên và cái gì không "quản" được thì... "cấm".
Nhìn
lại hệ thống cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ
cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu
trách nhiệm vì lợi ích chung ở nước ta hiện nay nhìn chung vẫn chưa hoàn thiện
và đồng bộ. Hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vẫn ở lằn ranh
giữa đúng-sai mong manh. Trong khi đó, cán bộ dám nói, dám đấu tranh chống tham
nhũng, tiêu cực được tôn vinh, khen thưởng nhưng chưa có cơ chế bảo vệ, dẫn đến
nhiều người dám đấu tranh, nhưng sau đó bị cô lập, thậm chí bị triệt hạ, trả
thù, bị đưa ra khỏi tổ chức...
Kết
luận 14 của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa chủ trương bảo vệ cán bộ “6 dám” như
tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để đội ngũ cán bộ, đảng viên mạnh dạn
“vượt rào”, đưa ra những ý tưởng đột phá vì sự phát triển chung, động cơ trong
sáng, không vụ lợi. Như vậy, chủ trương của Đảng đã rất rõ, điều quan trọng lúc
này là, ngoài chủ trương, quy định của Đảng, cần phải được cụ thể hóa, thể chế
hóa bằng các quy định của pháp luật để khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Trong thời
gian tới, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần khẩn trương
nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn để ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách, tạo
hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi
ích chung. Trong đó, các quy định phải rất cụ thể, tránh chung chung dẫn đến
khó khăn trong quá trình thực thi. Đặc biệt, các thể chế, quy định, cơ chế
chính sách phải bám sát thực tiễn để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển
khai thực hiện./.
NHL-KBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét