Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc phòng, chống tham ô, lãng phí. Theo
Bác: “Tham ô là đục khoét của nhân dân”, “ăn bớt của bộ đội”, “ăn cắp của công,
khai gian, lậu thuế”; lãng phí là lãng phí tiền của, thời gian, sức lao động,
v.v. Người chỉ rõ: tham ô, lãng phí chính là “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội
và của Chính phủ”, “tham ô lãng phí là một thứ giặc ở trong lòng” và “do cá
nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa
hoa” và chống tham ô, lãng phí cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc
trên mặt trận. Đồng thời, Bác cũng đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống, như:
“nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, chống quan liêu, thực
hiện dân chủ, v.v. Đối với Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục,
rèn luyện về đạo đức, cũng như phòng, chống những biểu hiện tiêu cực, sai phạm,
trong đó có bệnh tham ô, lãng phí. Ngày 15/6/1957, nói chuyện với các đơn vị
Quân đội tại Quân khu IV, Bác nói: “Phải làm sao cho trong Quân đội không có
tham ô, lãng phí”(1).
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội ta luôn chú
trọng tiến hành các biện pháp tích cực, hiệu quả để chống quan liêu, ngăn ngừa
tham ô, lãng phí. Ngay từ sớm, trong các quy định của 10 Lời thề danh dự, 12 Điều
kỷ luật đã giáo dục mọi quân nhân “không lấy cái kim, sợi chỉ của dân”; thực
hành tiết kiệm từng viên đạn, lít xăng với tinh thần coi súng, đạn như “vợ,
con”, “yêu xe như con, quý xăng như máu”, v.v. Tinh thần đó được cán bộ, chiến
sĩ toàn quân khắc ghi, ra sức thực hiện và được thể hiện rõ nét trong thực hiện
Cuộc vận động “Ba xây, ba chống”: “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường
quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan
liêu” do Đảng ta phát động vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Những năm gần
đây, toàn quân triển khai thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống
hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Nhiều cuộc vận động, phong
trào thi đua của các cấp, các ngành được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc,
mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình là: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời
Bác Hồ dạy”, “Quản lý tài chính tốt”, “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ
thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, v.v. Trong thực hiện,
cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ đảm
nhiệm các vị trí nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực có phẩm chất đạo đức trong
sáng, ý thức thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về công tác quản lý kinh tế,
tài chính; lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở. Nhiều đơn vị thực hiện
hiệu quả việc kết hợp thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí với làm kinh tế,
tăng gia sản xuất, gắn kinh tế với quốc phòng, bảo đảm theo đúng quy định về
công tác quản lý, đạt hiệu quả cao. Các sai phạm xảy ra đều được giải quyết, xử
lý kịp thời, nghiêm minh với quan điểm không có “vùng cấm”, “vùng an toàn”,
“vùng bất khả xâm phạm”, v.v. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ luôn có phẩm chất đạo đức
cách mạng trong sáng; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, có
ý thức thực hành tiết kiệm, góp phần giữ vững danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”,
xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Kết quả đó đã được Tổng
Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng biểu dương tại Đại hội đại
biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: “Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật,
kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành nghiêm
túc, chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các sai phạm, không có “vùng cấm”, không có
ngoại lệ, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội”.
Thế nhưng, các
thế lực thù địch vẫn lợi dụng việc một số ít cán bộ, đảng viên trong Quân đội
vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ
luật Quân đội, pháp luật Nhà nước để xuyên tạc, nhào nặn, thổi phồng sự việc,
quy chụp vô căn cứ phát tán lên mạng xã hội, hòng biến hiện tượng thành bản chất,
hạ thấp uy tín “Bộ đội Cụ Hồ”, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Quân
đội ta. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt điều Bác căn dặn, góp phần xây dựng
Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, cấp ủy các cấp cần
tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết đại hội XIII của Đảng “Thực hiện nghiêm
quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện chặt chẽ,
có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ,
công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp” (2); gắn thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với Kết luận số 01-KL/TW,
ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt yêu cầu của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ nhất Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ
2020 - 2025: “Quân đội phải đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, chủ nghĩa
cá nhân để làm gương trong toàn xã hội”, “đấu tranh không khoan nhượng với quan
điểm sai trái, thù địch, kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, tiêu
cực làm trong sạch nội bộ, chống chủ nghĩa cá nhân, quét sạch chủ nghĩa cá nhân,
không được bao che, nể nang, không giấu, không sợ khuyết điểm, thẳng thắn đấu
tranh phê bình và tự phê bình, kịp thời chỉ ra những khuyết điểm của đồng chí,
đồng đội mình khi đang còn manh nha, có như thế mới giúp nhau cùng tiến bộ được”.
Cùng với đó, quán
triệt nắm chắc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh, chỉ
thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của
cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng trong Quân đội, làm cơ sở để
triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực. Phát huy tốt
vai trò trong lãnh đạo công tác tài chính, kinh tế, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ
nảy sinh tiêu cực, từ đó khắc phục triệt để biểu hiện vi phạm ngay từ trong tư
tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Triển khai nghiêm túc các đợt học tập, nghiên
cứu, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, làm
cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ bản chất, nguyên nhân, nguồn gốc, tác hại của tham
nhũng, lãng phí, nhằm nâng cao trách nhiệm trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn
tệ nạn nguy hiểm này. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công khai,
minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo Thông tư số 07/2014/TT-BQP,
ngày 23/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và hướng dẫn về minh bạch
tài sản, thu nhập trong Quân đội; chú trọng công khai, minh bạch việc thực hiện
các chế độ, chính sách, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sản xuất trang thiết bị,
quản lý, sử dụng đất quốc phòng, nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra sai
phạm. Quản lý tốt cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị, tài chính của đơn vị theo
đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, kiên quyết tránh tình trạng gây thất
thoát tài chính, hư hỏng, mất mát trang thiết bị kỹ thuật. Thực hiện tốt Quy chế
Dân chủ cơ sở để phát huy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong mỗi cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm
tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng
phí với tinh thần không có “vùng cấm”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với
những tập thể có thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham
nhũng; bảo vệ, khen thưởng xứng đáng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong
đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm minh những hành vi ngăn cản,
trù dập người tố cáo, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ
quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”./.
NCB-H4
________
1 - Hồ Chí Minh
– Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 629.
2 - ĐCSVN
– Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H.
2021, tr. 146.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét