Trong bất kỳ thời điểm lịch sử
nào, dù xã hội có phát triển và đổi thay, "tôn sư trọng đạo" vẫn là một
truyền thống, một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Vai trò của người thầy luôn được đề
cao và coi trọng, hình ảnh người thầy giáo luôn tiêu biểu trong mọi tầng lớp của
xã hội, và nghề giáo được thừa nhận là nghề cao quý nhất trong các nghề cao
quý.
Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng
của xã hội Việt xưa “Quân - Sư - Phụ”, thì "Thầy" chỉ đứng sau
"Vua" và trên cả "Cha mẹ". Vai trò của người thầy được khẳng
định qua ca dao, tục ngữ: "Không thầy đố mày làm nên", "Công
cha, nghĩa mẹ, ơn thầy"... Thầy là người được xã hội đặc biệt coi trọng và
tôn vinh, là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin, giúp con em họ học hành mà
thành tài. Thầy giáo là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước
ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò noi theo, để trở thành người có đức, có
nhân, có tài đứng ra giúp nước.
Đạo lý thầy-trò là một trong những
đạo lý thiêng liêng nhất của con người. Cũng như đạo trung của dân với nước và
đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, đạo lý thầy-trò góp phần tạo nên bản sắc
văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam.
Trong tuyền thống Việt Nam, thầy
giáo luôn hết mình dạy dỗ, không chỉ truyền tải kiến thức cho học trò, mà còn
luôn giữ lòng thanh cao để làm gương cho học trò. Còn học trò cũng phải giữ
đúng “đạo học trò”, nhất mực coi trọng những lời dạy bảo của thầy, chăm chỉ học
tập và ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa
lỗi lầm. Vì vậy, nước ta mới có nhiều thầy giỏi, trò tài, tạo nên lịch sử vẻ
vang hàng nghìn năm văn hiến.
Người thầy được xã hội tôn vinh
nhưng trọng trách mà xã hội đặt ra cho người thầy cũng hết sức nặng nề. Trò
không ngừng học, người thầy cũng phải không ngừng tự làm mới mình để đủ sức
khai sáng, khơi nguồn cho thế hệ trẻ theo đà tiến bộ của văn hóa xã hội và khoa
học kỹ thuật hiện đại./.
NMH-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét