Hiện nay, các
thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vẫn không từ bỏ âm mưu, hoạt động
chống phá Việt Nam. Chúng luôn lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và không
gian mạng vào các hoạt động chống phá với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy
hiểm. Trong bối cảnh đó, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng đặt
ra trong tình hình hiện nay là hết sức cấp thiết.
Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc;
bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật
tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch, phản
động luôn lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật để chống phá Việt Nam, đặc biệt
là gia tăng các hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên
không gian mạng, do đó, để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng theo
tinh thần Đại hội XIII của Đảng, cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp
tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất
là các cán bộ, đảng viên về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá hoại của
các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng.
Trên thực tế,
không gian mạng đã, đang và sẽ là môi trường để các thế lực thù địch tìm mọi
cách lợi dụng vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước ta. Hoạt động thường
xuyên, phổ biến của chúng trên không gian mạng là tuyên truyền phá hoại nền tảng
tư tưởng của Đảng ta. Trong khi đó, số lượng người dân Việt Nam được tiếp cận,
sử dụng in-tơ-nét ngày càng nhiều, kiến thức, kỹ năng về tự bảo vệ bản thân
trên không gian mạng của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, dẫn đến
tình trạng số lượng người dân tiếp cận với các thông tin tuyên truyền, phá hoại
tư tưởng của các thế lực thù địch ngày một lớn, dễ bị các đối tượng lôi kéo,
tiêm nhiễm các quan điểm sai trái, thù địch. Để mỗi người dân có thể “miễn dịch”
với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ địch và cao hơn có thể trở
thành chiến sĩ kiên trung, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chúng ta
cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh
giác, để mỗi người dân có thể nhận thức rõ âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh
quốc gia trên không gian mạng của các đối tượng.
Hai là, làm
tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm an
ninh quốc gia trên không gian mạng.
Thời gian
qua, xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên
không gian mạng, từ hoạt động của các đối tượng tình báo, gián điệp, phản động,
cho tới các loại đối tượng tội phạm khác, nhất là tội phạm công nghệ cao. Do
đó, yêu cầu làm tốt công tác phòng, ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành
vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng ngày càng trở nên cấp thiết.
Cần làm tốt công tác quản lý, giám sát không gian mạng để phòng ngừa và phát hiện
sớm các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Huy động sức
mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống
các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Đầu tư xây dựng đội
ngũ, lực lượng nòng cốt chuyên trách, tinh nhuệ, tinh thông nghiệp vụ, đủ khả
năng đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian
mạng.
Ba là, phòng
ngừa không để chiến tranh mạng xảy ra.
Mặc dù chưa xảy
ra chiến tranh mạng, tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều hoạt
động tấn công mạng nguy hiểm, gây ra những thiệt hại lớn cho Việt Nam. Do đó,
yêu cầu phòng ngừa không để chiến tranh mạng xảy ra là hết sức cần thiết. Để đối
phó với nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, chúng ta phải triển khai ngay các giải
pháp tổng thể, đồng bộ bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, khẩn
trương nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả phòng, chống chiến tranh mạng, chiến
tranh điện tử, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh thông tin.
Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh không gian mạng quốc
gia trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, bảo vệ vững chắc các cơ sở hạ tầng
quân sự, mục tiêu trọng yếu; có chiến lược phát triển nhân lực chuyên ngành
công nghệ thông tin trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đầu tư trọng điểm xây dựng
các đơn vị an ninh mạng, tác chiến điện tử đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ phòng
thủ quốc gia trên không gian mạng, sẵn sàng ứng chiến khi có chiến tranh mạng xảy
ra.
Bốn là, tăng
cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng.
Để bảo đảm an
ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, trước hết cần chú trọng công tác
bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về
bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động
phòng ngừa những sơ hở, thiếu sót, không để các thế lực thù địch, phản động và
các loại đối tượng lợi dụng xâm phạm hệ thống thông tin, thu thập, chiếm đoạt
bí mật nhà nước, thông tin nội bộ gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích
của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuân thủ các quy định của Luật An toàn
thông tin mạng năm 2015. Chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật nhà nước, quy
chế phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử
lý nghiêm các hành vi làm mất an ninh, an toàn thông tin; lộ, lọt bí mật nhà nước,
thông tin nội bộ hoặc lợi dụng bí mật nhà nước, thông tin nội bộ để thực hiện
các hành vi trái pháp luật.
Năm là, xây
dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đủ về số lượng, đồng thời
nghiên cứu, nắm bắt, tiến tới chủ động về công nghệ, trang thiết bị và dịch vụ
mạng.
Việt Nam có đội
ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin đông đảo nhưng số lượng làm việc
trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế, trong đó, không ít người giỏi, có năng
lực chuyên môn tốt đã chuyển ra ngoài khu vực Nhà nước làm việc. Đáng chú ý là,
số lượng người có chuyên môn sâu về an ninh, an toàn thông tin mạng còn thiếu,
đặc biệt là trên lĩnh vực bảo mật mạng. Do đó, trong thời gian tới, cần có chiến
lược đào tạo phù hợp để có nguồn nhân lực đủ cả về số lượng và bảo đảm về chất
lượng, có thể đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư đặt ra. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu, hợp tác quốc
tế, chuyển giao công nghệ, tự chủ sản xuất các trang thiết bị, tiến tới có thể
tự chủ trong sử dụng, cao hơn là trong sản xuất các trang thiết bị và ứng dụng
dịch vụ mạng./.
VTK-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét