Đại hội XIII
của Đảng được xác định là dấu mốc tạo bước chuyển rất quan trọng, làm tiền đề
cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển
đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập
trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực
hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc
đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, cần thực
hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp lớn; trong đó, vấn đề xây dựng và phát
huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới được Đại hội XIII
của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Kế thừa nội
dung trong các nghị quyết, văn kiện, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5
khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt
Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII về xây
dựng, phát triển văn hóa, con người, trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của
Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được
trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “giữ gìn và
phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Thực chất, việc
xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là quá trình
kết hợp nhuần nhuyễn, vừa sáng tạo, xác lập những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo
đức mới, vừa khơi dậy, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, chuẩn mực
đạo đức, tinh thần và ý chí quyết tâm, tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của
con người Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, dân tộc
cường thịnh, trường tồn. Quá trình này còn bao hàm việc bảo tồn giá trị văn
hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc không để lai căng, mai một, mất gốc;
chủ động, tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa, đạo đức nhân loại để bổ sung, làm
giàu giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với thực tiễn đất nước. Cách tiếp cận như
vậy thể hiện nhận thức mới trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, con người
Việt Nam thời kỳ mới.
Trên cơ sở mối
quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người, con người với văn hóa, Văn kiện
Đại hội XIII của Đảng xác định: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự
cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc”; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự
hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước,
khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh
tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đây là nội dung được
nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng
trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới,
phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước.
Với quan điểm
con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự
phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội
sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức
mạnh con người Việt Nam, tạo cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt
chẽ, nhuần nhuyễn với xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam. Bởi lẽ, con người
là chủ thể sáng tạo giá trị vật chất và giá trị tinh thần, phục vụ cho nhu cầu
chính mình và xã hội. Với tư cách chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục
tiêu của sự phát triển, xây dựng con người Việt Nam đặt ra việc phát huy giá trị
văn hóa gắn liền với giữ gìn, bảo vệ, hoàn thiện hệ giá trị chuẩn mực con người
và khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của con người trong các lĩnh vực của
đời sống xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều
hướng vào bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người
phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực; củng cố tình yêu quê hương, đất
nước, giá trị nhân văn, tính cố kết cộng đồng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã
hội, sống và làm việc theo pháp luật, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách,
nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những hoạt động đó hướng tới:
“Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội
sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Cách đặt vấn đề như vậy
cho thấy sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng,
phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam rất sâu sắc, phù hợp với
thực tiễn đất nước hiện nay./.
NMH-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét