Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra
biểu hiện của những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến
lợi ích riêng của mình trước hết, không lo "mình vì mọi người" mà chỉ
muốn "mọi người vì mình"
Quy định 37-QĐ/TW (Quy định 37)
về những điều đảng viên không được làm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban
hành ngày 25-10-2021, thay thế Quy định 47-QĐ/TW ngày 01-11-2011. Quy định 37
có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn hiện nay trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Cá nhân chủ nghĩa sẽ phạm nhiều
sai lầm
Quy định 37 giữ nguyên 19 điều
như trước, kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung mới
cho phù hợp hơn.
Điểm đặc biệt ở đây là các nội
dung sửa đổi, bổ sung đều là những vấn đề cốt lõi, quan trọng về rèn luyện tư
tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần
Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng; Hiến pháp năm 2013 và những nội dung mới
trong các chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, Nhà nước ban hành thời gian
qua.
Điều 3 của Quy định 37 có nội
dung "Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi;
"tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng
không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời
quần chúng".
Với nội dung nêu trên, chúng ta
cần đặc biệt lưu ý tới phần "không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ
nghĩa cá nhân". Vì trước hết, chúng ta đã biết Điều lệ Đảng Cộng sản Việt
Nam ghi rõ: "Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong
đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam,
suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân".
Khi vào Đảng, tất cả đảng viên đều
thề trước cờ Đảng sẽ "tiên phong", sẽ đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ
quốc lên trên lợi ích cá nhân. Thế nhưng, trong thực tế, không phải lúc nào, ở
đâu, việc này cũng đều được thực hiện tốt. Đã có những đảng viên không thực hiện
nêu gương mà còn sa vào chủ nghĩa cá nhân nên phạm sai lầm, khuyết điểm.
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã rất lo lắng về những biểu hiện tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Một trong những điều Người lo lắng, trăn trở, suy tư là đảng viên sa vào chủ
nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lên án
gay gắt một số người luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết, "khi có
ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng
phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng".
Trong bài viết "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá
nhân" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 03-02-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ
ra biểu hiện của những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân là: "Việc gì cũng
nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người"
mà chỉ muốn "mọi người vì mình".
Cũng trong bài viết này, Bác khẳng
định những người do cá nhân chủ nghĩa thì "ngại gian khổ, khó khăn, sa vào
tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền
hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán,
chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh.
Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do
cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh
thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước,
làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa
mà phạm nhiều sai lầm".
Cán bộ, đảng viên phải luôn tự
giác tu dưỡng
Với những điều đảng viên không
được làm theo Quy định 37, chúng ta sẽ thấy nếu đảng viên vi phạm thì chắc chắn
có phần nguyên nhân quan trọng từ việc sa vào chủ nghĩa cá nhân và không thể hiện
vai trò tiên phong, gương mẫu của một người đảng viên.
Ban Chấp hành Trung ương đã giao
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định 37; giúp Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ban Chấp
hành Trung ương cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo,
tổ chức thực hiện Quy định 37; định kỳ hằng năm báo cáo với cấp ủy cấp trên
tình hình thực hiện qua ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên...
Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến
định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, đảng viên của Đảng là những
thành viên trong tổ chức lãnh đạo. Để lãnh đạo nhân dân, cần có 2 yêu cầu bắt
buộc là đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên
phải gương mẫu để nhân dân noi theo. Vì vậy, mỗi đảng viên cần không ngừng tự
tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong công việc và trong cuộc
sống.
Tuy nhiên, phải thấy rằng quy định
của Đảng, luật pháp của Nhà nước dẫu có chặt chẽ, nghiêm minh tới đâu thì cũng
chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa và xử lý các hành vi tiêu cực, sai phạm. Để không mắc
vào sai lầm, khuyết điểm thì vấn đề chính là tự thân mỗi cán bộ, đảng viên phải
luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân và nêu gương về đạo đức
cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo lời Bác dạy./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét