Quan
điểm sai trái, thù địch luôn xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước
và giữ nước của dân tộc ta với nhiều mức độ và thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn
biến ngày càng phức tạp, phạm vi chống phá ngày càng rộng lớn. Đặc biệt, trong
suốt thời gian từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, các thế lực thù địch,
phản động trong và ngoài nước thường bám vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân
quyền, dân chủ để đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Nhìn chung, các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Việt Nam luôn có mối
quan hệ chặt chẽ với tình hình “diễn biến hòa bình” trên thế giới. Hiện nay,
các quan điểm sai trái, thù địch diễn biến rất phức tạp, nhưng có thể tổng quát
trên một số phương diện sau:
Một
là, phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Các
thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tung ra các luận điệu
như: chủ nghĩa Mác - Lênin đến nay đã lỗi thời, chỉ đúng đắn trong điều kiện
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (động cơ hơi nước), với nền sản xuất dựa
trên máy móc cơ khí, còn hiện nay, nhân loại đã chuyển mình sang Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, nên chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp. Chúng cho rằng,
đó là học thuyết ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây, không phù hợp với Việt
Nam. Chúng phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có
học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư của
C.Mác, bác bỏ thời kỳ quá độ lên CNXH, coi thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt
Nam là phi thực tế.
Các
thế lực thù địch, phản động tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều
phương diện. Chúng xuyên tạc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tư tưởng của
riêng mình hoặc tư tưởng của Người không được coi là một hệ thống. Chúng đưa ra
luận điệu tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc,
không có tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về cách mạng XHCN, không mang bản chất
mácxít, thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin; rằng, Hồ Chí Minh là người
dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện; đưa chủ nghĩa Mác
- Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử.
Hai
là, xuyên tạc, phủ định các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và
pháp luật của Nhà nước
Về
con đường đi lên CNXH, các thế lực thù địch tìm mọi cách phủ nhận mục tiêu, lý
tưởng, con đường đi lên CNXH, phê phán CNXH hiện thực, công khai ca ngợi con đường
TBCN; đồng nhất và quy chụp những hạn chế, yếu kém của CNXH hiện thực hay những
sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản để minh chứng cho sự sai lầm của học
thuyết Mác - Lênin. Từ đó, chúng ca ngợi mô hình CNXH dân chủ là mô hình phát
triển phù hợp với thế giới đương đại, vừa tích hợp được những mặt mạnh của chủ
nghĩa tư bản với mặt mạnh của CNXH. Một số ý kiến cho rằng, những nước đi theo
con đường TBCN, mặc dù có những bất cập nhất định, nhưng tốc độ phát triển kinh
tế nhanh, những vấn đề xã hội, môi trường thường được giải quyết tốt hơn các nước
đi theo CNXH.
Về
Đảng cầm quyền, các thế lực thù địch tìm cách bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng
được ghi trong Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chúng cho rằng: “Đảng
Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số
việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không
còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”(2). Chúng lập luận rằng, Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội theo chế độ đảng trị, “thể chế Việt Nam hiện
nay là không phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chế độ một Đảng lãnh đạo, độc quyền
là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”; “Hiến pháp của Việt Nam là không
chính danh, chỉ là Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, toàn trị”(3).
Về
kinh tế thị trường định hướng XHCN, các thế lực thù địch cho rằng, đường lối
phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là chắp vá, không tưởng.
Chúng phủ nhận mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; phủ nhận
vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Về
sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chúng cho rằng, sự sụp đổ của mô hình
CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
đã kết thúc. Ở thời đại ngày nay, trong nền sản xuất hiện đại đã sử dụng nhiều
rôbốt - người máy, tự động hóa, người công nhân được tuyển dụng và sử dụng rất
ít, cho nên học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác, học thuyết về sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân không còn phù hợp nữa. Chúng cho rằng, trong xã hội hiện
đại, nhà tư bản không còn bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân; giai cấp
công nhân không còn vai trò trong nền sản xuất hiện đại mà chính tầng lớp trí
thức mới là người quyết định vận mệnh tương lai của nhân loại.
Về
vấn đề dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch tìm cách tuyên truyền, vu cáo
Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm chính sách tự do tôn giáo, đàn áp
tôn giáo...
Về
quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chúng cho rằng, quân đội và công an chỉ làm nhiệm
vụ bảo vệ đất nước và an ninh, trật tự xã hội, không nên bị chi phối bởi chính
trị; không phải là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; cần phi chính trị hóa
quân đội và công an.
Ba
là, phủ định các giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả của cách mạng
Việt Nam
Các
thế lực thù địch tìm cách phủ nhận tất yếu lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc
đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, đánh đồng những chiến sĩ cách
mạng hy sinh vì chính nghĩa với những kẻ làm tay sai, bán nước. Chúng xuyên tạc
lịch sử cách mạng, cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và nhân
dân Việt Nam là sai lầm, gây đổ máu; đi theo con đường TBCN thì đã không phải
thực hiện chiến tranh.
Cùng
với việc phủ nhận những thành quả mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu
đạt được trong 35 năm đổi mới, chúng phê phán đường lối phát triển của Việt Nam
lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo là đã tập trung vào khu vực kinh tế kém hiệu quả,
khó tránh khỏi tụt hậu. Lợi dụng kết quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng
tiến hành, chúng xuyên tạc, bóp méo, vu khống, suy diễn cho rằng, đó là cuộc
“thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân” vì “lợi ích nhóm”... Từ đó, chúng gieo
rắc những hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bốn
là, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên
Có
thể nhận diện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên ở một
số nội dung như: xuyên tạc về tình hình sức khỏe; thêu dệt bí mật đời tư; bình
phẩm, phán xét về trình độ, năng lực; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối sống của
cán bộ, đảng viên.
Năm
là, xuyên tạc, bóp méo các sự kiện phức tạp, nhạy cảm
Các
thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc, bóp méo những chủ trương, chính sách, văn
bản ký kết của Việt Nam với một số nước để kích động, hạ thấp uy tín của Đảng
và Nhà nước ta; làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự
điều hành của Nhà nước; lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, nhất là các sự kiện liên
quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, tranh chấp Biển Đông, những
vấn đề liên quan đến đầu tư, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… để kích động gây mất
ổn định chính trị, xã hội.
Có
thể thấy, các quan điểm sai trái, thù địch thể hiện rất đa dạng, phức tạp, với
mức độ thường xuyên, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhằm mục đích làm lung lay nền
tảng tư tưởng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, từ đó xóa bỏ chế độ
XHCN ở Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn cảnh giác, nhận thức đúng, luôn
luôn đấu tranh với các quan điểm sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét