CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

"PHÁP LUẬT VIỆT NAM CÓ CHẲNG RA CÓ, KHÔNG CHẲNG RA KHÔNG" - MỘT LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA NGUYỄN HỮU VINH

          

          Gần đây, trên trang “Bureau CTM Media – Âu Châu”, bè lũ cơ hội chính trị, tiêu biểu là “Nguyễn Hữu Vinh” phát tán bài viết có tựa đề “Pháp luật Việt Nam: có chẳng ra có, không chẳng ra không”. Trong nội dung bài viết, bọn cơ hội chính trị và Nguyễn Hữu Vinh đã cố tình bịa đặt, xuyên tạc sự thật về hệ thống pháp luật và tình hình thực thi pháp luật ở nước ta. Nguyễn Hữu Vinh đã trắng trợn phủ nhận tính ưu việt của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phủ nhận sạch trơn những nỗ lực vượt bậc của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nguyễn Hữu Vinh đã bộc lộ rõ bản chất của một tên phản động, hại dân, hại nước; “Y” và đồng bọn cố tình hạ thấp uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ các cơ quan Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước, mục đích cuối cùng của Nguyễn Hữu Vinh là, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đối diện với những tên phản động có tâm địa hẹp hòi, lòng dạ xấu xa, nguy hiểm như Nguyễn Hữu Vinh, mỗi người dân Việt Nam càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Hữu Vinh.

          Nhân dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, từ khi thành lập Nước đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống pháp luật ở nước ta từng bước được xây dựng, phát triển, hoàn thiện; pháp luật trở thành trụ cột, công cụ chủ yếu để quản lý xã hội, người dân Việt Nam đã quen: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

          Trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhiều văn bản pháp luật được xây dựng và ban hành với những đổi mới tích cực đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của công chức; trách nhiệm công vụ được phân định rõ ràng; thủ tục hành chính được cải cách bảo đảm công khai, minh bạch; dịch vụ công từng bước đáp ứng các nhu cầu của người dân; pháp luật về giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được coi trọng; phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng, dân kiểm tra, dân giám sát được luật hóa. Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều đạo luật quan trọng được ban hành, tạo môi trường pháp lý để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chế độ sở hữu, địa vị pháp lý của doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh, các cơ chế khuyến khích và bảo đảm đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm được xác lập. Trong lĩnh vực xã hội, pháp luật về lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, ưu đãi xã hội, dân số – kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường…được quan tâm đặc biệt. Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa, pháp luật đã tạo hành lang pháp lý để xã hội hóa một phần công tác giáo dục và đào tạo; đa dạng hóa các hình thức giáo dục và đào tạo; gắn kết khoa học – công nghệ với thực tiễn; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, pháp luật được hình thành và phát triển ngày càng vững chắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm; pháp luật về vi phạm hành chính từng bước được cụ thể hóa theo các lĩnh vực khác nhau của quản lý nhà nước. Trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế, pháp luật ngày càng được quan tâm xây dựng và hoàn thiện. Nhà nước Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế, nhằm chủ động hội nhập với thế giới; điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập dần trở thành một bộ phận không thể tách rời của hệ thống pháp luật.

          Hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay là hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, với bản chất nhân văn, tiến bộ, hiện đại, hệ thống pháp luật của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện sâu sắc, đậm nét ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi của nhân dân lao động. Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Nước ta, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần đề cao hơn nữa tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc nguy hiểm của những phần tử phản động, luôn rắp tâm hại dân, hại nước như Nguyễn Hữu Vinh./.

PTC-H8

 

0 nhận xét: