Ngày 19/5/1959, Bộ
Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân
sự dọc Trường Sơn, mang tên gọi đường Hồ Chí Minh. Với phương châm mở đường phải
xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà soi tuyến, và không được trùng với các lối mòn
cũ, tổ chức làm nhiều trạm, các trạm không biết địa điểm của nhau... Nhiệm vụ của
con đường này là vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam, tổ chức đưa,
đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.
Điểm xuất phát tại Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, được đánh dấu bằng
cột mốc số 0.
Khi cuộc kháng chiến
chống đế quốc Mỹ đi vào giai đoạn quyết định và để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ
Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 27/11/1972,
cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường vận tải bằng xe cơ giới
từ Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, nối đến tận Lộc Ninh, tỉnh Bình
Phước. Từ đó, Thị trấn Lạt trở thành nơi tập kết để cán bộ chiến sỹ và hậu cần,
vũ khí chuẩn bị vào miền Nam.
Trước đây, Thị trấn
Lạt nằm giữa vùng núi rừng hoang vu, những hố bom do chiến tranh để lại. Với 3
ngả đường: Một ngả nối với đường 15B chạy ra phía Bắc, một ngả là đường 15A chạy
về Đô Lương, Nam Đàn, thành phố Vinh... ngả còn lại chính là con đường vận tải
cơ giới chiến lược chạy vào miền Nam để tiếp viện lương thực, đạn dược cho miền
Nam ruột thịt.
Quy mô lúc đầu chỉ
là một tiểu đoàn với hơn 500 cán bộ chiến sỹ nhưng với sự giúp sức của hàng vạn
công binh, thành niên xung phong, nhân dân thuộc các huyện của tỉnh Nghệ Tĩnh,
đã đào hàng ngàn khối đất đá, khôi phục hàng chục cầu cống, xây dựng tuyên đường
vừa an toàn, bí mật vào miền Nam.
Hàng chục sư đoàn
chủ lực cùng hàng triệu tấn hàng đã được tập kết ở Thị trấn Lạt trước khi vào
chiến trường miền Nam.Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã mở đường trong điều kiện
vô cùng gian khổ, nặng nhọc, vượt qua nhiều đèo cao, núi sâu, đường trơn, đá
tai mèo nhọn hoắt, rừng thiêng nước độc, rắn rết... người đi trước cài lá rừng
trên lối đi, người đi sau khỏa lấp lá lại như cũ. “Đi không dấu, nấu không
khói, nói không tiếng” là điều mà mỗi cán bộ, chiến sĩ vận tải phải chấp hành
nghiêm ngặt.
Tính đến ngày 30- 4-1975,
hệ thống đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài gần 20.000km, xuyên suốt 3 nước Việt
Nam, Lào, Campuchia (đi qua 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào và 4 tỉnh
Campuchia) tạo nên thế trận cầu đường liên hoànvững chắc vươn tới các chiến trường
miền Nam.
Kể từ ngày thành lập
đến kết thúc chiến tranh, trên con đường huyền thoại này bộ đội Trường Sơn đã vận
chuyển gần 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng
dầu chi viện cho miền Nam… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong suốt cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường mang tên 559, đường Trường Sơn, đường
mòn Hồ Chí Minh gắn với biết bao huyền thoại diệu kỳ về mỗi cung đường, mỗi ngọn
núi, dòng sông và tuyệt vời hơn cả là tình yêu đất nước của những con người
dũng cảm. Chính vì lẽ đó mà Trường Sơn mãi mãi là bản anh hùng ca hào hùng, bi
tráng trong lòng dân tộc Việt Nam./.
NTH-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét