CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

CHIẾN TRANH TÂM LÝ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG

  

Hiện nay các cường quốc thế giới đang âm thầm triển khai những phương án đối đầu nhau trên mạng Internet, vì thế, bất kể quốc gia nào đều cảm thấy sự cấp thiết trong việc đầu tư một lực lượng chuyên biệt, xây dựng những “căn cứ” với trang bị đầy đủ về thiết bị công nghệ và đội ngũ kỹ thuật viên giỏi để bẻ khóa, tung ra những đòn tấn công mạng nhằm ngăn chặn và đối phó lẫn nhau. Khi Internet xuất hiện, chiến tranh tâm lý bước vào không gian ảo, các nước phương Tây thông qua các trang mạng xã hội để thúc đẩy “Cuộc cách mạng màu” và các tổ chức khủng bố cũng thông qua trận địa này để “chiêu binh mã”. Chiến tranh tâm lý trên không gian mạng một thủ đoạn của chiến tranh thông qua không gian mạng, nhằm làm suy yếu đối thủ nhanh hơn và giành chiến thắng triệt để hơn so với các phương thức khác đã được tiến hành trong chiến tranh xâm lược truyền thống. Các nhà tư tưởng khẳng định, chiến tranh tâm lý trên không gian mạng đồng nhất với cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng.

Trận địa của chiến tranh tâm lý trên không gian mạng, đó là cuộc chiến tranh diễn ra ở nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự, ngoại giao, khoa học công nghệ, truyền thông, giáo dục, thể thao… Trong thời bình, chiến tranh tâm lý trên không gian mạng càng được phát huy tác dụng và trở thành phương tiện quan trọng để tiêu diệt chính phủ của quốc gia có chủ quyền hoặc là chế độ chính trị có xu hướng đi ngược lại mục tiêu “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”. Vũ khí của chiến tranh tâm lý trên không gian mạng là cuộc chiến tranh sử dụng phương thức tuyên truyền trên không gian mạng là chủ yếu. Phương tiện tiến hành chiến tranh tâm lý trên không gian mạng không phải là các loại máy bay, tàu chiến, tàu ngầm hay những sư đoàn, quân đoàn với hàng nghìn binh sĩ mà lại là các phương tiện có kết nối internet, phát thanh, truyền hình, truyền đơn… Đạn của chiến tranh tâm lý trên không gian mạng là “thông tin”, theo các nhà phân tích chính trị, xã hội, “đạn” của chiến tranh tâm lý trên không gian mạng có nhiều loại, rất đa dạng và được sử dụng ở từng thời điểm khác nhau. Nếu là tuyên truyền công khai thì sẽ có “thông tin trắng”. Còn tuyên truyền bí mật lại có “thông tin đen”, “thông tin xám”, “thông tin hồng” …. Nhằm thực hiện triệt để ba chức năng chính:

Một là, đánh lạc phương hướng chính trị của đối phương thông qua việc cung cấp nhiều thông tin sai lệch cho cá nhân và cộng đồng, làm biến dạng chân lý, mang lại cho con người “bán chân lý” (thực thực hư hư), tạo nên những ảo tưởng xa lạ.

Hai là, phá hoại đạo đức và lối sống của quân đội và nhân dân phía đối lập, khêu gợi sự thất vọng.

Ba là, gieo cấy vào nhận thức của quần chúng các quan điểm và giá trị tinh thần theo mục đích của bên tham chiến. Vì là cuộc chiến vô hình, không giới tuyến, không bộc lộ trực diện ý đồ, khó xác định đối tượng và thông qua việc sử dụng thông tin trên không gian mạng ở các thời điểm khác nhau nên chiến tranh tâm lý trên không gian mạng trở thành cuộc chiến khó nhận diện và phòng, chống nhất trong giai đoạn hiện nay...

Như vậy, một nguy cơ chiến tranh mới trong xã hội hiện đại không cần tốn một viên đạn hay quả tên lửa, mà chỉ cần một cú nhấp chuột thì cả một quốc gia, thậm chí nhiều quốc gia cùng lúc, có thể bị đánh sập, mọi hoạt động ngưng trệ, cả một hệ thống thông tin liên lạc phải “lưu vong” ra nước ngoài, thậm chí bị đánh cắp dữ liệu sạch sẽ. Đó là cuộc chiến tranh thông tin kết hợp giữa chiến tranh điện tử, các hoạt động xâm nhập hệ thống và chiến tranh tâm lý sẽ hợp nhất thành một hình thức xung đột mới. Điều đó khiến trung tâm và điểm nóng của các cuộc chiến tranh trong tương lai có lẽ chỉ diễn ra trên mạng. Ở Việt Nam, để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch trong và ngoài nước liên kết với nhau đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức; trong đó, có việc sử dụng internet Tác chiến mạng đã và đang trở thành một trong những biện pháp chủ yếu, được các thế lực thù địch sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội hiện nay đã và đang tiếp cận, sử dụng internet với nhiều mục đích khác nhau: tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ, kết nối bạn bè…

Để phòng, chống chiến tranh tâm lý trên không gian mạng đội ngũ cán bộ các cấp cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, quản lý chặt chẽ internet, nhất là các trang mạng xã hội trong đơn vị.

Hai là, làm tốt công tác giáo dục, nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt, cho cán bộ, chiến sĩ. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần trang bị kiến thức cần thiết để mỗi quân nhân có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, là cơ sở “miễn dịch” với những “bả độc” làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị cần phải luôn tỉnh táo, nhận diện đúng, bình tĩnh xem xét, phân tích, để vạch trần bản chất của những “bả độc”và có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Ba là, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn trên không gian mạng cho cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, nâng cao ý thức phòng tránh, tự vệ và sử biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả trong trường hợp bị tấn công trên không gian mạng.

Chiến tranh tâm lý thời nào cũng có nhưng ngày nay, trong thời đại mạng Internet phát triển, chiến trường chiến tranh tâm lý mang một diện mạo mới được mở rộng về quy mô và phát huy tối đa uy lực của nó. Đó là một cuộc chiến không có bom đạn nên không có người chết hay bị thương nhưng tác động rất mạnh đến tinh thần công chúng. Chiến tranh tâm lý là một trong những thủ đoạn mà kẻ địch đã sử dụng trong các cuộc kháng chiến trước đây và hiện nay chúng còn tiếp tục sử dụng với những chiêu thức mới hết sức tinh vi phức tạp. Để bộ đội có sức kháng thể tốt, tạo ra sự miễn dịch trước chiến tranh tâm lý trên không gian mạng đòi hỏi cán bộ các cấp phải nắm chắc các nội dung trên, biết cách ngăn chặn không để chúng phát huy tác dụng./.

LDH-BC

 

 

0 nhận xét: