Trong sự nghiệp đổi mới,
cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò là nền tảng
tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng
đã tiếp tục vận dụng, phát triển tư tưởng của Người, thông qua việc khơi dậy
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi
sáng sự nghiệp đổi mới đất nước
Trước hết, con đường cứu
nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là con đường đổi mới, tìm đến chân lý của thời đại,
đưa chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, gắn độc lập dân tộc với chủ
nghĩa xã hội.
Trước cảnh giang sơn chìm
đắm trong nỗi nhục mất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa bước qua tuổi
21 đã ra đi tìm đường cứu nước với hành trang duy nhất là lòng yêu nước, thương
dân vô hạn và hoài bão cứu nước, cứu dân. Người quyết định tìm một hướng đi mới,
chưa ai làm, đó là sang phương Tây, vào tận “sào huyệt của kẻ thù” để tìm đường
cứu nước. Sự sáng tạo đầu tiên trong hành trình đó đã chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ,
nhãn quan chính trị sắc bén, đổi mới trong con người Hồ Chí Minh và chuyến đi
kéo dài hơn 30 năm của Nguyễn Tất Thành trở thành một trong những cuộc hành
trình kỳ lạ, vĩ đại trong lịch sử dân tộc(1).
Người đã trải qua nhiều
khó khăn, gian khổ, hòa mình vào đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động để
từ đó, mở mang nhận thức, tìm ra chân lý cách mạng. Người tìm hiểu, so sánh cuộc
cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ với Cách mạng Tháng Mười Nga, học hỏi nền văn hóa
phương Đông và nền văn hóa phương Tây, tiếp thu những giá trị của Nho giáo, Phật
giáo, Lão giáo, đọc những tác phẩm của các nhà khai sáng Pháp… Đến khi đọc Sơ
thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của
V.I. Lê-nin, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam
– con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội theo ánh
sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Sự lựa chọn của Người cũng chính là sự lựa chọn
của dân tộc Việt Nam. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân Việt Nam đã
làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lật đổ ách thống trị của ngoại bang giành độc
lập dân tộc, lật nhào chế độ phong kiến tồn tại cả nghìn năm để xây dựng nên nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra bước phát triển vĩ đại của dân tộc. Tổng Bí
thư Lê Duẩn đã đúc kết: “Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn
phong trào cách mạng Việt-nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt-nam
đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ
nghĩa Mác – Lê-nin”(2). Người đã để lại tấm gương sáng ngời về đổi mới ngay từ
khi lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc để hình thành nên quy luật
phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam – độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí
Minh là tấm gương mẫu mực của tư duy đổi mới, ham học hỏi, tiếp thu cái mới,
cái tiến bộ; soi sáng, dẫn đường sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của
Đảng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Trong tác phẩm “Đường
Cách mệnh”, Người chỉ rõ: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu
đổi ra cái tốt”(3). Nói về công cuộc kiến thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Người nhấn mạnh đó là cuộc chiến đấu chống lại những
cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Triết lý đổi mới,
chân lý đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ích nước, lợi dân: “Việc gì lợi
cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(4).
Nói đến phát triển thì phải
luôn luôn thể hiện và gắn liền với sự sáng tạo, đổi mới; bởi lẽ, đó vừa là đường
dẫn, vừa là linh hồn của phát triển. Người luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới
trong công việc, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung mà rất linh hoạt, mềm dẻo
khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể. Phong cách làm việc của Người
không chấp nhận tư duy lối mòn, kinh nghiệm chủ quan, mà hướng tới sự mới mẻ,
hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn.
Sự nghiệp đổi mới ở Việt
Nam được soi sáng bởi chính tư duy, trí tuệ Việt Nam trên cơ sở kế thừa, phát
triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại,
vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của
Việt Nam, với nền tảng, gốc rễ là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí
Minh là trung tâm quy tụ ý chí, khát vọng, niềm tin và sức mạnh của sự nghiệp đổi
mới của cách mạng Việt Nam.
Trong cuộc khủng hoảng và
đổ vỡ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối
thế kỷ XX, trong khi nhiều lãnh tụ cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa bị
công kích thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được loài người tiến bộ tôn vinh là Anh
hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Giữa lúc nhiều nước xã hội
chủ nghĩa có trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao hơn Việt Nam, tiến hành cải
tổ không thành công thì công cuộc đổi mới ở Việt Nam lại đạt được thành tựu to
lớn, có ý nghĩa lịch sử. Câu hỏi ở đây là: Vì sao có thực tế vĩ đại đó? Đó là bởi,
tư tưởng, nhân cách văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã soi sáng, dẫn
đường cho cách mạng Việt Nam; dưới ánh sáng ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vượt qua
muôn vàn khó khăn, thách thức, trở ngại, dũng cảm nhìn vào sự thật, để sửa chữa
những sai lầm, khuyết điểm của chính mình, từ đó đề ra được đường lối đổi mới kịp
thời, đúng đắn, sáng suốt nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng
là tấm gương sáng ngời trong phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, nêu gương đạo
đức liêm khiết, mẫu mực, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Điểm đặc sắc
trong tư tưởng của Người là hàm chứa trí tuệ cao gắn liền với tình cảm cách mạng
sâu sắc, được diễn đạt một cách giản dị, giữa “nói đi đôi với làm”, rất gần với
lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào
lòng người một cách tự nhiên, thẩm thấu, đọng lại sâu sắc, lan tỏa trong trái
tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam, trở thành nguồn động lực tinh thần vô
giá để xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh” như tâm nguyện của Người.
Thấm đẫm giá trị và tầm
vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tư tưởng Hồ Chí
Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong điều kiện
cụ thể của Việt Nam, và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần
quý báu của Đảng và dân tộc ta. Tại Đại hội VI (tháng 12-1986) – Đại hội khởi
xướng công cuộc đổi mới – Đảng đã nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải
nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa di sản
quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(5). Tại Đại
hội VII (tháng 6-1991), thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta lần đầu tiên đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào
văn kiện và khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(6), và tổng kết thành bài học:
“Điều kiện cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và
đi đến thành công là trong quá trình đổi mới Đảng phải kiên trì và vận dụng
sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(7). Đại hội IX của Đảng
khẳng định, những bài học đổi mới do các Đại hội VI, VII, VIII nêu lên, vẫn còn
nguyên giá trị, mà bài học hàng đầu vẫn là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên
trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác –
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”
Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)
tại Đại hội XI (năm 2011) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác
– Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(9).
Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta chỉ rõ: “Kiên định và vận dụng, phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng… để xây dựng
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(10).
Bước phát triển trong tư
duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn của Đảng đã cho thấy, cùng với chủ nghĩa
Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư
tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, sự
khẳng định này cũng bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, thể hiện
rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những luận điệu sai trái, thù địch, đi
ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh. Thực tế cho thấy, nếu xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh thì cách mạng Việt
Nam sẽ gặp khó khăn, thử thách. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành yếu tố tất yếu,
không thể thiếu trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của cách mạng
Việt Nam.
Như vậy, trong suốt tiến
trình cách mạng Việt Nam, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn nhận thức đúng
đắn, nhất quán, quán triệt, vận dụng sáng tạo và bảo vệ bản chất khoa học, cách
mạng, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây
chính là nhân tố quyết định, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh – ngọn
cờ dẫn dắt đất nước đến phồn vinh, hạnh phúc
Tư tưởng Hồ Chí Minh
không chỉ là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn có
giá trị bền vững, lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới, thực hiện khát vọng phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Khác với sự ra đời của
nhiều tư tưởng, lý luận trên thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành,
phát triển trong quá trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn
Ái Quốc – Hồ Chí Minh, từ khát vọng làm cho dân tộc độc lập, đất nước hùng cường,
phồn vinh, nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó là sự đúc rút, tổng kết từ
cuộc đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nhưng vô cùng sôi nổi, phong
phú, cao đẹp và trong sáng của Người.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nuôi dưỡng và truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn
vinh, hạnh phúc.
Khi cách mạng vừa thành
công, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã nêu khát vọng
đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang”, “sánh vai với các cường quốc
năm châu”. Đó chính là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là cái
đích mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu đạt tới. Để thực hiện mong
muốn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đề ra các biện pháp giải quyết các nhiệm vụ
cấp bách, như nạn đói, nạn mù chữ, xây dựng Hiến pháp dân chủ, bảo đảm tín ngưỡng
tự do, lương giáo đoàn kết, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính trong đội ngũ cán
bộ, đảng viên… Người nêu rõ mong muốn, khát vọng mãnh liệt “…là làm sao cho nước
ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm
ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người yêu cầu phải thực hiện ngay “làm cho
dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành”.
Hai là, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã định hướng, vạch ra con đường, biện pháp để xây dựng, phát triển đất nước
Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, phồn vinh, hạnh phúc.
Trong bản Di chúc thiêng
liêng, Người trăn trở, suy nghĩ về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc
bị chiến tranh tàn phá; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; sửa đổi chế độ
giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân; trồng cây thành rừng tốt cho
phong cảnh, lợi cho nông nghiệp… Người mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập,
dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Ba là, Chủ tịch Hồ Chí
Minh là biểu tượng, là tinh hoa của tinh thần khoan dung, nhân ái, yêu chuộng
hòa bình, văn minh Việt Nam và tiến bộ của thế giới.
Khoan dung, nhân ái, yêu
chuộng hòa bình Hồ Chí Minh cũng chính là biểu hiện của tinh thần tiến bộ, văn
minh Việt Nam và thế giới trong thời đại mới. Đó là lòng yêu thương sâu sắc đối
với con người, ở cái nhìn rộng lượng đối với những sự khác biệt với mình, ở sự
tôn trọng niềm tin của người khác; xa lạ với mọi thái độ cuồng tín, giáo điều.
Đối với các tôn giáo, Người tôn trọng đức tin của người có đạo, tìm điểm tương
đồng về giá trị giữa lý tưởng của các bậc sáng lập tôn giáo với mục tiêu giải
phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, của Đảng ta. Người được cả dân
tộc và nhân loại tôn vinh là chiến sĩ vì hòa bình, đấu tranh chống lại những bất
công, tàn bạo, nâng đỡ, giúp đỡ con người được sống một cuộc sống đúng nghĩa của
con người.
Hiện thực hóa khát vọng đổi
mới, sáng tạo và xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ
Chí Minh
Nhìn lại hơn 35 năm thực
hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn và từng bước được hiện thực
hóa. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô,
trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần
được cải thiện rõ rệt. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng,
là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách
thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển
nhanh và bền vững đất nước. Ý chí và khát vọng về một dân tộc Việt Nam hùng cường
của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng, từng bước đưa dân tộc Việt Nam tiến
cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ trên thế giới và ý nguyện hòa bình, phát
triển của nhân loại.
Đại hội XIII của Đảng là
sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá
trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Tại Đại hội XIII, lần đầu
tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các văn kiện chính trị đề cập đến “khát
vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là một điểm rất mới và là một
dấu ấn rất quan trọng. Khát vọng thịnh vượng đã được khơi dậy, truyền cảm hứng
và như một lời hiệu triệu với non sông, đất nước, với gần một trăm triệu người
dân Việt Nam mà ở đó, mục tiêu rõ nhất là làm cho người dân được hạnh phúc dưới
ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách và khát vọng Hồ Chí Minh.
Hiện nay, bên cạnh xu thế
tích cực là chủ đạo, tình hình thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó
lường; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực
dụng, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế có xu hướng gia tăng. Các nước
đang phát triển, nhất là các nước nhỏ, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo
dài do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn, điều
chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay
đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành
thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các
nước ngày càng gay gắt, quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối
toàn cầu.
Ở trong nước, bên cạnh những
thuận lợi cơ bản, đất nước ta đang phải đối diện với những khó khăn, thử thách
và trở ngại không hề nhỏ. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn
chế, yếu kém, lại phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động
của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Bốn nguy cơ mà Đảng
ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Các thế lực thù địch tiếp
tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến
đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với
nước ta trong thời gian tới.
Để hiện thực hóa khát vọng
đổi mới sáng tạo và xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo
tư tưởng Hồ Chí Minh, cần vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong bối cảnh mới
của thời đại, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước trên những nội dung
sau:
Thứ nhất, kiên định,
trung thành với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch
Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn. Đổi mới là một quá trình cách mạng
toàn diện, sâu sắc và triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới
không phải là từ bỏ, thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho mục tiêu ấy
được thực hiện có hiệu quả, để chủ nghĩa xã hội phát huy được bản chất ưu việt,
không giáo điều, trì trệ và xơ cứng trong tư duy và tư tưởng, làm sống động những
giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn
đổi mới của Việt Nam.
Thứ hai, khơi dậy mạnh mẽ
tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội
chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa, con
người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút,
trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và
công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo
động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy của
Tập đoàn Thaco tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TTXVN
Thứ ba, gắn phát triển
kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo bảo vệ môi trường
vì sự phát triển bền vững của đất nước và phục vụ cuộc sống, vì cuộc sống bình
yên của người dân. Không phải ngẫu nhiên mà trong hệ mục tiêu của đổi mới, Đảng
ta đặt “dân giàu, nước mạnh” lên hàng đầu. Các chính sách kinh tế phải thống nhất
với các chính sách xã hội, lấy sự phát triển toàn diện của con người làm mục
tiêu, là thước đo của sự phát triển.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng,
chỉnh đốn Đảng toàn diện; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh,
tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực
và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng
công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát, kỷ luật của Đảng.
Thứ năm, kiên quyết, kiên
trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an
ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng,
an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các
nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những
nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh
làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch./.
TVV-H4
(1) Lời bình phim tài liệu: Hồ
Chí Minh – Một hành trình
(2) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do vì chủ nghĩa
xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 8
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2011, t. 2, tr. 284
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 65
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47,
tr. 459
(6), (7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.
51, tr. 29, 83
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2001, tr. 81
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 33
0 nhận xét:
Đăng nhận xét