Pages - Menu

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở VIỆT NAM - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN

  

Công nghiệp hóa là quá trình chuyển một nước có nền kinh tế lạc hậu, nông nghiệp là chủ yếu thành một nước có nền kinh tế công nghiệp.

Hiện đại hóa là quá trình áp dụng những phát minh, thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật - công nghệ vào nền kinh tế.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ lao động sản xuất thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một tất yếu khách quan, là nhiệm vụ kinh tế cơ bản trung tâm xuyên suốt của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời là con đường duy nhất để xây dựng thành công cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vậy cơ sở lý luận và thực tiễn nào khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tất yếu khách quan?

Xuất phát từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo quan điểm C.Mác: Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa muốn chiến thắng thì tất yếu phải phát triển dựa trên cơ sở vật chất kỹ thuật ở trình độ cao hơn chủ nghĩa tư bản.

V.I Lênin chỉ ra rằng: “Cơ sở duy nhất và thực sự để tăng của cải của chúng ta để xây dựng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là đại công nghiệp, không có một nền đại công nghiệp tổ chức cao thì không thể nói đến xã hội chủ nghĩa nói chung được, lại càng không thể nói tới xã hội chủ nghĩa đối với một nước nông nghiệp lạc hậu được.”[1]

* Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn có nhiều nhà máy phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, gang, thép, than, dầu...đó là con đường đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa của nước nhà.

“Ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ hai bàn tay trắng thì còn khó khăn còn nhiều và lâu dài.”

* Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam.

Đại hội lần thứ III năm 1960 của Đảng ta xác định: Công nghiệp hóa, chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ.

Hội nghị Trung ương 7 (khoá VII -1994) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Đảng ta đã nhận định: Mặc dù công nghiệp hóa và hiện đại hóa là hai quá trình, hai khái niệm khác nhau, song trong điều kiện hiện nay sự xâm nhập, đan kết của công nghiệp hóa với hiện đại hóa là không thể tránh khỏi và đó cũng là cơ hội để Việt Nam bứt lên kịp các nước tiên tiến trên thế giới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tiến hành đồng thời công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng là thực hiện tính quy luật của sự phát triển tuần tự và nhảy vọt của lực lượng sản xuất. Do vậy, cần phải gắn kết công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong một khái niệm chung “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

 Đại hội VIII khẳng định: Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống, vật chất và tinh thần cao , quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng đã đề ra đường lối gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức. Đường lối này luôn được bổ sung và phát triển.

Đại hội XI của Đảng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 xác định: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đại hội XII trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 khẳng định: “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”

Đại hội XIII trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Quá trình công nghiệp hoá của nước ta được thực hiện từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Hơn 60 năm qua, đường lối công nghiệp hóa đất nước đã có những điều chinh khá cơ bản theo sự phát triển của tư duy và điều kiện cụ thể.

Thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1985 là thời kỳ công nghiệp hóa được thực hiện nhằm phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Quá trình công nghiệp hóa được thực hiện có kết quả ở miền Bắc vào những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960- 1965). Sau khi đất nước được thống nhát (1975), đường lối, chính sách công nghiệp hóa đó được thực hiện trên phạm vi cả nước với những điều chỉnh và bổ sung nhất định. Song, do việc duy trì khá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong khi bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đã thay đổi, nên nước ta đã lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm 1980.

Từ năm 1986 đến nay là thời kỳ thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ cả về tư duy, quan điểm đường lối và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nổi bật là trình độ công nghệ của một số lĩnh vực được nâng cao theo kịp trình độ của của các nước trong cùng khu vực. Đã phát triển một số ngành công nghiệp chất lượng cao (công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử...). Trình độ công nghệ trong các ngành công nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc, điển hình như trong cơ khí chế tạo máy, đã làm chủ được các công nghệ trong thiết kế chế tạo các loại máy công cụ đa chức năng, tiêu thụ trong nước và bước đầu xuất khẩu; ngành đóng tàu sau 15 năm đã rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với thế giới, hiện được đánh giá xếp thứ 5 thế giới về năng lực đóng mới. Đã hoàn toàn làm chủ được thiết kế và công nghệ chế tạo cơ khí thủy công áp dụng trong ngành thủy lợi, công nghiệp và an ninh, quốc phòng và đã đem lại doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Ngành điện lực đã có khả năng thiết kế và chế tạo máy biến áp công suất đến 220kV - 250MVA đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Trong nông nghiệp, đã thành công trong việc lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Ngành thủy sản đã đưa vào áp dụng công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đã tạo ra tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp.

Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Trong một thời gian dài, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 7%/năm, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của thế giới, mức bình quân đầu người là hơn 3000 USD. Năm 2009, nước ta được thế giới thừa nhận đã vượt qua ngưỡng nghèo để tham gia vào nhóm các nước thu nhập trung bình. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo cũng được thế giới thừa nhận là ấn tượng....

HDH-H2



[1]. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2006, t.32, tr.532.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét