Khi nói đến
công tác xây dựng Đảng, chúng ta thường nói xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị,
tư tưởng, tổ chức và đạo đức chứ ít khi quan tâm đến xây dựng Đảng về văn hóa.
Thực ra, quan điểm xây dựng Đảng về văn hóa được Đảng ta đề cập từ khá sớm. Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” nghĩa là một
biểu tượng cao về văn hóa của dân tộc và nhân loại, và xét cho cùng thì đạo đức,
văn minh chính là văn hóa.
Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: Để xây
dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng,
trong các tổ chức Nhà nước.
Văn hóa là nền
tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền
tảng nói chung của xã hội, cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên
tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc nói chung,
trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa
làm nền tảng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức
là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.
Chính vì vậy,
việc xây dựng văn hóa trong Đảng không chỉ mang ý nghĩa thuần túy về phương diện
văn hóa, mà còn có ý nghĩa cấp thiết về chính trị và xã hội. Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XI) cũng như Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định tầm quan
trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao gương mẫu
của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn
hóa. Nhiệm vụ đó tập trung tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối
sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tính
trung thực của cán bộ, đảng viên. Sự giáo dục này có thể thông qua nhiều hình
thức, biện pháp như thường xuyên đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh; đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng quan tâm hơn vào
giáo dục phẩm chất đạo đức, nhất là giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật. Thực
hiện chủ trương của Đảng là hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống
và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đây thực chất là yếu tố cơ bản nhất để
Đảng cầm quyền theo hiến pháp, pháp luật, đồng thời làm cho đội ngũ cán bộ lãnh
đạo có được “văn hóa trách nhiệm” để làm tròn bổn phận của mình với tư cách là
những “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hồ Chí Minh
và Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định phải xây dựng Đảng trong sạch,
sau này có thêm cụm từ vững mạnh. Trong sạch thì mới có thể vững mạnh. Không
trong sạch thì chắc chắn không thể vững mạnh. Trong sạch cũng chính là văn hóa.
Trong sạch là không có mầm bệnh từ bên trong; trong sạch nhân dân mới tin vào sự
chân chính. Được nhân dân tin yêu mới có nguồn sức mạnh lớn lao cho chiến thắng
và thành công. Mất lòng tin là mất tất cả.
Để có một Đảng
trong sạch, được nhân dân tin yêu thì Đảng phải xác định rõ ràng mục đích phục
vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định Đảng
không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính
đáng của nhân dân mà chiến đấu. Đảng không có lợi ích riêng, không phải muốn
chiếm giữ quyền lực để cai trị nhân dân. Điều đó phải chứng minh bằng hành động
cụ thể. Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ,
đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những
người có chức vị cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước sẽ là những biểu hiện
thực tế nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân
chính và năng lực lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng.
Đồng thời với
việc xây dựng văn hóa trong Đảng cần tập trung lãnh đạo, chăm lo xây dựng đạo đức
xã hội. Đảng tồn tại trong xã hội, luôn chịu sự tác động hằng ngày, hằng giờ từ
xã hội và luôn tác động trở lại xã hội. Sự tác động qua lại ấy, giữa Đảng và xã
hội, có thể tích cực và cũng có thể tiêu cực, tùy thuộc vào Đảng tốt, môi trường
xã hội tốt hoặc chưa tốt, không tốt. Trong mối quan hệ tác động qua lại ấy, Đảng
phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không đổ lỗi cho xã hội, vì Đảng lãnh đạo, phải
đủ dũng cảm và bản lĩnh để đối mặt với sự thật khách quan, nhằm tìm cách cải tạo
nó.
Những năm
qua, đạo đức xã hội có nhiều mặt suy thoái lo ngại, thậm chí có mặt nghiêm trọng,
đáng báo động. Tình trạng đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân. Rất đáng
lưu ý là hệ giá trị bị đảo lộn về vị trí, thang bậc. Nhân cách đáng ra phải luôn
ở vị trí hàng đầu, trung tâm thì trong nhiều trường hợp đã xuống hàng thứ yếu,
trong khi đồng tiền lại lên ngôi, chi phối nhiều mặt, nhiều việc. Khuyết điểm
đáng lưu ý là khi bước vào kinh tế thị trường, chúng ta chưa lường hết sự phức
tạp, tác hại và nhất là chưa có giải pháp hữu hiệu chủ động phòng tránh để hạn
chế tác hại của nó. Nói cách khác, chưa tạo ra và thực hiện được những cơ chế
quản lý hữu hiệu để hạn chế tác hại bởi mặt trái của cơ chế thị trường.
Để phòng
tránh và khắc phục những hạn chế trên, việc trước tiên là tiếp tục nhận thức
sâu hơn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, đạo đức trong đời sống xã hội,
trong xây dựng hệ thống chính trị. Lấy việc xây dựng con người - nhân cách làm
trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng văn hóa. Đồng thời xây dựng môi trường văn
hóa từ gia đình, cộng đồng làng, phố đến việc xây dựng văn hóa trong chính trị,
nhất là nhân cách người lãnh đạo, sử dụng nhân tài và kiểm soát quyền lực; xây
dựng văn hóa trong kinh tế, nhất là cơ chế quản lý đủ hiệu lực khống chế tác hại
từ mặt trái của cơ chế thị trường.
Văn hóa trong
Đảng mang đặc thù riêng, nhưng là bộ phận tiên tiến nhất, ưu tú nhất của văn
hóa dân tộc. Chỉ trên cơ sở phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc thì mới có
điều kiện xây dựng văn hóa trong Đảng một cách vững chắc và xây dựng văn hóa
trong Đảng cần phải phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Xây dựng văn hóa trong Đảng chính là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp
phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc và Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức,
là văn minh” thì mới tạo được lòng tin trong nhân dân, thu hút được sức mạnh to
lớn, đồng thuận của nhân dân để lãnh đạo cách mạng đạt được những thành quả
trong giai đoạn hiện nay./.
NĐH-TT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét