Chủ tịch Hồ
Chí Minh xác định đạo đức cách mạng là “gốc”, như “cây không có gốc thì cây
héo”; là “nguồn” như “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn”,
là “căn bản”, người không có đạo đức là “không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu
xa thì còn làm nổi việc gì?”
Nhận thức chủ
nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác”, là trở lực xây dựng đạo đức cách mạng. Trong
92 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo,
sức mạnh và uy tín của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận
tiên phong; bằng đường lối đúng đắn; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình của đội
ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc;
bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ
và bảo vệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành hết thắng lợi này đến
thắng lợi khác, lập nên nhiều kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng
ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Trước yêu cầu
của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, chúng ta cần phát huy hơn nữa truyền
thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng
về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức,
lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đất
nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển. Phải nhận thức rõ, đấu
tranh kiên quyết với những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định
con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái
chủ trương, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám
bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức,
quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không
làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc
xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh:
“Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội,
vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn
kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Từ suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn
tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại
lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc…”, và một trong những
nguyên nhân chủ yếu của sự suy thoái ấy chính là “bắt nguồn từ chủ nghĩa cá
nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường
tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn
phận trước Đảng, trước dân”.
Các cấp ủy, tổ
chức đảng cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mình để thực
hiện tốt nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có mấy điểm đáng chú ý
sau đây:
Một là, phải
nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của công tác xây dựng Đảng
về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ
nghĩa cá nhân. Đây là hai mặt của xây dựng đạo đức cách mạng, có mối quan hệ biện
chứng, gắn bó lẫn nhau: Muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải nâng cao đạo đức
cách mạng và có đạo đức cách mạng sẽ ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ được chủ nghĩa
cá nhân.
Hai là, phải
đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thuyết phục của công tác giáo dục chính trị, tư
tưởng, nhất là bản chất, mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh, nguyên tắc tổ chức hoạt động
của Đảng và nhiệm vụ đảng viên, góp phần nâng cao bản lĩnh, lập trường, kiên định
mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tạo ra khả năng đề kháng trước mọi nguy cơ, nhất
là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ba là, tiếp
tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, gắn với đẩy
mạnh tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên. Hội nghị
Trung ương 5 khóa XIII vừa kết thúc, thông qua Nghị quyết về xây dựng tổ chức
cơ sở đảng và đảng viên, trong đó đẩy mạnh tự phê bình và phê bình gắn với đổi
mới sinh hoạt cấp ủy và chi bộ được xác định là một giải pháp quan trọng. Cần
nhận thức đầy đủ tự phê bình và phê bình phải như “rửa mặt hằng ngày”, là cách
giúp mỗi đảng viên tự kiểm soát bản thân mình bằng trách nhiệm đạo đức.
Bốn là, đề
cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, gắn với
đổi mới phương thức lãnh đạo. Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá
nhân chỉ đạt hiệu quả khi định hình những biện pháp tổng hợp cùng bổ sung cho
nhau, tùy hoàn cảnh mà từng biện pháp có thể đặt trật tự trước - sau, cao - thấp
khác nhau. Trước những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
diễn biến phức tạp, thì phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật để sàng lọc những
thành phần thoái hóa, biến chất; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, cảnh báo,
cảnh tỉnh, có tác dụng hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy mạnh
tự phê bình và phê bình.
Năm là, đẩy
mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo Bác phải thực chất, hiệu quả, chú
trọng xây dựng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng
về đạo đức. Các cơ quan báo chí phải tăng cường phản ánh, giới thiệu gương người
tốt, việc tốt trong đảng viên và quần chúng, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo sự
lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, tăng cường niềm tin trong xã hội.
Công tác khen thưởng cũng phải lựa chọn được người xứng đáng, tôn vinh kịp thời.
Nghiên cứu xây dựng chế độ dưỡng đức, dưỡng liêm gắn với cải cách tiền lương,
thu nhập, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Nâng cao đạo
đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nội dung lớn, quan trọng và
thiết thực, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì. Trước tình trạng
suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên hiện nay, hơn lúc nào hết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị về đạo đức, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân càng phải được xác định
là nhiệm vụ cấp thiết, đúng với vị trí và tầm quan trọng của nó.
Các cấp ủy, tổ
chức đảng và mỗi đảng viên trong cả nước cần thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, có thái độ quyết tâm hơn trong đấu
tranh với chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng ta xứng đáng “là đạo đức”, “là văn
minh”, đủ sức chèo lái, đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo
tâm nguyện của Người./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét