Kể
từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, Việt Nam chúng ta luôn khẳng định lập trường
nhất quán đó là Việt Nam không đứng về bên này để chống bên kia mà luôn đứng về
lẽ phải về công lý. Việt Nam lựa chọn lẽ phải và đứng về chính nghĩa, đồng thời
kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm
phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật
pháp quốc tế. Tuy nhiên, trên các diễn đàn Internet, mạng xã hội, một số cá
nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra những luận điệu, bình luận, suy diễn,
xuyên tạc quan điểm và đường lối đối ngoại của Việt Nam. Thậm chí một số quan
điểm còn cho rằng: "Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt
Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc";
"Không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba là tự trói buộc mình,
không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi"; "Đảng, Nhà nước ta vẫn
kiên định chính sách "bốn không" là sẽ không có bạn chí cốt nên dễ bị
cô lập trước những tình huống nguy hiểm"… Thực chất những luận điệu này là
nhằm bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của Việt Nam, kích động dư luận chống phá
Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Việt
Nam khẳng định và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa
bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc,
trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc
tế. Đối với chính sách quốc phòng, Việt Nam luôn khẳng định và thực hiện tốt
nguyên tắc “4 không” trong quan hệ đối ngoại với các quốc gia. Đó là, không
tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia;
không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống
lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ
quốc tế. Như vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính hòa bình và tự vệ,
kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình,
trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Lịch
sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước để giành độc
lập dân tộc và tự do, bảo vệ nền hòa bình của Tổ quốc. Nhân dân Việt Nam cũng
phải hy sinh biết bao nhiêu xương máu, đấu tranh kiên cường, bất khuất qua nhiều
thế hệ. Dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng cơ bản nhất là
quyền được sống trong hòa bình và được tự quyết vận mệnh của mình. Kể từ khi cuộc
xung đột Nga - Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát
ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập tới việc sử dụng vũ lực để giải quyết
vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine. Và Việt Nam cũng không thiên vị hay đứng về
bất kỳ bên nào xoay quanh cuộc xung đột này. Bởi vậy, cho nên chúng ta thấy là
những luận điệu cho rằng Việt Nam đứng bên này để chống bên kia, cổ súy chiến
tranh là hoàn toàn sai trái, bịa đặt.
Trong
cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thì lập trường của Việt Nam là không đứng về
bên này để chống bên kia mà chúng ta luôn đứng về lẽ phải, đứng về công lý và
luật pháp quốc tế quan điểm trên chẳng những thể hiện nghệ thuật ngoại giao “dĩ
bất biến, ứng vạn biến của Việt Nam mà còn là cơ sở đem lại lòng tin chiến lược
- một nền tảng hết sức quan trọng - cho các đối tác, các quốc gia trong quan hệ
quốc tế. Và điều đó cũng đã lý giải tại sao hiện nay, Việt Nam có quan hệ đối
tác chiến lược với 17 nước cùng với 13 nước đối tác toàn diện; là nước duy nhất
tại khu vực Đông Nam Á xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác
toàn diện với tất cả năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc và các nước lớn, góp phần định vị vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trong
quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cục diện khu vực, thế giới có nhiều biến
đổi./.
PVP-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét