Việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố
Báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm không còn là điều xa lạ đối với nhiều
nước và dư luận quốc tế. Cũng như mọi năm, Báo cáo năm 2021 (công bố tháng
4/2022) đánh giá việc thực thi quyền con người của 198 nước trên thế giới.
Riêng phần về Việt Nam, Báo cáo ghi nhận một cách “khiêm tốn” những mặt tích cực
của Việt Nam trong năm 2021 về nỗ lực của Chính phủ trong công nhận số người
không quốc tịch và quốc tịch (theo thống kê của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc
- UNHCR năm 2020, 32.890 người đã được công nhận so với 11.000 người năm 2016);
về thành lập các tổ chức cho người khuyết tật; xây dựng Chương trình giảm nghèo
quốc gia, Luật Dạy nghề và các chính sách giáo dục, v.v. Tuy nhiên, vẫn với giọng
điệu cũ, Báo cáo năm 2021 tiếp tục đưa ra hàng loạt thông tin chỉ trích, phê
phán Việt Nam, như: chính quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân;
hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet; kiểm duyệt, bắt
giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền; người dân không thể
thay đổi chính phủ thông qua các cuộc bầu cử tự do, v.v.
Những nhận định trên đã thể hiện
rõ sự định kiến, thiên lệch khi vẽ lên một bức tranh xám xịt, tràn ngập những
gam màu tiêu cực. Nó không chỉ phủ nhận, xuyên tạc những nỗ lực bảo đảm và thúc
đẩy quyền con người đã và đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm thực hiện
với những bước tiến được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà còn dễ đưa những người
nước ngoài chưa đến Việt Nam và chưa chứng kiến thực tế đất nước Việt Nam có những
nhận thức lệch lạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Tuy nhiên, những thành tựu trong
bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là minh chứng bác bỏ mọi xuyên tạc của các
thế lực thù địch. Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và
thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong
lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trước hết, Báo cáo đưa thông tin “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
nhà nước độc tài do một đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo,... Bầu
cử Quốc hội vào ngày 23/5/2021 là không tự do, không công bằng; có rất ít sự cạnh
tranh giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản kiểm duyệt”. Đây là thông tin mang
tính chủ quan, trái ngược hoàn toàn với thực tiễn những gì đã diễn ra ở Việt
Nam và rõ ràng, sự đánh giá sai lệch, thiếu thiện chí về thể chế chính trị của
một quốc gia khác là khó có thể chấp nhập được. Bởi, việc lựa chọn mô hình, thể
chế chính trị xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa là quyền tự quyết của mỗi
dân tộc. Điều này được quy định trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người
năm 1948 cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Không thể đứng trên quan điểm của một nước tư bản chủ nghĩa để phán xét một mô
hình chính trị không giống với mình. Đó là sự phiến diện và định kiến. Không thể
coi chủ nghĩa tư bản là duy nhất, là tuyệt đối và đa đảng là tốt hơn một đảng.
Do vậy, không thể chấp nhận việc Mỹ phán xét cuộc bầu cử Quốc hội của Việt Nam
là “không tự do”, “không công bằng” khi cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng
quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Với Việt Nam, con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng thiết tha của toàn thể dân tộc Việt Nam, là sự
lựa chọn của lịch sử. Đến nay, những thành tựu của Việt Nam trên tất cả các mặt
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... đã cho thấy đây là con đường đúng đắn,
hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền kinh
tế Việt Nam với sự phát triển vượt bậc từ một nước nghèo trở thành một quốc gia
nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình với GDP đạt khoảng 343 tỉ
USD và GDP bình quân đầu người/ năm đạt 3.521 USD. Trong bối cảnh mà toàn thế
giới đang chịu những tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì Việt Nam cùng với
công tác phòng, chống dịch hiệu quả được quốc tế ghi nhận1, Chính phủ còn thực
hiện tốt các chính sách an sinh, hỗ trợ đột xuất với hơn 55 triệu lượt người, đều
là người nghèo, đối tượng yếu thế. Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu
và đang tìm cách vươn lên trong một thế giới với cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ Tư đang phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, quan hệ ngoại giao nhà nước Việt Nam
“phủ sóng” tới 189 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới; trong đó, có
13 đối tác toàn diện, 17 đối tác chiến lược và có quan hệ quốc phòng với tất cả
05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tất cả những điều
trên tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế, chính trị
và xã hội, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, được Liên hợp quốc ghi nhận:
người Việt Nam ngày càng hạnh phúc hơn, dựa trên đánh giá tổng hợp GDP trên đầu
người, tuổi thọ, quyền tự do và phúc lợi xã hội. Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới
năm 2021, do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố,
Việt Nam đã tăng 04 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 83 lên thứ 79. Kết quả
đó là do Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu đã lựa chọn với quan điểm cho con
người, vì con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách phát
triển.
Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp
đăng ký hoạt động với hơn 27 triệu tín đồ, gần 60.000 chức sắc, gần 150.000 chức
việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự2. Các tổ chức tôn giáo được công nhận đã xây dựng
và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và gắn bó, đồng
hành với dân tộc. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo hướng dẫn tín đồ
tu tập và thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đáp ứng ngày
một tốt hơn nhu cầu tôn giáo của tín đồ. Nhiều hoạt động tôn giáo được tổ chức
với quy mô lớn, trang trọng, như: Phật giáo 3 lần đăng cai tổ chức thành công Đại
lễ Vesak Liên hợp quốc; Công giáo tổ chức thành công Năm Thánh 2010, Hội nghị
toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X; Tin lành tổ chức Đại lễ Kỷ niệm
100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam, 500 năm cải chánh Tin lành,… thu hút
không chỉ chức sắc, nhà tu hành trong và ngoài nước mà còn các học giả, chính
khách các nước tham gia. Đó là minh chứng bác bỏ những nhận định xuyên tạc, phủ
nhận thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo.
Tuy nhiên, các tôn giáo đều bình
đẳng trước pháp luật. Cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi
dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất
đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn
giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm,
danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ
công dân, v.v. Điều này hoàn toàn phù hợp với Khoản 3 Điều 18 Công ước Quốc tế
về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng
chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo
vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các
quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Vấn đề quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí, tự do internet. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo
đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do
ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền
này do pháp luật quy định” (Điều 25). Bên cạnh đó, Việt Nam còn có Luật Báo chí
năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Khung pháp lý của Việt Nam về quyền
tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về
quyền con người. Chính vì được tạo điều kiện thuận lợi nên ở Việt Nam hiện nay
có gần 800 cơ quan báo chí đang hoạt động; có hơn 70,3% dân số sử dụng
internet, mạng xã hội, chiếm tỉ lệ cao trong khu vực và thế giới.
Cũng giống như các quốc gia khác
trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi
lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, công dân. Không và không thể có tự do ngôn luận tuyệt đối,
các quốc gia đều xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận; đề cao tự
do ngôn luận phải vì lợi ích chung, không phải là sự tuyệt đối hóa tự do cá
nhân, không thể lợi dụng tự do ngôn luận để viết, nói, xuyên tạc với ý đồ xấu,
bất chấp luân lý và luật pháp. Đơn cử, trong khi Nhà nước Việt Nam nỗ lực ngăn
chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, có những kẻ lợi dụng tình hình dịch
bệnh để tuyên truyền thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách của Nhà nước gây hoang mang dư luận xã hội. Bên cạnh đó, rất nhiều đối
tượng còn cố tình tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh nhằm trục lợi bất
chính. Đó là những thông tin tiêu cực khiến người dân lo sợ, đổ xô đi mua khẩu
trang, lương thực tích trữ, dẫn đến tình trạng “găm” hàng, “thổi” giá, v.v. Những
hành vi như thế không thể dùng “tự do ngôn luận” để biện hộ, mà phải bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
Còn đối với những người được gắn
mác “các nhà hoạt động chính trị”, “nhà bảo vệ nhân quyền” mà Báo cáo nêu tên,
như: Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Lê Văn Dũng (Dũng Vova), Trịnh Bá Phương, Trịnh
Bá Tư, Cấn Thị Thêu,... thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị bắt
giữ, xét xử và tuyên án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, không thể
coi đó là những dẫn chứng để xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền. Đây là sự
can thiệp vào công việc của một quốc gia có chủ quyền và không thể chấp nhận được./.
NMH-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét