Bảy mươi lăm năm Ngày Thương
binh - Liệt sĩ đưa ta về với những kỷ niệm sống động thuở ban đầu, một thời đạn
bom bão lửa. Sự hồi tưởng này cho ta thêm một lần thấu hiểu và thấu cảm về Chủ
tịch Hồ Chí Minh, về tư tưởng, tình cảm của Người với thương binh, liệt sĩ. Người
từng nói, chỉ có đế quốc, thực dân là một lũ ác quỷ phải đánh đuổi nó đi, còn mọi
người lao khổ cùng có chung cảnh đời và số phận, đều là bạn bè, đồng chí của
nhau: “vàng đen trắng đỏ đều là anh em”, “Đã là máu thì máu nào cũng đỏ”, “Đã
là nước mắt thì nước mắt nào cũng có vị mặn”. Nhưng trong thế giới, còn chiến
tranh xâm lược, còn kẻ thống trị và muôn nỗi thống khổ của nhân dân thì phải
chiến đấu để bảo vệ lương tri và phẩm giá con người: “thà hy sinh tất cả nhất định
không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trong chiến tranh Vệ
quốc vĩ đại, những mất mát hy sinh là khó tránh khỏi. Thương binh, liệt sĩ là nỗi
đau chung không của riêng ai. Dẫu biết rằng “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”,
nhưng Hồ Chí Minh vẫn tìm mọi cách để tránh đổ máu, ít thương vong nhất, còn
khi buộc phải cầm súng chiến đấu, thì thương binh, liệt sĩ sẽ nhiều thêm, Người
không khỏi đau đớn như đứt từng khúc ruột.
Trong các cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, từ năm 1946 cho đến khi qua đời, Người đã
bao lần viết thư thăm hỏi, an ủi và động viên, kêu gọi đồng bào cả nước giúp đỡ
thương binh và các gia đình liệt sĩ. Sự săn sóc ân cần và tình thương yêu của
Người là nguồn động viên to lớn đối với thương, bệnh binh và thân nhân các liệt
sĩ. Đó còn là động viên tinh thần yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua, huy động
mọi khả năng, sức lực của toàn dân làm cho kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất
thành, phấn đấu cho độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của
nhân dân. Theo Người, đó là cách thiết thực nhất để đền ơn đáp nghĩa đối với
thương binh, liệt sĩ. Những ngày đầu xây dựng chính thể Cộng hòa dân chủ muôn
vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Toàn quốc
kháng chiến bùng nổ, Người ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước đồng lòng
chống giặc để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Lời kêu gọi của Người như
chuyển đi một thông điệp lịch sử, quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và
nhân dân, thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ. Ngày 07/11/1946, Người
thông báo một quyết định quan trọng thấm đẫm tình thương yêu: “Vì muốn thay mặt
Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh
cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh,
hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt
sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.
Đặc biệt, bức thư đầy xúc động
Người viết tháng 01/1947 gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng, một nhân sĩ, trí thức công
giáo, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, chia buồn về việc người con trai của Bộ trưởng
đã hy sinh: “Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ
quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt
Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một
thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột,… Ngài đã đem món của quý báu nhất
là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức
giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng
lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào
thân ái và quyết thắng”2. Bức thư này là một điển hình cho tình cảm thân thiết,
máu thịt của Người đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình họ. Đau đớn mà
không ủy mị, tôn vinh sự hy sinh cao quý vì Tổ quốc của các liệt sĩ; đồng thời,
nêu cao lòng tin và đức tin vào sự nghiệp kháng chiến, nói rõ đồng bào và Tổ quốc
sẽ mãi khắc sâu công lao của các liệt sĩ và không bao giờ quên ơn họ.
Ngày 17/7/1947, Người có thư gửi
Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” nhằm vận động lấy
ngày 27/7 hằng năm trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Người viết : “Thương
binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo
vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu,
què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con
anh dũng ấy”3. Người đề nghị và tin tưởng “Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc
đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị
thương. Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý
yêu mến thương binh,… Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta,
tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn. Tôi xin xung phong gửi một
chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa
ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm
hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)”.
Tháng 7/1948, trong Thư gửi anh
em thương và bệnh binh, Người động viên, an ủi và căn dặn anh em, nên một mặt
nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng
chí sẽ hăng hái tham gia công tác, tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc
cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người
công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu
mẫu ở ngoài mặt trận.
Tháng 09/1951, Người viết Thư gửi
anh em thương, bệnh binh trại dệt chiếu (Tuyên Quang)5 cám ơn đã gửi biếu mình
bốn chiếc chiếu và mong anh em mạnh khỏe, cố gắng, tiến bộ mãi. Trong thư Người
ân cần hỏi thăm anh em thương, bệnh binh mất bao nhiêu thời gian, công sức để dệt
được một chiếc chiếu và nghề dệt chiếu có đủ ăn đủ mặc không. Và Người gửi biếu
lại anh em thương, bệnh binh bộ áo mà chị em phụ nữ biếu mình, để làm giải thưởng
thi đua. Đặc biệt, ngày 05/06/1952, Người còn viết trong loạt bài tuyên dương công
trạng các anh hùng, chiến sĩ thi đua, có bài viết cảm động về người thương binh
trở thành anh hùng lao động số một, Ngô Gia Khảm - người đúc quả lựu đạn đầu
tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - bị thương ba lần vì cứu nhà máy, lần thứ
ba hỏng cả mắt, tay, mũi, miệng, què cả hai tay vẫn không nản chí, đêm ngày cố
gắng tiến bộ, không sợ khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết vượt mức nhiệm vụ. Một
lần nữa minh chứng cho câu nói của Người “Thương binh tàn mà không phế”.
Ngày 27/7/1959, trong thư gửi
anh em thương binh và gia đình liệt sĩ, Người chúc các gia đình liệt sĩ trở
thành gia đình cách mạng gương mẫu. Đó là sự tôn vinh và tình cảm cao quý của
Người. Người còn khen ngợi những gương thương binh điển hình: đồng chí Lê Danh ở
tập đoàn Sao Mai (Hải Dương), Lưu Văn Bổng ở tập đoàn Quang Vinh (Quảng Bình)
được thưởng Huân chương và những thương binh cụt tay, chân vẫn có thành tích sản
xuất, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã ở Thái Bình, Hòa
Bình, Thanh Hóa, v.v. Đủ thấy sự quan tâm tỉ mỉ, sâu sắc và sự tin cậy, nâng
niu giá trị con người mà Người dành cho những “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Người cũng ân cần nhắc nhở anh
em thương binh về sống với dân không nên có những đòi hỏi quá đáng, không được
tỏ ra công thần vì có thành tích chiến đấu. Phải luôn gần dân, tôn trọng nhân
dân, khiêm tốn học hỏi, cố gắng tùy theo sức của mình mà tham gia công tác sản
xuất, công tác xã hội ở địa phương, luôn phấn đấu giữ vững truyền thống “Bộ đội
Cụ Hồ”, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Những anh em an dưỡng, điều dưỡng
ở các trại vì thương tật nặng hãy yên tâm điều trị, không được bi quan chán nản.
Người cũng nhiều lần gửi thư cho Bác sĩ, Bộ trưởng Vũ Đình Tụng vào Ngày Thương
binh - Liệt sĩ hằng năm, đề nghị chuyển một tháng lương của mình, cùng áo và
khăn tay mà đồng bào gửi biếu để làm quà cho thương binh. Người còn gợi ý về việc
động viên đồng bào đón thương binh về xã để nuôi dưỡng, trích một phần đất công
hoặc mượn đất của những điền chủ hảo tâm, hoặc vỡ đất hoang, tổ chức sản xuất,
lấy lương thực, thực phẩm để đảm bảo đời sống cho thương binh. Đây là nghĩa vụ
đền ơn đáp nghĩa chứ không phải “làm phúc”; thể hiện sự chu đáo, ân tình và hết
sức tỉ mỉ, cụ thể trong tư duy lãnh đạo, quản lý của Người mà cũng từ đó ta thấy
thấm thía tình cảm tình yêu thương của Người dành cho thương binh, liệt sĩ.
Trong những ngày ốm nặng, trên
giường bệnh, anh em phục vụ đem quạt máy vào phòng, nhưng Người nói đem quạt
này cho các chú thương binh trong trại điều dưỡng, nơi đó cần hơn, ở đây mình
có gió mát của cây vườn là được rồi. Từ những điều bình dị ấy ta càng cảm nhận
sâu thêm tầm vóc vĩ đại và hơn tất cả là tình thương yêu của Người dành cho mỗi
chúng ta, đặc biệt là đối với thương binh, liệt sĩ./.
NMH-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét