Dưới
sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tiếp đó là các cuộc
chiến tranh bảo vệ biên giới cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn là sự
nghiệp vĩ đại của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là sự tiếp nối
truyền thống chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc để giành độc lập cho Tổ quốc,
tự do cho dân tộc và ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng để có được thành quả ấy,
chúng ta đã phải trả cái giá vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp được, đó là sự
hy sinh, đau thương, mất mát của nhiều thế hệ người Việt Nam, mà tiêu biểu là
các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, v.v. Họ là người có công đầu đối với đất nước.
Vinh quang trước hết thuộc về họ. Những người con ưu tú đó là niềm tự hào của
dân tộc, luôn tỏa sáng và sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, được Tổ quốc
vinh danh và mãi mãi ghi công.
Năm
nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh
- Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) trong niềm phấn khởi của cả nước về những
thành tựu quan trọng đạt được trên các lĩnh vực trong triển khai thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, việc đẩy lùi đại dịch Covid-19, đưa mọi
hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, cũng như những kết quả thu
được trong đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,... đang tạo
ra khí thế mới, thuận lợi mới, niềm tin mới và lẽ tất nhiên cũng làm cho hoạt động
kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa sâu sắc. Trong dịp này,
nhiều chương trình hoạt động lớn của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các
địa phương đã và đang được triển khai rộng khắp trên cả nước. Thông qua các hoạt
động thiết thực đó, một mặt, tiếp tục khẳng định sự cống hiến, hy sinh to lớn của
các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và người có công với nước và dân tộc; mặt
khác, thể hiện sâu sắc lòng biết ơn, sự tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân
ta đối với họ - những người có công với nước. Đồng thời, tuyên truyền, làm sâu
sắc hơn truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của
dân tộc. Từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong việc quan tâm,
chăm sóc các đối tượng chính sách: thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân
nhân và người có công phù hợp với điều kiện mới.
Sau
các cuộc chiến tranh, cả nước đã ghi nhận gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 132.000
Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 9.110 tập thể, cá nhân là Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân, Anh hùng lao động. Hiện tại, sau nhiều năm sống trong hòa bình,
cả nước vẫn còn hơn 650.000 thương binh, gần 195.000 bệnh binh, 3.625 Bà mẹ Việt
Nam anh hùng, trên 890.500 người có công với cách mạng,... cùng hàng trăm nghìn
người tham gia kháng chiến và làm nhiệm vụ quốc tế phải chịu các di chứng của
chiến tranh, v.v. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt trân trọng, đánh giá
cao và đời đời ghi công, biết ơn những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào,
chiến sĩ cả nước đối với Tổ quốc.
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình
quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân.
Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”1. Thấm
nhuần lời dạy của Người, trong 75 năm qua, Đảng, Nhà nước, các tổ chức và toàn
xã hội ta thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt
sĩ, người có công với cách mạng và chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân
đội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng thụ hưởng,
củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và
chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nổi
bật là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công được nghiên
cứu, xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ, có chất lượng tốt, tạo cơ sở pháp lý
cho việc triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả trong cả nước. Việc giải quyết
các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh được thực hiện khẩn trương và đạt hiệu
quả cao. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm đẩy mạnh và phát triển cả
về bề rộng và chiều sâu. Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt
liệt sĩ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ thường
xuyên được chú trọng và đạt kết quả tích cực. Trong 05 năm gần đây, riêng Quân
đội đã đóng góp gần 500 tỉ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng gần 4.790
Nhà tình nghĩa, tặng 3.558 sổ tiết kiệm, nhận phụng dưỡng 2.867 Bà mẹ Việt Nam
anh hùng, tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ với hơn 29.600 ngày công,... với
tổng trị giá hàng nghìn tỉ đồng. Quân đội và các địa phương đã phối hợp thẩm định,
xét duyệt 967 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, trên 8.700 hồ sơ đề nghị xác nhận
thương binh; tìm kiếm, quy tập được 10.866 hài cốt liệt sĩ; tuyển dụng, giải
quyết việc làm cho hàng trăm con thương binh nặng và vợ, con liệt sĩ hy sinh
trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, v.v. Đặc biệt, thực hiện Quyết định
số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, toàn quốc đã giải
quyết chế độ trợ cấp một lần cho hơn 1,2 triệu đối tượng tham gia kháng chiến,
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, với số tiền hơn 2.668 tỉ đồng.
Đây là những minh chứng sống động, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn
và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, toàn dân và toàn quân đối với những
người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.
Phát
huy kết quả đầy ý nghĩa đó, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp
tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước về chính sách chăm sóc người có công với cách mạng.
Trong đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động mọi nguồn lực của xã hội, kết
hợp với nguồn lực của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp,... bảo đảm người có
công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở; xóa hộ
nghèo có thành viên là người có công. Tập trung tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các
công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền
thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ) và mộ liệt sĩ, v.v. Cùng với đó, cần có
cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh
binh, gia đình liệt sĩ và người có công phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát
triển sản xuất, nâng cao đời sống và đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của
toàn xã hội và toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng chính sách chăm sóc người có
công với cách mạng tiếp tục đạt kết quả tốt, góp phần làm sâu sắc hơn truyền thống,
đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam./.
ĐAK-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét