Thứ nhất, các
cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhất là người đứng đầu
các cơ quan, ban, ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công tác lãnh đạo,
quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải luôn kiên định với lý tưởng, mục tiêu
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững nền tảng lý luận của chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo
về văn học, nghệ thuật. Tránh làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, hình thức, qua
loa, chiếu lệ, bởi nếu đội ngũ văn nghệ sĩ hiểu sai, hiểu chưa thấu đáo quan điểm,
tinh thần chỉ đạo thì rất dễ lầm lạc trong hành động, trong cách viết, dễ có những
phản ứng nhất thời, thái quá. Tạo mọi điều kiện để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo
và hướng ngòi bút của văn nghệ sĩ vào phục vụ lợi ích nhân dân, lợi ích quốc
gia, dân tộc.
Thứ hai, việc
xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải
tuân thủ nghiêm ngặt quy luật khách quan, khoa học trên cơ sở mối quan hệ gắn
bó mật thiết giữa văn học, nghệ thuật với đời sống chính trị - xã hội. Văn học,
nghệ thuật phải bám sát thực tiễn, hướng về Đảng, về nhân dân, đất nước, phụng
sự sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội; ngợi ca
con người, bảo vệ chân lý và những giá trị tốt đẹp; phê phán, lên án cái ác,
cái bất công; hướng con người vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Thứ ba, Chính
phủ cần chủ động xây dựng, ban hành những chính sách, quy định phù hợp đối với
lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nói chung và các loại hình văn học, nghệ thuật cụ thể
(như văn chương, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh, hội họa,
âm nhạc, múa), trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của
lực lượng sáng tác để đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm sinh hoạt, cống hiến. Trong bối
cảnh, tình hình mới với sự xuất hiện của các loại hình truyền thông đa phương
tiện, sự bùng nổ, phát triển của mạng xã hội, in-tơ-nét, những tác động trái
chiều của quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh việc tuân thủ những quy định về
trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ chung của công dân, hoạt động trong khuôn khổ
Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, thì mỗi văn nghệ sĩ cần ý thức rõ về trách
nhiệm, tuân thủ chặt chẽ những quy định về phát ngôn, phát tán thông tin, đưa
tác phẩm lên mạng xã hội; thực hiện tốt Luật An ninh mạng (2018) khi tương tác,
bình luận về các sự kiện, vấn đề nóng, liên quan mật thiết đến tình hình an
ninh chính trị của đất nước.
Thứ tư, nắm bắt
kịp thời tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ. Kiểm soát tốt các khâu công bố, xuất
bản, phát hành, công chiếu các tác phẩm văn học, nghệ thuật; thẩm định chặt chẽ
nội dung thông qua hội đồng chuyên ngành để sàng lọc, loại bỏ những sản phẩm độc
hại, phản giá trị. Kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm minh những trường hợp cố
tình lợi dụng kẽ hở của không gian mạng, kết nối với các tổ chức phản động, lưu
vong ở nước ngoài để viết, in ấn, phát tán những tác phẩm có nội dung thiếu
lành mạnh, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ năm, đề
cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của những người đứng đầu các cấp hội văn học,
nghệ thuật trên cả nước trong việc tập hợp đội ngũ; trong công tác giáo dục tư
tưởng chính trị, định hướng sáng tác. Người đứng đầu các cấp hội văn học, nghệ
thuật, ngoài năng lực quản lý còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đời sống
văn học, nghệ thuật, hiểu tâm lý văn nghệ sĩ, có uy tín, bản lĩnh nghề nghiệp,
có đạo đức, tư cách đúng mực, trong sáng, tạo được niềm tin đối với hội viên và
nhân dân.
HAT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét