Nhận thức rõ văn hóa nghệ thuật
là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu,
thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực
to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát
triển toàn diện của con người Việt Nam... Trong thời gian qua, các thế lực thù
địch lợi dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube và lợi dụng
tự do ngôn luận, tự do báo chí một số đối tượng đã cho ra đời những sản phẩm
"núp bóng tác phẩm nghệ thuật", làm tha hóa tư tưởng con người và tác
động tiêu cực đến đời sống tinh thần xã hội. Ví như những cuốn sách: “Bên kia bờ
ảo vọng”, “Một cơn gió bụi”, “Tây Hùng Vương”, “Mối chúa”, “Đất mồ côi”... Những
tác phẩm nghệ thuật đó có thực sự là nghệ thuật, hay chỉ là những thủ đoạn chống
phá của các thế lực thù địch lợi dụng về sự sáng tác các tác phẩm nghệ thuật để
nhằm tha hóa tư tưởng của người đọc?
Trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư, tư duy sáng tạo văn học cũng như tâm lý học sáng tạo
nghệ thuật của văn nghệ sĩ đã được đổi mới, mở rộng và phát triển mạnh mẽ, hội
nhập cùng với xu hướng hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới. Điều này
đã dẫn đến văn hóa nghệ thuật ngày càng có cách nhìn phóng khoáng hơn, biên độ
sáng tạo được mở rộng hơn, hệ thống tiếp nhận cũng được định hình theo sự phân
tầng của tư duy nghệ sĩ; góp phần đổi mới, đa dạng hơn về đề tài, nội dung tư
tưởng. Thực tế trong thời gian qua đã xuất hiện một số văn nghệ sĩ đã bị các thế
lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc; hay thậm chí chính họ bị tha hóa về
tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những đối tượng này thành
lập các hội, nhóm, “sáng tạo” ra một thứ nghệ thuật đồi trụy "núp
bóng" văn hóa, văn chương; tạo ra những cái gọi là “tác phẩm nghệ thuật”
thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, chà đạp truyền thống lịch sử, làm ô uế thuần
phong mỹ tục của dân tộc với những tư duy lệch lạc, những câu chuyện rẻ rúng,
những thứ ngôn từ thô tục... để phủ nhận thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta đã đổ biết bao xương máu mới giành được. Những tác phẩm nghệ thuật
được các đối tượng lồng ghép và tạo dựng những hình ảnh dung tục với một lối tư
duy phi truyền thống, phi văn chương, phi nghệ thuật, phi chính trị... nhằm mục
đích tuyên truyền, kích động, bôi nhọ lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, bôi nhọ anh
hùng dân tộc, bôi nhọ nền tảng truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc...
Để nhận thức rõ và đẩy lùi thủ
đoạn lợi dụng những tác phẩm nghệ thuật nhằm làm tha hóa tư tưởng con người,
chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu
quả những định hướng của Đảng về văn học nghệ thuật gắn với phát triển văn hóa,
con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Ttiếp nhận những tác phẩm nghệ thuật thực
sự vì cuộc sống, kiên quyết xóa bỏ những tác phẩm nghệ thuật có nội dung thấp
kém, xấu độc. Chú trọng quán triệt và thực hiện tốt nội dung Nghị quyết số
23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn
học nghệ thuật trong thời kỳ mới" và những chương trình, kế hoạch về phát
triển văn hóa, văn học nghệ thuật mà các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và
chính quyền các địa phương đã xác định.
Phát
huy tốt vai trò, trách nhiệm của những người làm nhiệm vụ sáng tác nghệ thuật,
những cơ quan trực tiếp làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành, tránh để những
sản phẩm phi nghệ thuật được xuất bản, phát tán, lưu hành trong đời sống xã hội.
Các cơ quan quản lý, cơ quan biên tập, xuất bản phải thường xuyên bồi dưỡng
nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác biên tập; phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên
quan để phân tích, sàng lọc và nắm được tư tưởng văn nghệ sĩ thông qua sản phẩm
sáng tạo. Những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật phải thực sự nhạy
bén trong nhận định, đánh giá tác phẩm nghệ thuật, biết phân biệt rõ những tác
phẩm nghệ thuật chân chính với những sản phẩm “núp bóng nghệ thuật” được tạo ra
bởi tư duy thấp hèn, phục vụ những lợi ích cá nhân không lành mạnh và mang động
cơ đen tối.
Mỗi
chúng ta cần nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật
trong đời sống tinh thần của nhân dân. Nêu cao tinh thần đấu tranh với những
tác phẩm “núp bóng văn hóa”, những tác phẩm phi nghệ thuật và những cuốn sách
có tư tưởng lệch lạc, ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lịch sử dân tộc, ảnh
hưởng tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, tình cảm của nhân dân, nhất là thế hệ
trẻ.
Tia chớp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét