Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề Nhà nước và
pháp luật giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự
nghiệp xây dựng, củng cố một nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân. Các tư
tưởng Hồ Chủ Tịch về Nhà nước thật sự to lớn, sâu sắc không chỉ được thể hiện
trong các bài viết, các bài phát biểu, trong các văn kiện quan trọng do Người
trực tiếp chỉ đạo xây dựng và ban hành mà cả trong hành động thực tiễn của
Người trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “Nước ta là một nước dân
chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức
là nhân dân là chủ”. Với Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của
quyền lực nhà nước. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do
nhân dân uỷ quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phụng sự lợi ích của nhân
dân. Bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của
nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không thể là các ông quan cách
mạng mà là công bộc của nhân dân. “Chúng ta hiểu rằng, các cơ quan của Chính
phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh
việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền
thống trị của Pháp, Nhật”.
Là nhà nước của dân, do chính nhân dân lập ra thông
qua chế độ bầu cử dân chủ. Bầu cử dân chủ là phương thức thành lập bộ máy nhà
nước đã được xác lập trong nền chính trị hiện đại, đảm bảo tính chính đáng của
chính quyền khi tiếp nhận sự uỷ quyền quyền lực từ nhân dân. Chính vì vậy, để
thật sự là nhà nước của dân, ngay từ những ngày đầu giành được nền độc lập, Hồ
Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến tổ chức cuộc tổng tuyển cử để nhân dân trực
tiếp bầu ra các đại biểu xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước.
Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập vào
3/9/1945 Hồ Chủ Tịch đã họp và đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước,
trong đó Người đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử
với chế độ phổ thông đầu phiếu”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một nhà nước của dân, không
chỉ do dân lập ra thông qua bầu cử dân chủ mà còn là nhà nước chịu sự kiểm tra,
giám sát, định đoạt của nhân dân. Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân
chủ, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc phê bình Chính
phủ. Chính phủ thì việc to nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ nhân dân”. “Nhân dân
có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại
biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm
quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”. Người nhắc nhở: “Nước
ta là nước dân chủ; địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách
mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều là phân công làm đầy
tớ cho dân”. Người còn viết: “Chính phủ cộng hoà dân chủ là gì? là đầy tớ của
dân từ Chủ tịch toàn quốc đến Đảng – Dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ… Nếu
Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.
Đối với Hồ Chí Minh, một nhà nước của dân thật sự phải
là một nhà nước do dân và vì dân. Người viết: “Kinh nghiệm trong nước và các
nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó
khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng
biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những
người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”; “Không có lực lượng
nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong…”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là nguồn sức mạnh
của Nhà nước, là nguồn trí tuệ của Nhà nước, là nguồn sáng kiến vô tận, nhà
nước có chức năng khơi nguồn, phát hiện, tiếp thu và hoàn thiện các sáng kiến
của nhân dân để xây dựng chính sách và luật pháp.
Một nhà nước của dân, do dân, vì dân theo Hồ Chí Minh
là một nhà nước nếu biết lắng nghe và học hỏi nhân dân, biết tôn trọng bồi
dưỡng và nâng cao sức dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân
thì sẽ thấy nhân dân không chỉ nói lên những mong muốn của mình mà còn chỉ ra
được nhà nước cần phải hành động như thế nào để giải quyết các vấn đề quốc kế
dân sinh. Chính vì lẽ đó Nhà nước được thành lập không vì mục đích làm thay cho
dân, mà thực hiện vai trò người cầm lái, người tổ chức để nhân dân bằng trí
tuệ, sức mạnh của mình giải quyết các vấn đề của chính mình. Người viết: “Nếu
không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì
nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành
một khối”. Nhà nước của dân, do dân không có mục đích tự thân, ý nghĩa, mục
tiêu và sứ mệnh của Nhà nước là phụng sự hạnh phúc của nhân dân, vì nhân dân.
Vì lẽ đó Hồ Chủ Tịch cho rằng “… Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt
Nam dân chủ cộng hoà. Nhưng nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc,
tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì... Chính phủ ta đã hứa với dân sẽ
gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc...”. Người nhắc nhở: “Việc gì lợi
cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh...”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước vì dân, tất cả vì
hạnh phúc của nhân dân là tư tưởng nhất quán trong suốt cuộc đời của Người. Cả
cuộc đời Người là một tấm gương trong sáng thể hiện sinh động tư tưởng, đạo đức
của một con người suốt đời vì dân, vì nước. Khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước,
Hồ Chủ Tịch đã trả lời các nhà báo “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh
phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác
thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt
trận”./.
P.T.H.H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét