Rõ ràng xét về
mặt bản chất và mức độ đồng bộ, hoàn thiện thì mô hình nền kinh tế thị trường
nước ta đang áp dụng hiện nay không phải là nền kinh tế thị trường TBCN và nó
cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN đầy đủ (vì nước ta còn đang trong
thời kỳ quá độ). Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta có một số nội
dung đặc trưng khác biệt được khái quát thành lý luận trên một số vấn đề cơ bản
sau:
Thứ nhất,
trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều
thành phần kinh tế tồn tại đan xen.
Các thành phần
kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền
kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh
tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể,
kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một
động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến
khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trương xây dựng quan hệ phân phối hướng tới sự công bằng và tạo động lực
cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả
kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối
thông qua hệ thống phúc lợi xã hội. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, thực hiện quản
lý, điều tiết nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,
chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội.
Thứ hai, kinh
tế thị trường định hướng XHCN có đặc trưng cơ bản là phải gắn kinh tế với xã hội,
thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi
với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách
phát triển.
Điều đó có
nghĩa là đi đôi với từng bước phát triển của nền kinh tế, các chính sách về xã
hội cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đem lại hạnh phúc cho xã hội. Nghĩa là
không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến
bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã
hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế
đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm
tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải
đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những
người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự
cho nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Thứ ba, trong
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, văn hóa được nhấn mạnh là nền tảng tinh
thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ
quốc.
Xác định phát
triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã
hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước
ta. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ,
nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo
trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn
đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá
con người. Trong đó con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển;
phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là
động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học -
công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống
còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ
làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội.
Thứ tư, xã hội
XHCN hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của
toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với
các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm,
do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối
kháng xã hội.
Trong chế độ
chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa
các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh
phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng
quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất
của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về
nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Trong đó,
Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực
hiện đường lối của Đảng. Nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước
pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ TBCN về thực chất là công cụ
bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ
xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo
đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà
nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực
hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Bùi Mát -
KNN-TV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét