Về tổng thể, xét trên cả bình diện thế
giới và trong nước, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay diễn
ra trong điều kiện có những thời cơ và thuận lợi to lớn đan xen với nhiều khó
khăn, thách thức.
Việt Nam quá độ lên CNXH là phù hợp với
qui luật phát triển khách quan của lịch sử và nguyện vọng của nhân dân ta. Vì vậy,
Việt Nam đã và đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế
giới và đông đảo bạn bè quốc tế. Hiện nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hơn
180 quốc gia. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được
nâng cao. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang kiên định thực hiện có hiệu quả
mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng
sản Việt Nam - một đảng cách mạng đã được tôi luyện qua các thời kỳ cách mạng.
Thời kỳ quá độ lên CNXH nước ta đã chuyển sang chặng đường phát triển mới: thời
kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã vạch
rõ: “Chúng ta có nhiều thuận lợi cơ bản: có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng
sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, có bản lĩnh chính
trị vững vàng dày dặn kinh nghiệm lãnh đạo; dân tộc ta là một dân tộc anh hùng;
nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết và nhân ái, cần
cù lao động và sáng tạo, luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chúng
ta đã từng bước xây dựng được những cơ sở vật chất - kỹ thuật rất quan trọng;
cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, sự hình thành và phát triển của
kinh tế tri thức cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một thời
cơ để phát triển” (1). Hơn nữa, con đường đi lên CNXH của Đảng và nhân dân ta
ngày càng sáng rõ. Mục tiêu, đặc trưng, những phương hướng cơ bản và những quan
hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ
quốc tiếp tục được bổ sung, cụ thể hoá, phát triển với những nhận thức quan trọng.
Đó chính là những yếu tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam XHCN.
Một thuận lợi cơ bản trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay là chúng ta có những tiềm
năng, thế mạnh về tài nguyên, vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào của thời kỳ
dân số vàng, những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc, nền văn hóa truyền thống
đậm đà bản sắc các dân tộc, ý chí và nghị lực của con người Việt Nam. Đây là những
lợi thế so sánh trong hội nhập phát triển của Việt Nam trong khu vực và trên thế
giới về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; nguồn nhân lực, đội ngũ công
nhân kỹ thuật cao, lành nghề. Đây là tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp
thu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, là cơ hội lớn để Việt
Nam thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ.
Cùng với đó, thành tựu, kinh nghiệm của
thời kỳ đổi mới đã tạo ra cho đất nước thế và lực mới, có sức mạnh tổng hợp to
lớn về nhiều mặt. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhìn lại
35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới,
về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng
hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành
tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm
trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả
về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có
được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(2).
Điều đó tạo ra cho đất nước thời cơ và vận
hội mới, nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế. Những năm tới là giai đoạn kinh
tế nước ta tiếp tục phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau thời kỳ suy giảm. Kinh
tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy
mô nền kinh tế tăng lên. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở
thành nước có thu nhập trung bình. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học
và công nghệ, văn hoá, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Tình hình chính trị -
xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ XHCN, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
được giữ vững. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và
phát huy. Nước ta mở rộng giao lưu, nâng tầm hợp tác với các nước lớn, với các
nước khắp năm châu, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế phát triển và thu hút vốn
đầu tư, khoa học công nghệ tiên tiến của các nước.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới và những
đặc điểm của thời đại hiện nay đã mở ra thời cơ lớn để nước ta có thể phát triển
nhanh và bền vững, tạo những điều kiện thuận lợi cho nước ta quá độ đi lên
CNXH. Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn. Trật
tự thế giới mới theo xu hướng đa cực ngày càng rõ. Các nước tăng cường hợp tác và
giao lưu quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ
quyền, lãnh thổ của nhau. Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc
lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội tiếp tục phát triển dù có những khó
khăn, phức tạp. Một số nước kiên định con đường XHCN đã tiến hành cải cách, đổi
mới và thu được nhiều thành tựu phát triển như Trung Quốc, Cu Ba. Phong trào Cộng
sản và công nhân quốc tế đã có sự phục hồi và phát huy ảnh hưởng trên con đường
đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ.
Loài người đang bước vào cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ 4 với nền tảng công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế tri thức
và quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù có những “cấm vận” với một
vài quốc gia nhưng toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ,
tác động đa chiều đến các nước, mang tính vừa hợp tác vừa cạnh tranh, tùy thuộc
vào nhau. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày
càng sâu rộng. Kinh tế thế giới tuy còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid - 19
và bất ổn chiến tranh, xung đột nhưng sẽ phục hồi. Sự phát triển của cách mạng
khoa học, công nghệ và đặc điểm giai đoạn hiện nay của thời đại đã tạo ra cơ hội
thuận lợi để nước ta tiếp cận với nguồn vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản
lý kinh tế - xã hội tiên tiến của thế giới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã chủ động nắm bắt xu thế quốc tế, mở rộng
quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội với các nước, các tổ chức quốc
tế, đem lại thời cơ thuận lợi để Việt Nam xây dựng cơ sở kinh tế - xã hội của
CNXH, có điều kiện phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Vì vậy, chúng ta cần nắm
bắt thời cơ, tranh thủ các cơ hội quốc tế thuận lợi để kết hợp sức mạnh dân tộc
với sức mạnh thời đại trên cơ sở độc lập, tự chủ, nhằm phát triển đất nước,
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường vị thế và tiềm lực
đất nước. Có như vậy, nước ta mới có thể rút ngắn thời gian phát triển trong chặng
đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 70 - 71.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.103-104.
PVĐ_H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét