CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG QUAN ĐIỂM CỦA V.I. LÊNIN VỀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI HIÊN NAY

  Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười năm 1917, cùng với việc lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội, V.I. Lê-nin đặc biệt coi trọng xây dựng và phát triển quân đội phù hợp với yêu cầu mới của cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, Lê-nin đặc biệt coi trọng yếu tố chính trị, tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ và coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi trong các cuộc chiến tranh. Trong bài diễn văn tại Hội nghị mở rộng của công nhân và binh sĩ Hồng quân khu Rô-gô Giô-xcơ-xi-mô-nốp-xki (ngày 13/5/1920), V.I. Lê-nin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”.

Xuất phát từ tư tưởng đó, trong mỗi bước đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Hồng quân Liên Xô, Lê-nin luôn theo dõi công tác chính trị. Người coi việc xây dựng kỷ luật quân sự tự giác, vững chắc và xây dựng quân đội có sức chiến đấu cao là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Trong bức điện V.I. Lê-nin gửi Ủy ban quân sự cách mạng mặt trận miền Đông, V.I. Lê-nin căn dặn: “Phải đề cao công tác chính trị... Đừng chỉ có lo mặt chiến đấu...”.

Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, theo Lê-nin cần phải tiến hành tích cực, thường xuyên và liên tục hoạt động tư tưởng, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Trong suốt những năm lãnh đạo cách mạng, Lê-nin luôn chú trọng các công tác này trong quân đội, coi đó là nguyên tắc trọng yếu để nâng cao sức chiến đấu và chiến thắng kẻ thù trong chiến tranh. Là người tổ chức tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Hồng quân Liên Xô, Lê-nin yêu cầu: “Hãy chú ý đến công tác chính trị, đừng làm yếu công tác chính trị”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, việc củng cố, tăng cường công tác đảng, công tác chính trị đã trở thành một quy luật, một nguyên tắc cơ bản không thể thiếu trong xây dựng quân đội cách mạng kiểu mới của Lê-nin.

Trong quan điểm xây dựng quân đội về chính trị, Lê-nin đặc biệt đề cao vai trò của chính ủy trong các đơn vị. Lê-nin cho rằng, các chính ủy là đại diện của Đảng Bôn-xê-vích và của Chính quyền Xô-viết, có tác dụng lớn lao trong việc xây dựng và củng cố Hồng quân. Trong thực tế xây dựng quân đội, chính các chính ủy đã đoàn kết đội ngũ chiến sĩ, đưa quân đội vào kỷ luật, trật tự... Đồng thời, các chính ủy đã tìm mọi cách để bảo vệ uy tín của những cán bộ chỉ huy trung thành với chính quyền Xô-viết. Đánh giá cao vai trò của các chính ủy, V.I. Lê-nin khẳng định: “Không có Chính ủy thì chúng ta không có Hồng quân” [2]. Do đó, Lê-nin đã dùng mọi biện pháp để củng cố chế độ chính ủy trong Hồng quân, cử những đảng viên Bôn-sê-vích ưu tú làm chính ủy các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và vào công tác ở các cơ quan chính trị.

Tuy nhiên, để yếu tố chính trị, tinh thần phát huy được trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, Lê-nin luôn nhấn mạnh đến vai trò của Đảng Cộng sản. Theo Lê-nin, Hồng quân Liên Xô phải được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, thực sự là một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trên cơ sở đó, Lê-nin đã nghiên cứu một cách sâu sắc và khoa học để vạch ra những cơ sở lý luận và nguyên tắc xây dựng quân đội vô sản về chính trị, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của quân đội. Theo Lê-nin, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản giữ vai trò quyết định toàn bộ quá trình phát triển, chiến đấu, chiến thắng của quân đội vô sản, do vậy Người hết sức quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển, phát huy hiệu lực của bộ máy đảng trong lực lượng vũ trang, tăng cường các đảng viên cộng sản ở các đơn vị.

Trong toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản, công tác tổ chức và công tác tư tưởng của Đảng trong quân đội là một điều kiện bảo đảm cho quân đội tác chiến thắng lợi. Thông qua các chính ủy, các cơ quan chính trị và các chi bộ đảng, Đảng đã củng cố kỷ luật trong quân đội, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ giác ngộ về chính trị, động viên cán bộ, chiến sĩ Hồng quân hăng hái lập công. Lê-nin nói: “... ở đâu kỷ luật giữ nước được giữ vững nhất, ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các ủy viên chính trị làm được chu đáo nhất, thì ở đấy... không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội; quân đội đó giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn; ở đấy cũng thu được nhiều thắng lợi hơn”.

Nhận thức sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng quân đội về chính trị, ngay từ tháng 10/1917, các tổ chức đảng bước đầu được xác lập trong một số đơn vị Hồng quân Liên Xô. Đến tháng 4/1918, hệ thống tổ chức đảng, cơ quan chính trị được thiết lập và thực hiện thống nhất trong Hồng quân, làm nòng cốt xây dựng Hồng quân vững mạnh về chính trị. Không những vậy, thông qua các tổ chức đảng và các cơ quan chính trị, Đảng đã giáo dục chủ nghĩa yêu nước nồng nàn của người Xô-viết cho các chiến sĩ quân đội, củng cố lập trường tư tưởng chính trị cao cho mọi cán bộ, chiến sĩ Hồng quân.

Nhờ làm tốt công tác xây dựng quân đội về chính trị, trong suốt thời gian quân đội Xô-viết tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những phẩm chất tinh thần tốt đẹp của Hồng quân Liên Xô đã được củng cố vững chắc. Đó là sự kiên định, lòng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần dũng cảm, bình tĩnh, hy sinh quên mình, tinh thần hăng say, kỷ luật tự giác, ý chí quyết thắng quân thù... Nhiều chuyên gia quân sự tư sản đều phải thừa nhận uy lực chiến đấu mạnh và tinh thần chiến đấu cao của Quân đội Xô-viết. Uy lực và tinh thần đó do hậu phương đất nước Xô-viết và toàn bộ hệ thống công tác Đảng, công tác chính trị xây dựng nên.

Có thể nói, quan điểm xây dựng quân đội về chính trị của Lê-nin là một di sản tư tưởng, lý luận vô cùng quý giá. Việc bảo vệ và phát triển quan điểm xây dựng quân đội về chính trị của Lê-nin trong hoàn cảnh mới có ý nghĩa quan trọng cả về thế giới quan, phương pháp luận, lẫn hệ tư tưởng; là cơ sở lý luận, phương pháp luận trực tiếp cho xây dựng quân đội về chính trị; đồng thời, phê phán, vạch trần tính chất phản động của những học giả tư sản và một số người phủ nhận nội dung, bản chất chính trị của chiến tranh, quân đội.

=TXD-H2=

0 nhận xét: