CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

SỰ HÌNH THÀNH HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI Ở VIỆT NAM

 

Ở Việt Nam, từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội dẫn tới sự xuất hiện hàng loạt các HTTGM, nhất là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ như: Đạo Long Hoa Di Lặc tại Sóc Sơn, Hà Nội; tà đạo Thìn Hùng, Dương Văn Mình ở Hà Giang, Tuyên Quang; Vàng Chứ ở các tỉnh miền núi phía Bắc… Đến thập niên 90 của thế kỷ XX được xem là thời kỳ nở rộ các HTTGM ở nước ta với hơn 50 hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện: Đạo Chân Không tại Hà Tĩnh, Ngọc Phật Hồ Chí Minh ở Hải Phòng, Đạo Cửa Thiên Đình ở Thái Nguyên, Tiên Thiên, đạo Con Hiền…Từ năm 2000 đến nay, các HTTGM ít xuất hiện hơn, các HTTGM đã xuất hiện tập trung vào củng cố, mở rộng địa bàn hoạt động. Theo thống kê của các nhà quản lý, nước ta hiện nay có khoảng trên 80 hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có cả các tổ chức du nhập từ nước ngoài như: Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Môn Diệu Âm và Tam Tổ Thánh Hiền từ Đài Loan, Nhất Quán đạo từ Nhật Bản, Pháp Luân Công từ Trung Quốc...

Từ thực tế có thể thấy, các HTTGM ở nước ta rất đa dạng về nguồn gốc, bao gồm cả nội sinh và ngoại nhập với khoảng 80% hiện tượng phát sinh trong nước, 20% từ nước ngoài du nhập vào. Trong đó, các HTTGM này chủ yếu dựa vào hoặc vay mượn những yếu tố của Phật giáo, Công giáo, Tin lành hoặc vay mượn tín ngưỡng dân gian... Địa bàn xuất hiện tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (bao gồm vùng đồng bằng và Trung du Bắc bộ), Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc.

Người tin theo HTTGM khá đa dạng và phức tạp, thuộc nhiều thành phần, như: Trí thức, văn nghệ sĩ, buôn bán nhỏ, cán bộ, công chức, viên chức đã về hưu…nhưng đông nhất vẫn là nông dân, công nhân, tiểu thương, lao động tự do. Họ thường là những người có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn về kinh tế, bệnh tật, hoạn nạn, ít may mắn trong cuộc sống hoặc có những phản ứng, bất mãn trong đời sống trần tục. Có những người tin theo đã từng là tín đồ của các tôn giáo chính thống như: Tin Lành, Công giáo, Phật giáo... Tương tự như người đứng đầu, người tin theo các HTTGM hiện nay đa phần là phụ nữ trung niên và cao niên, tỷ lệ nữ giới tin theo thường cao hơn nam giới, hầu hết thuộc nhóm trình độ học vấn trung bình và thấp, thậm chí một bộ phận nhỏ không biết chữ, trong đó không ít người bị giáo chủ lợi dụng về kinh tế và tình cảm.

HTTGM còn xuất hiện ở các khu vực miền núi Tây Nguyên, Tây Bắc nên bộ phận tín đồ người dân tộc chiếm một tỉ lệ đáng kể. Đại bộ phận tín đồ người dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội hạn chế, nhưng họ lại có niềm tin khá vững chắc vào tôn giáo đã chọn. Chính vì vậy, các thế lực xấu thường lợi dụng tâm lý đó để lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động chính trị phản động.

Có sự khác nhau nhất định giữa tín đồ của các HTTGM từ ngoài nước và tín đồ của các HTTGM trong nước. Nhìn chung, tín đồ các HTTGM có nguồn gốc nước ngoài chủ yếu là tầng lớp thị dân, trí thức, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người có địa vị xã hội, giới trung và thượng lưu. Ngược lại, tín đồ các HTTGM trong nước phần lớn là những người có hoàn cảnh éo le, bệnh tật, đời sống khó khăn, trình độ học vấn thấp, nhận thức xã hội hạn chế, ít có cơ hội giao lưu, hội nhập với xã hội hiện đại.

0 nhận xét: