CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC CHO THẾ HỆ TRẺ

 

          Giá trị văn hóa truyền thống chính là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung các giá trị mới. Giá trị văn hóa truyền thống có vai trò to lớn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc kế thừa giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam là tất yếu khách quan, đồng thời là công việc thường xuyên, lâu dài, kiên trì, bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chung tay của toàn xã hội.

          Thanh, thiếu niên là những chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Suốt 78 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, thế hệ trẻ Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và kiến thiết nước nhà. Nhiều tấm gương hy sinh vì nghĩa lớn và cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước đã được sử sách ghi lại, được nhân dân nhớ mãi. Họ là những người đã thấm đậm hồn văn hóa dân tộc vào trong con tim, khối óc. Đó là tinh thần yêu nước thương nòi, chí căm thù giặc sâu sắc; mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu; lòng tự hào, tự tôn dân tộc cao độ; tinh thần sáng tạo, ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách; tình cảm quốc tế thủy chung, son sắt...  

          Ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam cơ bản vẫn luôn phát huy tốt những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thờ ơ với quá khứ hoặc không tôn trọng văn hóa truyền thống, dẫn đến suy nghĩ chưa đúng hay có những hành vi phản cảm. Đó là những điều mà xã hội trăn trở và phải quan tâm sâu sắc để có những giải pháp giữ hồn văn hóa cho họ.

          Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện này dưới sự tác động của hội nhập kinh tế toàn cầu bắt đầu làm đảo lộn hệ thống giá trị truyền thống của mỗi dân tộc. Nhiều giá trị truyền thống đã bị lãng quên, xem nhẹ; một số thuần phong mỹ tục bị xâm phạm, đã có xu hướng coi nhẹ hoặc phủ nhận những giá trị quý giá của tuyền thống dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là những giá trị đã và đang là bộ phận động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa cũng như cơn lốc của cơ chế thị trường đã dần đi vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội. Bên cạnh rất nhiều những ưu thế mà nó đem lại cho đời sống, thì mặt trái của nó cũng tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần, nhiều nét văn hóa đứng trước nguy cơ bị đe dọa về sự mai một, mà biểu hiện đó là lối sống tự do, phóng túng trái với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, văn hóa hưởng thụ kiểu phương Tây (đôi khi do cách thức tuyên truyền chưa phù hợp, các phương tiện thông tin tuyên truyền vô tình làm lan tỏa trong diện rộng) các văn hóa phẩm độc hại: sách, báo, phim, ảnh… được du nhập nhanh chóng , gây nên cách sống, cách nghĩ không lành mạnh trong một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ.

          Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2023 là dịp tốt để chúng ta bồi đắp lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, hay nói cách khác, lưu giữ, nhân lên "hồn cốt" của giống nòi. Chúng ta cần làm cho thanh, thiếu niên hiểu và thấm nhuần những giá trị đạo đức cao đẹp trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Hồn văn hóa dân tộc chính là tinh thần đấu tranh anh dũng, sẵn sàng xả thân vì nước, vì dân của các thế hệ đồng bào, đồng chí để giành tự do, độc lập; là quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Từ ý chí và quyết tâm đó sẽ “truyền lửa” nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, để họ nhân lên lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha ông đã viết nên những trang sử vẻ vang, giành lại đất nước hàng nghìn năm văn hiến.

0 nhận xét: