Hoàn toàn có cơ sở khoa học để
khẳng định chắc chắn rằng: Con đường đi lên CNXH trên thế giới nói chung, Việt
Nam nói riêng không hề viển vông, bất định như CNTB và các thế lực thù địch
xuyên tạc. Ngược lại, nó được minh chứng thuyết phục, sinh động cả về lý luận
và thực tiễn.
Trước hết, CNXH là sự vận động tất
yếu của lịch sử. Bằng hai phát kiến vĩ đại là học thuyết giá trị thặng dư và chủ
nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác đã luận giải thuyết phục sự vận động, phát triển của
xã hội loài người. Dựa trên các quy luật vận động nội tại của xã hội, nhất là
quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất và quy luật mối
quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, C.Mác đã đi đến
khẳng định: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế-xã hội là một quá trình
lịch sử tự nhiên”.
Ở đây C.Mác và Ph.Ănghen đã phát
triển CNXH từ không tưởng thành khoa học khi luận chứng nó từ quy luật vận động
của lịch sử như sự vận động tất yếu của các quy luật kinh tế, quy luật xã hội
đã hình thành ngay trong lòng CNTB. Như vậy, biện chứng khách quan của lịch sử
chính là sự vận động phát triển không ngừng của các hình thái kinh tế-xã hội.
Theo đó, hình thái kinh tế-xã hội XHCN tất yếu sẽ thay thế hình thái kinh tế-xã
hội TBCN. Con đường đi lên của nhân loại không gì khác là chủ nghĩa cộng sản mà
giai đoạn thấp là CNXH. Đó là tất yếu của lịch sử chứ không phải là ảo vọng hay
sự tự biện của những người cộng sản.
Thứ hai, mục tiêu của CNXH là
không xa vời mà rất cụ thể. Đó là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ sự
phân chia giai cấp, xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do, hạnh phúc. Ở CNXH có
sự khác biệt rất căn bản so với tất cả phương thức sản xuất trước đó chính là nằm
ở mục tiêu hay con đường đi tới. Trong xã hội trước đây chỉ là sự thay thế
phương thức sản xuất này bằng phương thức sản xuất khác thông qua một cuộc cách
mạng xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là thay thế giai cấp thống trị này bằng giai cấp
thống trị khác, quần chúng cần lao vẫn là giai cấp bị trị, vẫn chịu sự bóc lột
bằng cách này hoặc cách khác. CNXH là một xã hội được xây dựng nhằm hướng tới mục
tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xóa bỏ triệt để chế độ người
bóc lột người.
V.I.Lênin đã chỉ ra xu thế tất yếu
của thời đại là quá độ đi lên CNXH trên toàn thế giới với mục tiêu rất cụ thể
là xây dựng thành công CNXH. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau thì lựa
chọn con đường, cách thức, biện pháp khác nhau. Mỗi quốc gia phải dựa vào đặc
điểm tình hình cụ thể của mình để định hình con đường đi lên CNXH phù hợp. Tùy
theo tư duy, nhận thức, cách thức tổ chức thực hiện ở từng Đảng Cộng sản, từng
quốc gia khác nhau sẽ có độ dài-ngắn trên con đường đi đến đích. Chủ tịch Hồ
Chí Minh chỉ ra rằng: “CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của
nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”.
Thứ ba, CNXH là chế độ xã hội đã
được hiện thực hóa trên thực tế, khác biệt về chất so với các chế độ xã hội trước
đó.
Từ học thuyết của Chủ nghĩa Mác
về CNXH khoa học, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến CNXH trở thành
hiện thực với đầy đủ hình hài của một xã hội tương lai: Giải phóng giai cấp vô
sản thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản; giải phóng giai cấp
nông dân khỏi gông cùm của địa chủ phong kiến... Những thành tựu trong thời kỳ
quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam, ở Trung Quốc cho thấy con đường đi lên CNXH hoàn
toàn là hiện thực, hướng tới xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn xã hội cũ, chứ
không phải là điều không tưởng.
Thứ tư, CNXH đang được xây dựng
toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam. Đây là minh chứng
sinh động, cụ thể về một mô hình CNXH được xác định qua 8 đặc trưng cơ bản về mục
tiêu; về trình độ lực lượng sản xuất; quan hệ sản xuất; nền văn hóa; về con người,
về nhà nước pháp quyền XHCN... 8 đặc trưng này là sự khái quát hóa mô hình của
CNXH, nó không chỉ dừng lại trong chiến lược, trong nghị quyết mà được hiện thực
hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Biểu hiện rất cụ thể của
dân chủ XHCN là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng”. Đó là minh chứng rõ ràng, thuyết phục về sự hiện thực hóa nội hàm của
con đường đi lên CNXH. Bởi xét cho cùng, giá trị của cách mạng XHCN đều kết
tinh ở chỗ người dân làm chủ cái gì, thụ hưởng được cái gì. Và cũng chính điều
này khẳng định sự khác biệt về bản chất của chế độ XHCN so với chế độ TBCN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
khẳng định: Xã hội chúng ta đang xây dựng là một xã hội mà ở đó mọi sự phát triển
thực sự là vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà chà đạp lên phẩm giá
con người; đó cũng là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới
những giá trị tiến bộ, nhân văn chứ không vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá
nhân và phe nhóm. Đảng và Nhà nước ta, toàn dân ta nỗ lực xây dựng một hệ thống
chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi
ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.
Rõ ràng những giá trị tốt đẹp chúng
ta đang xây dựng không hề xa vời, viển vông mà ngược lại đó là những giá trị
đích thực của CNXH, chúng ta hoàn toàn có thể xác lập, xây dựng và hiện thực
hóa. Điều đó cũng khẳng định rằng con đường đi lên CNXH không phải là bất định
như nhiều kẻ xấu rêu rao mà là con đường hiện thực, có đích đến cụ thể mà chúng
ta có quyền lựa chọn, có quyền nỗ lực, kiên định, kiên trì thực hiện và có quyền
tin tưởng rằng CNXH sẽ được xây dựng thành công trên đất nước Việt Nam. Tuy
nhiên, CNXH không phải là cái gì đó sẵn có, nó phải được định hình về mục tiêu,
cách thức xây dựng, nó phải do chính bàn tay, khối óc và quyết tâm chính trị mạnh
mẽ của những người cộng sản, những người lao động để đấu tranh, xác lập, sáng tạo
nên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét