CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

NNTV- CẢNH GIÁC VỚI VIỆC LỢI DỤNG TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG


Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, mạng xã hội đã trở thành công cụ thể hiện quyền này của đông đảo người dân, sức ảnh hưởng và lan tỏa rất nhanh chóng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… người dân có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải nhiều thông tin thông qua tài khoản cá nhân của mình. Tuy nhiên cần phải tôn trọng khuôn khổ của pháp luật, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước đối với công dân. Nhưng chính điều này cũng mang đến nguy cơ bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông tin trên không gian mạng có quan điểm sai trái, lệch lạc hoặc nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, một số người có thói quen theo dõi các trang mạng không chính thống trong nước và nước ngoài, cổ súy cho một số cá nhân, tổ chức bất đồng quan điểm với đường lối, chủ trương của Đảng cộng sản Việt nam. Điều đó cũng đặt ra vấn đề pháp lý quy định để ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để xâm hại đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, đến đạo đức xã hội và an ninh quốc gia.

Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam là thành viên) quy định: “(1) Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; (2) Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận; (3) Việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm…” Ở Việt Nam, Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy cho thấy quyền tự do ngôn luận không phải là không có giới hạn, quyền này được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực hiện nhưng sẽ bị ràng buộc bởi những văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Thời gian gần đây các hoạt động vi phạp pháp luật trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để đăng bài viết, phát ngôn, livestream để thể hiện ý kiến, quan điểm trái chiều đi quá giới hạn cho phép, xâm phạm đến lợi ích của tập thể, cá nhân. Thực tế đã có không ít những trường hợp vi phạm bị xử lý, trong đó hiện tượng sử dụng mạng xã hội để công kích, đấu đá nhau. Theo đó, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, các đối tượng tuyên truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gây hoang mang dư luận xã hội, tâm lý sợ hãi cho người dân; hay chỉ là đăng hồ sơ của người khác, công bố chuyện riêng tư người khác, chụp và đăng ảnh người khác lên mạng khi chưa được phép… đều là những hành vi trái phép.

Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động và đối tượng xấu đã và đang lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, nói xấu, bôi nhọ chính quyền gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, một số người không đủ thông tin, thiếu hiểu biết dễ dàng tin theo và có những phát ngôn chống đối. Lợi dụng mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tán phát các thông tin xấu độc, viết các bình luận nhằm kích động, lôi kéo cộng đồng mạng tham gia để bàn tán, chỉ trích, bôi nhọ danh dự, uy tín các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Chúng ngầm kích động các tư tưởng chống đối pháp luật, xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Một số hình thức chúng thường sử dụng như: lập ra các website, blog, fanpage để đưa ra các thông tin đánh trúng tâm lý người đọc gây sự chú ý, thu hút người truy cập để truyền bá quan điểm, tư tưởng phản động; giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đưa ra thông tin xuyên tạc; lợi dụng những sơ hở, sai phạm của một số cán bộ, đảng viên để tạo làn sóng dư luận, gây áp lực với chính quyền… Một số dạng bình luận phổ biến mà bọn chúng tạo ra như: bình luận vô văn hóa, chửi tục; bắt lỗi, chất vấn gay gắt những bình luận của cộng đồng mạng để tạo làn sóng lan truyền; viết bình luận tạo thành chủ đề để lôi kéo cộng đồng mạng tham gia cùng bình luận…Chúng định hướng dư luận theo mưu đồ của mình, loại bỏ những ý kiến trái chiều để tạo nên dạng thông tin một chiều có lợi cho mục đích chống phá của chúng là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín, xúc phạm danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người có vị trí, vai trò, ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, xã hội.

Có thể thấy, mạng xã hội đã trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều công dân, giúp cho người dân có cái nhìn đa chiều trên nhiều phương diện, mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời cũng chứa đựng những nguy cơ khó lường. Do đó, đối với người tham gia mạng xã hội nên xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, cộng đồng, sàng lọc thông tin và chỉ đăng tải những thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng; không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, có tính bạo lực, không nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm xâm hại lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; cần nắm và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong phát hiện, đóng góp ý kiến, phê bình, phản bác những thông tin độc hại, phản động trên mạng xã hội để việc sử dụng mạng xã hội được hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, bảo vệ giá trị của bản thân và cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam tiến bộ, văn minh, phát triển.

ĐVK

0 nhận xét: