Thơ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946-1975) đã thể hiện niềm tự hào dân tộc, tự hào về
truyền thống vẻ vang của ông cha ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ
nước. Đó là những tác phẩm bám sát lịch sử chiến đấu hào hùng của quân dân ta,
là bản anh hùng ca bất diệt. Tuy nhiên, vẫn có những người cố ý phủ nhận, xuyên
tạc giá trị thơ cách mạng kháng chiến thế kỷ 20 và cho rằng đó chỉ là “thơ minh
họa chính trị”. Luận điệu đó vừa phi lý, vừa phi nghĩa nên cần phải phê phán,
bác bỏ.
Thời gian qua, trên nhiều trang mạng, diễn đàn, các thế lực
thù địch, cơ hội chính trị và một số “nhà nghiên cứu” đã có nhiều ý kiến xuyên tạc, phủ
nhận giá trị thơ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làm
tổn thương cả một thế hệ nhà thơ đã đóng góp tâm huyết, tài năng cho sự phát
triển của nền văn học nước nhà, nhất là xúc phạm đến những nhà văn, nhà thơ đã
anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Theo họ, dòng thơ này ra đời “theo sự chỉ đạo, đặt hàng của
Đảng mà không phải viết do cảm xúc, do tình người của nhà văn”; “là thứ thơ cổ
động, không có giá trị gì về nghệ thuật”. Lại có kẻ cho rằng, thơ thời kỳ kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là “quê mùa”, “tỉnh lẻ”, tác phẩm vì thế
“không thể vươn tới cõi thẳm sâu trong thế giới tinh thần mà hầu hết là tả thực,
vội vã, sống sượng, nên ít có tính tư tưởng, sức sống của tác phẩm như thế cũng
èo uột và ngắn ngủi” (!?).
Những ý kiến, lập luận nêu trên vừa không dựa trên thực tiễn
đời sống chiến đấu của quân dân ta trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, vừa
là cái nhìn phiến diện, lệch lạc, hàm chứa mưu đồ xấu xa là phủ nhận những giá
trị của thơ cách mạng kháng chiến thế kỷ 20, sâu xa hơn là phủ nhận toàn bộ giá
trị nền văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà.
Những kẻ xuyên tạc, chống phá đã cố tình lờ đi hay không hiểu
rằng, thời kỳ này, văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng đã vận động theo
hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Nhà thơ đồng
thời là một chiến sĩ, tác phẩm của họ trở thành vũ khí đắc lực góp phần cổ vũ
cuộc chiến đấu gian khổ, hào hùng của quân dân cả nước. Các tác giả đã gắn bó với
cuộc kháng chiến, được tôi luyện trong lửa đạn và nếm trải những gian lao, thử
thách nơi trận mạc, cho nên, trong giai đoạn này, “chất thép” và “chất thơ” đã
hòa quyện nhuần nhuyễn. Thơ cách mạng đã tới được những khái quát sâu sắc về đất
nước, con người, về hiện tại và tương lai, về dân tộc và thời đại, về lương
tâm, trách nhiệm và lẽ sống.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong 30 năm, thơ thời kỳ
kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã phát triển cả về chất lượng
và số lượng, trên cơ sở sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa
truyền thống và hiện đại. Nhất quán trong một quan niệm nghệ thuật tích cực, phục
vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, các nhà thơ không ngừng tìm tòi, sáng tạo, nhằm
tạo dựng một nền thơ xứng đáng với tầm vóc của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những đóng góp lớn lao của các nhà thơ chân chính và những
giá trị nhân văn cao cả của thơ cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc là
căn cứ thực tiễn và minh chứng sinh động để chúng ta phê phán, bác bỏ những luận
điệu xuyên tạc, phủ nhận dòng thơ này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét