Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, V.I.Lênin cho rằng công tác
kiểm tra là một nội dung, phương thức lãnh đạo quan trọng đối với các tổ chức
đảng, cơ quan nhà nước. Khi đã giành được chính quyền, một trong những nhiệm vụ
quan trọng, cấp thiết là phải tiến hành công tác kiểm tra và xây dựng được tổ
chức bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng; có trình độ, có năng lực và phẩm chất cách mạng, biết vượt qua mọi khó
khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những tư tưởng của
V.I.Lênin về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra là
những bài học có giá trị đối với Đảng Cộng sản Nga và Đảng Cộng sản Việt Nam
trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật
Đảng nói riêng.
Người còn khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm
tra, kiểm soát và coi đây là công cụ chắc chắn nhất để bảo vệ những mầm mống
của xã hội mới. Người yêu cầu Đảng, Nhà nước phải nắm chắc công tác kiểm tra,
V.I.Lênin nhấn mạnh: "Theo ý tôi, điều chủ yếu là chuyển trọng tâm từ việc
soạn thảo các sắc lệnh và mệnh lệnh (đấy là chúng ta u mê đến ngu xuẩn) sang
việc lựa chọn người và kiểm tra sự thực hiện. Đó là vấn đề then chốt nhất".
"Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then
chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy
lộn".
Người viết: “nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của giai đoạn không phải
là ra những sắc lệnh, tiến hành các cuộc cải tổ mà là lựa chọn người; thiết lập
chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc đang làm; kiểm tra công việc thực
tế”.
Như vậy, mục đích của công tác kiểm tra theo V.I.Lênin nhằm hoàn
thiện quy trình lãnh đạo của Đảng (bao gồm các khâu: ra quyết định, tổ chức
thực hiện quyết định và kiểm tra việc thực hiện); phát hiện người tốt, việc
tốt; ngăn ngừa vi phạm, giữ gìn kỷ luật của Đảng; thực hiện có kết quả cao nhất
các quyết định đã được đưa ra và xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, bộ máy nhà
nước, các đoàn thể xã hội ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Điều chúng ta cần lưu ý là việc hiểu về quy trình lãnh đạo bao gồm
các khâu cơ bản là: ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định và kiểm tra
việc thực hiện chỉ có tính tương đối về mặt nhận thức. Nếu trên thực tế tuyệt
đối hóa các khâu của quy trình lãnh đạo thành từng bước riêng rẽ như thực hiện
quy trình kiểm tra hiện nay là: bước chuẩn bị, bước tiến hành và bước kết thúc
sẽ dẫn đến sai lầm rất nghiêm trọng.
Trong quy trình lãnh đạo, khi tiến hành từng khâu thì luôn phải
tiến hành công tác kiểm tra. Kiểm tra ngay từ khi chuẩn bị ra quyết định để xem
quyết định đó có đúng hay không, kiểm tra lúc tổ chức thực hiện quyết định và
kiểm tra ngay cả những cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nếu máy
móc thực hiện tuần tự từng bước như để ra quyết định xong, tổ chức thực hiện
quyết định rồi mới tiến hành kiểm tra thì chúng ta đã biến công tác kiểm tra
thành việc đi “bới móc”, “vạch lá tìm sâu”, kiểm tra chỉ để thi hành kỷ luật
bởi đã ra quyết định sai, tổ chức thực hiện sai thì tất yếu khi kiểm tra chỉ
còn việc đánh giá xem có sai phạm nhiều hay ít, phải thi hành kỷ luật ở mức
nào. Kiểm tra phải được lồng vào tất cả các khâu sẽ có tác dụng ngăn chặn,
phòng ngừa sai phạm ngay từ khi mới manh nha từ lúc ra quyết định hoặc khi tổ
chức thực hiện. Trong thực tế, do nhận thức sai dẫn đến khi thực hiện đã tách rời
thành những khâu trong quy trình lãnh đạo thành độc lập, thậm chí biệt lập nên
hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật khi đứng trước
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng từng nói, giá mà các đồng chí kiểm tra phát
hiện sớm thì hậu quả không nặng nề như vậy.
V.I.Lênin cho rằng, làm tốt công tác kiểm tra sẽ đẩy mạnh cuộc đấu
tranh “chống chủ nghĩa quan liêu, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy óc sáng kiến,
nhằm phát hiện, lột mặt nạ và đuổi ra khỏi Đảng những kẻ lén lút chui vào
đảng”.
V.I.Lênin khẳng định, kiểm tra tốt sẽ góp phần đấu tranh chống
bệnh quan liêu, bệnh giấy tờ: “Trọng tâm công tác của các đồng chí chính là
chấn chỉnh lại công việc đang quan liêu đến ghê tởm của chúng ta, là đấu tranh
chống bệnh quan liêu giấy tờ, là kiểm tra việc thực hiện.
Kiểm tra việc thực hiện, kiểm tra xem cái gì diễn ra trong thực tế
- đó là nhiệm vụ chủ yếu và nhiệm vụ chính của đồng chí”.
CXN - H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét