(giữ
trọn lời thề) - Tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam, cùng với chủ nghĩa Mác –
Lê-nin đã và đang soi đường cho dân tộc ta vững bước đi lên trên con đường xây
dựng Chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước càng đi vào chiều
sâu thì tư tưởng Hồ Chí Minh càng thể hiện rõ giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, là nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn
quân ta.
Ngay từ
những năm 20 của thế kỷ XX, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Mác –
Lê-nin con đường cứu nước và phát triển đúng đắn cho dân tộc ta, Người đã khẳng
định: bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính
nhất, chắc chắn nhất là chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Bởi đây là thế giới quan, nhân
sinh quan, là dòng chủ lưu trong hệ dòng chảy của các luồng tư tưởng tiến bộ
trên thế giới. Tuy nhiên, các thế lực thù địch xưa nay vẫn luôn phủ định, xuyên
tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, và cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sai
lầm khi lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm cơ sở lý luận cho con đường phát triển
của xã hội Việt Nam. Chúng rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã sụp đổ hoàn
toàn cùng với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa; đó là thứ lý luận lỗi
thời, đang ngăn trở con đường đi lên của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, họ đã
lầm. Họ càng phủ nhận thì chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng
được tôn vinh, tỏa sáng, khẳng định giá trị. Xét cả về mặt lý luận và thực tế
cho thấy, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là lý luận chính trị cơ bản, mang tính định
hướng con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam; là khoa học về những quy luật
chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, về cuộc đấu tranh
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công, nô dịch
của đế quốc, phong kiến để xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Cùng với
đó, Hồ Chí Minh đã xác định đúng mục tiêu phát triển của dân tộc Việt Nam. Cương
lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam: làm tư sản
dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Nói cách
khác, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là tiến tới chủ nghĩa cộng sản, mà giai
đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội. Mục tiêu đó là duy nhất đúng, phù hợp với xu thế của thời đại. Sự lựa chọn
mục tiêu phát triển của dân tộc ta thuộc về Hồ Chí Minh; đồng thời, là điểm
quan trọng nhất của hệ thống các nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người.
Tư tưởng
Hồ Chí Minh chỉ rõ con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội là: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người,
nhằm đưa Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bức tranh toàn
cảnh của thế giới từ khi có chủ nghĩa Mác ra đời cho thấy có vô vàn con đường
đi đến mục tiêu. Đối với Việt Nam, lịch sử phát triển của dân tộc đã sàng lọc,
lựa chọn con đường phát triển một cách tự nhiên, không theo một mô hình cụ thể
nào. Với truyền thống yêu nước, các phong trào đấu tranh giành độc lập cho đất
nước Việt Nam theo tư tưởng tư sản đã diễn ra sôi nổi, nhưng đều bị thất bại
(tiêu biểu là hai phong trào do Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khởi xướng và
lãnh đạo). Chính vì thế, sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội mới có ý nghĩa mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam và chỉ có
chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo cho độc lập dân tộc được củng cố vững chắc. Đi
theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa - phong kiến,
mới trở thành một nước độc lập, tự chủ, có nền kinh tế phát triển bền vững, con
người được giải phóng khỏi ách áp bức, bất công, được phát triển tự do, toàn
diện, vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngày nay, đất nước ta hoàn toàn độc
lập, thống nhất, quyền con người, quyền công dân ngày càng được đảm bảo, vị thế
đất nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng được khẳng định. Việt Nam
không chỉ là biểu tượng của nhân loại tiến bộ trong đấu tranh giành độc lập dân
tộc, mà còn là biểu tượng của sự nỗ lực vươn lên trong công cuộc xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội. Nếu không đi
theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, thì Việt Nam sẽ không có độc lập
dân tộc thật sự, người dân Việt Nam sẽ mất địa vị làm chủ xã hội, không có cuộc
sống ấm no, tự do, hạnh phúc như hằng mong muốn.
Tư tưởng
Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cho việc tập hợp sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Nhắm tới mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt
Nam nhất thiết phải có lực lượng. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, sắc tộc, giàu nghèo, gái trai, vùng
miền,… mà nòng cốt là khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức. Thực tế
cho thấy, mọi người thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội đều có lợi ích
chung nhất là độc lập dân tộc, đất nước được phồn vinh, được sống trong ấm no,
tự do, hạnh phúc, các dân tộc, cộng đồng người trong quốc gia bình đẳng, dân
chủ, tương trợ nhau. Khối đoàn kết toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở
thành chiến lược cách mạng, có tính bền chặt, thủy chung, lâu dài. Lực lượng
của cách mạng Việt Nam là lực lượng của toàn dân tộc gắn kết với lực lượng tiến
bộ trên toàn thế giới; sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế; đoàn kết,
hợp tác với tất cả các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình, công lý trên cơ
sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Sự
trong sạch, vững mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết, quyết
định đảm bảo cho cách mạng Việt Nam luôn giành thắng lợi. Hiện nay, các thế lực
thù địch chĩa mũi nhọn vào việc chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi, Đảng ta
là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chúng tìm mọi cách để
thực hiện “diễn biến hòa bình”, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đòi phủ
nhận Điều 4, Hiến pháp 2013 của nước ta, v.v. Lúc thì công khai, khi thì ngấm
ngầm, chúng tìm mọi cách chia rẽ nội bộ, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân tộc,
chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan,…
nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, phủ nhận giá trị, làm lu mờ, mất sức
sống tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn
kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Tư tưởng
Hồ Chí Minh đã đưa ra hệ thống quan điểm về xây dựng một xã hội mới, xây dựng
văn hóa và con người Việt Nam với chuẩn mực đạo đức cách mạng. Xã hội mới ở đây
là xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là kết
quả của sự khái quát, tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế
giới; kế thừa và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại mà trực tiếp
nhất là lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện thực tế Việt Nam. Đặc
trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: có lực lượng
sản xuất phát triển cao, gắn với tiến bộ khoa học, kỹ thuật và văn hoá; có nền
tảng kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu và nguyên tắc phân
phối theo lao động; có chế độ chính trị do nhân dân làm chủ, nhà nước của dân, do
dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có hệ thống các quan hệ xã hội
công bằng, bình đẳng, dân giàu, nước mạnh, không còn chế độ bóc lột, áp bức,
bất công, không còn sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa
thành thị và nông thôn, v.v. Đó là xã hội mà con người được giải phóng triệt
để, có điều kiện phát triển toàn diện, có sự phát triển hài hòa giữa xã hội và
tự nhiên; là công trình lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân tự xây dựng;
có quan hệ hòa bình, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước vì sự
tiến bộ và phát triển. Những đặc trưng trên là hệ thống các giá trị xoay quanh
trục con người, lấy con người làm tâm điểm cho mọi sự phát triển. Vì thế, chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội của con người,
do con người, vì con người, đạt đến trình độ dân chủ triệt để, nhân văn cao cả
của loài người. Đạo đức cách mạng, thuộc lĩnh vực của văn hoá, là cái gốc của
sự phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức người cách mạng như
là cái gốc của cây, nguồn của sông, cái căn bản của một con người. Trong đó, trọng
tâm là thái độ đối với con người, lòng yêu thương, quý trọng con người, trước
hết là những người bị áp bức, bóc lột, những người cùng khổ; là trung với
nước, hiếu với dân. Theo Người, mọi cán bộ, đảng viên phải là những người lãnh
đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thật sự “cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư” - nội dung cơ bản của đạo đức - cái gốc sự phát triển
trong triết lý Hồ Chí Minh.
Tư tưởng
Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam
cho sự phát triển vững chắc của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, Đảng ta mới
xác định đúng đắn lập trường, quan điểm, đề ra cương lĩnh chính trị, hoạch định
đường lối, chủ trương, phương pháp cách mạng và phương châm chỉ đạo thực tiễn;
đề ra những nguyên lý và tổ chức thực tiễn công tác xây dựng Đảng. Đồng thời,
coi đó là vũ khí sắc bén để đấu tranh có hiệu quả chống lại các tư tưởng phản
động, sai trái; lãnh đạo toàn dân đi đúng hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển của
dân tộc, phù hợp với quy luật của thời đại mới và giành những thắng lợi vĩ đại.
Thực tế lịch sử ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, việc
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp tính chất của thời đại
mới và đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam. Thế nhưng, có người
muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin hoặc tìm mọi cách
đả kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh và “bôi đen” đạo đức của Người, nhằm
thực hiện cái gọi là “hạ bệ thần tượng”, lung lạc những người nhẹ dạ, cả tin,
phủ nhận những giá trị cơ bản, đúng đắn trong tư tưởng của Người. Cần phải
khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lê-nin có mối quan hệ
khăng khít, là một chỉnh thể làm thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho
hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là cơ sở, là nguồn
gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Không có chủ nghĩa Mác – Lê-nin thì không thể nào
có tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, cố tình đem tư tưởng Hồ Chí Minh tách rời,
thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác – Lê-nin là hoàn toàn không đúng về lý luận
và thực tiễn. Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, chỉ cần nêu tư tưởng Hồ Chí Minh
là đủ, hay tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở Việt Nam cũng là
quan điểm sai trái. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng sáng tạo và phát
triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, nhưng không có
nghĩa cách mạng Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Ý kiến này tưởng
như đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng kỳ thực lại là xuyên tạc và hạ thấp tư
tưởng của Người. Chỉnh thể làm nên hệ tư tưởng của cách mạng Việt Nam là: chủ
nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là giá trị không thể phủ nhận.
Khương Trần (TT)
1 nhận xét:
Nguyễn Phú Trọng đi CHẦU THIÊN TRIỀU
Đăng nhận xét