(giữ trọn lời thề) - "Bỏ qua thôi, gần 40 năm rồi" - Ông Nguyễn
Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở
nước ngoài (UBVNVNONN) luôn nhắc đi nhắc lại câu nói này trong suốt 10 ngày
(18.4 - 27.4) khi dẫn đầu đoàn kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Cựu thiếu úy thủy quân lục chiến Nguyễn Ngọc Lập (phải) cảm ơn bộ đội đảo Sơn Ca |
Hành trình của thiếu úy thủy quân lục
chiến VNCH
Không chỉ tôi mà rất nhiều người trong đoàn công tác ra thăm
Trường Sa, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ đón tiếp, bảo đảm cho đoàn tại Bộ Tư
lệnh Hải quân phía Nam, tàu HQ-571 đều rất ngạc nhiên khi thấy một người
đàn ông già nua, đầu húi cua, mắt gườm gườm, đi đâu cũng giơ tấm hình
chụp một thanh niên mặc trang phục rằn ri quân lực Việt Nam Cộng hòa
(QLVNCH) và nói: “Thiếu úy thủy quân lục chiến đấy, đã từng chỉ huy
trung đội thủy quân lục chiến đầu tiên tái chiếm Thành cổ Quảng Trị
và bị thương ở Triệu Phong”. Thậm chí ông không giấu: “Tôi là người
chống Cộng hàng đầu, ở ngay bên Mỹ”...
Hỏi ra mới biết, ông là Nguyễn Ngọc
Lập, 63 tuổi, sinh ra ở Hà Nội, vốn là cựu thiếu úy thủy quân lục chiến của
QLVNCH và sinh sống ở Mỹ từ năm 1993 đến nay. Thời gian trước, ông Lập được coi
là một nhân vật cực đoan khét tiếng ở khu Little Saigon (California, Mỹ)
thường làm thơ - đọc thơ chống Cộng, từng dẫn đầu 150 người biểu tình chống
Cộng rất rầm rộ.
Sự thay đổi của ông Lập, chỉ bắt đầu sau chuyến gặp gỡ với Thứ
trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn hai năm trước tại Mỹ và ngay trong tháng
3.2014, ông Lập được Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trực tiếp mời về Việt Nam, ra
thăm Trường Sa, với lý do rất đơn giản: “Chẳng cần anh thôi chống Cộng, mà về
thăm quê hương - gia đình và sửa sang lại bia mộ người thân!”.
Trở lại hải trình ra thăm Trường Sa của đoàn kiều bào, cuối tháng
4.2014: Không chỉ trên tàu HQ-571, mà ngay cả khi xuống thăm các đảo, đến đâu
ông Lập cũng ôm khư khư tấm hình chụp ngày xưa, tuy nhiên những lời “giới thiệu
quá khứ oai hùng” dần thưa thớt và cuối cùng tắt hẳn.
Phần vì có nói, mọi người cũng chỉ nghe và cười. Phần vì tuổi cao
sức yếu, loanh quanh đi lại trong nắng gió Trường Sa khắc nghiệt, cũng mệt.
Nhưng quan trọng nhất là ông Lập thực sự thấm thía trước tình cảm của các thành
viên đi cùng, sự ân cần chăm sóc của bộ đội trong từng bữa ăn, xốc vai đưa
xuống xuồng, chiếc mũ cứng Hải quân gắn quân hiệu, đôi dép nhựa đúng cỡ đi khít
chân...
Vậy nên ngay trên đảo Sinh Tồn, ông Lập đã đứng nghiêm trang chào
quốc kỳ.
Lên đảo Trường Sa, căn bệnh cũ của ông Nguyễn Ngọc Lập tái
phát, phải đưa vào bệnh xá của đảo điều trị. Vừa lúc thiếu tướng Lê Minh Thành,
Phó tư lệnh Hải quân ra kiểm tra công tác chuyên môn tại đảo, bằng máy bay trực
thăng EC-225 mới cứng của Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân. Biết chuyện, thiếu
tướng Lê Minh Thành đề nghị đưa ông Lập lên máy bay cùng về lại đất liền để đảm
bảo điều trị tốt nhất. Máy bay vừa hạ cánh, xe cứu thương của Quân y viện 87 -
Nha Trang (gần căn cứ của Lữ đoàn 954) đã đợi sẵn, đưa ngay ông Lập về viện cho
vào phòng điều trị tốt nhất.
Gửi thư (viết ngày 25.4) đến Ban giám
đốc cùng toàn thể y bác sĩ Quân y Viện 87, viên cựu thiếu úy thủy quân lục
chiến xúc động: “Tôi đã được trực thăng cấp cứu đưa đến Bệnh viện Quân y 87.
Tôi đã được chăm sóc chu đáo, tận tâm... Vậy tôi viết vài dòng để tỏ lời biết
ơn và làm nhân chứng cho sự thật. Về nước, tôi sẽ cổ động tinh thần hòa giải
hòa hợp dân tộc và giúp một tay xây dựng đất nước và tìm cách gởi về các
dụng cụ y tế”...
Thông điệp hòa hợp
Liên tục trong 3 năm liền tổ chức đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa
- nhà giàn DK1, nên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn rất rành rẽ các
công tác tổ chức và thông thuộc đường đi, lối lại trên tàu - trên đảo như... ở
nhà.
Ông David Nguyễn (bên phải) và ông Nguyễn Ngọc Lập (mặc áo vét) cùng Thứ trưởng Sơn (giữa) tại Nghĩa trang Bình An |
Đứng nói chuyện với tôi ngay trên mạn tàu, Thứ trưởng Sơn kể:
“Trước khi xuất phát, khi báo chí đăng tải cuộc phỏng vấn về ý nghĩa chuyến đi
hòa hợp này, rất nhiều ý kiến từ địa phương cho đến Trung ương phản đối tôi
kịch liệt, đòi đưa ra xử lý. Thậm chí dọc hành trình, tôi cũng nhận được tin
nhắn từ đất liền phản ứng, chỉ đạo này khác” và nhất quán: “Tôi đang làm đúng
Nghị quyết 36. Nếu tôi sai, tôi xin chịu trách nhiệm”.
Những gì Thứ trưởng Sơn nói và làm, đã được các kiều bào nhiệt
liệt ủng hộ.
Suốt 10 ngày hành trình trên biển, dừng thăm các đảo: Song Tử Tây,
Sơn Ca, Sinh Tồn, Đá Thị, Đá Tây, Đá Lát, Đá Nam, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn
và nhà giàn DK1, những người Việt Nam ở nước ngoài đã tận mắt chứng kiến khó
khăn, gian khổ, sự hi sinh lớn lao của bộ đội đảo và họ không chỉ sẻ chia phần
vật chất mang theo dùng hằng ngày như bao thuốc, túi hoa quả, hộp kẹo, gói
bánh.... mà còn góp với nhau từng đồng tiền để tặng không chỉ bộ đội đảo mà cả
bộ đội, tổ phục vụ trên tàu.
Buổi chiều 27.4.2014, chỉ mấy tiếng sau
khi tàu HQ-571 cập cảng Cát Lái (TP.HCM), kiều bào đã cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại
giao Nguyễn Thanh Sơn lên xe đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Dương và đặc
biệt là thăm viếng, thắp hương các phần mộ sĩ quan, binh sĩ QLVNCH đang nằm tại
Nghĩa trang nhân dân Bình An (Dĩ An, Bình Dương hay còn gọi là nghĩa trang quân
đội VNCH cũ).
Tại đây, Thứ trưởng Sơn cùng các kiều bào đã đóng góp gần 20 triệu
đồng để tu sửa, tôn tạo một số ngôi mộ bị xuống cấp, hư hỏng do thời gian.
Những người chống Cộng nhất như cựu thiếu tá biệt động quân Nguyễn Phương Hùng,
thiếu úy thủy quân lục chiến Nguyễn Ngọc Lập, ông David Nguyễn đều rưng rưng
xúc động...
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn ngắn gọn:
“Muốn hòa hợp hòa giải thì mình phải thể hiện bằng việc làm, đừng có nói suông
và giáo điều rỗng tuếch!”. Ông khoát tay khắp nghĩa trang Bình An xanh mướt cây
lá: “Chúng tôi đã đưa các vị ra tận Trường Sa thăm tận mắt, sờ tận tay. Chúng
tôi mời các vị xuống thăm tận nơi đồng đội các vị đang nằm. Đấy có thật
không?”...
Lư hương giữa nghĩa trang Bình An đang lập lòe, bỗng cháy bùng lửa
đỏ, khói hương thơm ngát giữa thinh không tháng 4.2014 xanh cao vòi vợi hi
vọng. Thứ trưởng Sơn ngẩng đầu: “Bỏ qua thôi, gần 40 năm rồi!”...
Theo Báo Thanh Niên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét