Quốc tế III – tổ chức quốc tế của
giai cấp vô sản – được thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1919 tại Mát-xcơ-va (Liên
Xô).
Về “địa vị lịch sử của quốc tế III”,
V.I.Lê-nin đã viết: “Ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Quốc tế III, Quốc tế
Cộng sản, là ở chỗ nó đã bắt đầu thực hiện khẩu hiệu vĩ đại nhất của Mác, khẩu
hiệu tổng kết thực tiễn trong một thế kỷ của CNXH và của phong trào công nhân,
khẩu hiệu biểu hiện bằng khái niệm: chuyên chính của giai cấp vô sản”1.
Nét đặc trưng nhất của Quốc tế
III là gắn với sự ra đời của CNXH, mở đầu là Liên bang cộng hòa
XHCN xô viết (Liên Xô), đã khẳng định sự đúng đắn của V.I.Lê-nin và Đảng Cộng
sản Nga, kiên định thực hiện khẩu hiệu nói trên trong vận dụng
sáng tạo chủ nghĩa Mác, chống chủ nghĩa cơ hội các màu sắc, chống trào lưu
xã hội-dân chủ.
Tính sáng tạo trong vận dụng chủ nghĩa Mác
của Quốc tế III là đã thống nhất nhận định của V.I.Lê-nin về sự phát triển của
thời đại cho phép thay đổi luận điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen: cách mạng vô sản
không thể nổ ra ở một nước riêng biệt, bằng luận điểm mới: cách mạng có thể nổ
ra và giành thắng lợi ở riêng một nước, nơi tập trung những mâu thuẫn gay gắt
làm cho nước đó trở thành mắt xích yếu nhất của hệ thống đế quốc.
Quốc tế III và V.I. Lê-nin đã quan
niệm đúng chủ nghĩa Mác không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động
và làm sáng tỏ cơ sở thực tiễn của sự thay đổi luận điểm đã
nêu trên. Đó là sự chuyển hóa chủ nghĩa tư bản (CNTB) thời kỳ tự do cạnh tranh
thành CNTB độc quyền - chủ nghĩa đế quốc, với quy luật phát triển không đều về
kinh tế và chính trị của CNTB đã khiến trong hệ thống CNTB xuất hiện khâu yếu ở
một nước riêng lẻ, mà ở đó, đội tiền phong của giai cấp công nhân thực hiện
được sự liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, nắm bắt
được thời cơ thì có thể phát động quần chúng cách mạng, giành chính quyền và
xây dựng CNXH. Việc xây dựng CNXH trong một nước thành công là hoàn toàn có khả
năng thực hiện. Sự dũng cảm sáng tạo này không xa rời nguyên tắc mà
đã quán triệt sâu sắc khẩu hiệu vĩ đại nhất của C.Mác: thiết lập nền
chuyên chính vô sản thay cho nền chuyên chính tư sản; thực hiện chế
độ dân chủ vô sản, ưu việt gấp triệu lần dân chủ tư sản, ở chỗ “lần đầu
tiên trên thế giới…kiến lập chế độ dân chủ cho quần chúng, cho những người lao
động, cho công nhân và tiểu nông”, mà “trước đây trên thế giới chưa có một
chính quyền nhà nước nào do đa số quần chúng nắm giữ, một chính quyền thật sự
là của đa số này”2. Liên Xô đã xóa bỏ bóc lột và trở thành một cường
quốc, đã chiến thắng trong Đại chiến thế giới thứ Hai, chẳng những cứu Tổ quốc
Xô-viết mà còn cứu nhân loại khỏi họa phát xít và còn tạo điều kiện cho sự ra
đời hệ thống XNCN thế giới.
Trong 24 năm tồn tại, với Cương
lĩnh, chiến lược, sách lược cách mạng của mình, Quốc tế III đã hiện thực hóa
chủ nghĩa Mác trong xây dựng và bảo vệ CNXH ở một nước và củng cố, đoàn kết,
phát triển phong trào công nhân và cộng sản trên toàn thế giới. Quốc tế III đã
kiên định tính giai cấp và tính quốc tế của
phong trào công nhân và cộng sản trong hoàn cảnh phải chống lại sự điên
cuồng chống Cộng, chống CNXH từ bên ngoài và sự đối lập bên trong phong trào từ
hai phía của chủ nghĩa cơ hội : một phía, như trên đã nêu, là các Đảng xã hội
phi mác xít đã ủng hộ nhà nước tư sản trong chiến tranh với danh nghĩa bảo vệ
“nước mình”, đẩy giai cấp công nhân các nước vào cuộc tàn sát lẫn nhau và một
phía khác, đánh đòn phản kích, phê phán cuộc cách mạng Nga thực hiện luận điểm
“cách mạng vô sản có thể thành công trong một nước” của V.I.Lê-nin là có “tính
chất hẹp hòi dân tộc”. Đồng thời, Quốc tế III cũng đã chủ trương liên hiệp giai
cấp vô sản với các dân tộc bị áp bức, ủng hộ phong trào đấu tranh của các dân
tộc thuộc địa ở các châu lục: Á, Phi, Mỹ la-tinh, trong đó có Việt Nam, khi chủ
trương lập Mặt trận nhân dân ở các nước, tập hợp rộng rãi các
lực lượng dân chủ chống chủ nghĩa phát-xít.
Sau hơn 70 năm xây dựng CNXH,
Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ là một thảm họa của phong trào công
nhân, cộng sản quốc tế và các dân tộc đang chọn con đường XHCN để phát triển.
Nguyên nhân của thảm họa này bắt nguồn từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan,
trong đó về mặt chủ quan, trực tiếp có sai lầm của Đảng Cộng sản, nhà nước Liên
Xô, các nước Đông Âu đã xa rời những vấn đề nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lê-nin
và thiếu cảnh giác với chủ nghĩa cơ hội, với âm mưu của các thế lực thù địch
trong cải tổ, đổi mới. Sự kiện đó đã làm cho những kẻ chống cộng trên thế giới
có cơ hội để ra sức bôi nhọ chế độ XHCN, lên án Quốc tế III, đả kích các Đảng
Cộng sản, bác bỏ tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Họ lắp đi
lắp lại những luận điệu như: Quốc tế III cũng như chuyên chính vô sản ở Liên Xô
và các nước XHCN là chuyên chế cá nhân, là sự thống trị bằng bạo lực, là sự
tước đoạt quyền tự do cá nhân, là vi phạm nhân quyền. Họ cố tình phủ nhận những
thành quả giành được đối với nhân dân các dân tộc dưới chế độ XHCN và lờ đi
việc các Nhà nước tư sản vay mượn ở những thành quả của Nhà nước XHCN trong
quản lý điều hành kinh tế-xã hội để điều chỉnh CNTB “hậu công nghiệp”. Họ cũng
lảng tránh vì sao chủ nghĩa Mác ngày nay vẫn được giới trí thức tiến bộ trên
thế giới tôn vinh và vì sao hiện nay, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn
cầu, người ta tìm đọc lại “Tư bản” của C.Mác.
Về hoạt động thù địch này, nhà triết
học mácxít Anh Maurice Cornforth đã có một nhận xét có tính tổng kết như sau :
“Một lẽ hoàn toàn tự nhiên (và thậm chí là tất yếu) là khi các Đảng mácxít mắc
phải những sai lầm và mắc vào thế nan giải, thì kẻ thù của họ ngay lập tức
tuyên bố rằng chủ nghĩa Mác có lỗi về mọi tai họa ấy và sau đó nhiều năm chúng
còn tiếp tục nhắc lại lời buộc tội ấy. Hơn nữa khi các Đảng mác xít sửa chữa
sai lầm của mình, kẻ thù của họ lạm dụng điều đó và kêu lên: “A ha, các anh cho
rằng chủ nghĩa Mác của các anh đã không mang lại một điều gì tốt đẹp cho các
anh, mà chỉ dẫn các anh tới những sai lầm”3.
Tệ hại hơn, trong lúc những người
mácxít dốc những nỗ lực to lớn phân tích sai lầm để rút ra những bài học kinh
nghiệm cho phong trào và cho sự lãnh đạo của Đảng thì các thế lực thù địch bằng
mọi thủ đoạn “khuếch trương chiến quả”, tiếp tục mưu đồ “chiến thắng không cần
chiến tranh”, chia rẽ lãnh đạo với quần chúng, gây mất niềm tin của nhân dân
với Đảng Cộng sản, xúc tiến chế độ đa đảng đối lập, nhằm làm mất ổn định nội
bộ, thực hiện mục tiêu của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ bằng
sự “tự diễn biến” bên trong ở các nước XHCN còn lại và ở các nước không nằm
trong “vòng kim cô” đế quốc cực quyền.
Nước ta cũng là một trọng điểm của
chiến lược “Diễn biến hòa bình” đó. Các thế lực chống độc lập dân tộc và CNXH
bằng nhiều thủ đoạn liên kết với nhau, nhằm mục tiêu trước mắt là phi
hệ tư tưởng hóa Đảng và Nhà nước, phi chính trị hóa quân đội và
nhân dân, trước hết là thanh niên. Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời
điểm hiện nay, khi Đảng đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn gần 20
năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
CNXH để bổ sung, phát triển, họ tận dụng thời cơ, bằng mọi cách tác
động, ngoài các phương tiện truyền thông hiện đại, họ còn lợi dụng sự ngộ nhận
trong một số đảng viên, cán bộ thiếu kiên định để truyền bá những quan điểm
chính trị chống đối. Họ lặp đi lặp lại luận điệu “chủ nghĩa Mác là không
tưởng”, chế diễu ý tưởng của C.Mác về một xã hội cộng sản trong tương lai phân
phối theo nhu cầu. Họ quan niệm viễn cảnh mà C.Mác vạch ra hết sức thiển cận,
tựa như dự báo khoa học của C.Mác sẽ được hiện thực hóa trong một thời gian
ngắn; trong lúc đó họ lại chống học thuyết Mác về đấu tranh giai cấp, về sự
thắng lợi tất yếu của CNXH để mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
Họ cho rằng chủ nghĩa Mác là không
thích hợp với Việt Nam, bởi xuất xứ từ châu Âu và hiện nay đã lỗi thời, bởi ra
đời từ thế kỷ 19. Khi nói về mặt lịch sử, phản ánh của học thuyết Mác, Chủ tịch
Hồ Chí Minh cho rằng học thuyết đó có thể chưa phải toàn thể nhân loại, song
điều cần thiết nhất là cán bộ, đảng viên khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê-nin phải
sáng tạo và bổ sung, phát triển. Còn để đánh giá một học thuyết thích hợp, hợp
thời hay không, thì lại phải xem xét chủ nghĩa Mác ở góc độ tư duy khoa học
về mối quan hệ giữacái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù,
mối quan hệ giữa lô-gich và lịch sử. Cho dù phương Đông nói chung, Việt Nam
nói riêng, có mang những nét riêng biệt của phương thức sản xuất Á châu, cũng
không tách khỏi cái chung, cái phổ biến quy định lô-gich nội tại của lịch sử
loài người phát triển theo quá trình lịch sử tự nhiên, phương thức sản xuất sau
tiến bộ hơn phương thức sản xuất trước, mà C.Mác đã khái quát hóa thành hệ
thống luận điểm duy vật lịch sử, trình bày trong “Lời tựa” tác phẩm “Góp phần
phê phán khoa kinh tế chính trị”. Cho đến nay, chưa có một học thuyết nào vượt
qua đỉnh cao hệ thống luận điểm đó. Lực lượng chống đối thường dựa vào những
luận điểm chính trị trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” chưa biểu hiện trong
thực tiễn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn mới, để bác bỏ chủ nghĩa Mác,
điều mà ai cũng hiểu rằng C.Mác, Ph.Ăng-ghen luôn căn dặn, "việc áp dụng
những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời"4.
Từ sự bác bỏ chủ nghĩa Mác như trên,
người ta phê phán việc Đảng Cộng sản “tìm xu hướng phát triển của Việt
Nam từ học thuyết Mác - Lê-nin, từ lý luận thời kỳ quá độ của V.I.Lê-nin là
cách tìm sai lầm”. Họ quy nguyên nhân một số sai lầm của Đảng và Nhà nước ta
trong hoạch định đường lối và chỉ đạo thực tiễn xây dựng CNXH mà Đảng đã nghiêm
khắc kiểm điểm và sửa chữa, là tại Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm nền tảng
tư tưởng và thực hiện chiến lược, sách lược của Quốc tế III. Họ khuyên Đảng từ
bỏ con đường XHCN và xóa bỏ trong Cương lĩnh điểm “lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm
nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Họ đòi Quốc hội bỏ Điều
4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và tác động để Nhà nước ta bỏ chương
trình giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lê-nin tại các trường đại học.
Họ cũng bác bỏ điểm diễn đạt “tư
tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam”,
chỉ thừa nhận một vế “tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành từ tư tưởng dân tộc Việt
Nam”. Động cơ thực sự của họ là đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ cốt để bác bỏ
hệ tư tưởng Mác-Lê-nin, bác bỏ con đường XHCN mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
Họ luận giải tư tưởng của Người như thuần túy mang tính dân tộc, có
nghĩa là không mang nội dung giai cấp. Trong khi đó, khi đề cập đến “Con đường
dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ cảm xúc “vui mừng
đến phát khóc lên” khi Người đọc Luận cương của V.I.Lê-nin về dân tộc và thuộc
địa, tìm được con đường giải phóng cho dân tộc mình, khiến cho Người hoàn toàn
tin theo V.I.Lê-nin, tin theo Quốc tế III. Người cho rằng: "Bây giờ học
thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất,
cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin” và “Việt Nam muốn cách mạng thành công thì
tất phải nhờ đệ tam quốc tế”. Bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cũng là gián tiếp
bác bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, xét về nguồn gốc lý
luận, thuộc hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, với tính đặc thù là kết hợp
nhuần nhuyễn với văn hóa Việt Nam, bao gồm trong đó tinh hoa văn hóa phương
Đông Việt Nam hóa , mà thành công của Người là nắm vững “linh hồn sống”, lập
trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chỉ như thế mới có
thể giải quyết đúng đắn, sáng tạo những vấn đề thực tiễn cách mạng.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quốc
tế III trong tình hình hiện nay có ý nghĩa thiết thực đối với việc tổng kết
kinh nghiệm, phát triển lý luận để định ra cương lĩnh, con đường và bước đi
thích hợp với đặc thù cách mạng từng khu vực và mỗi quốc gia; tạo sự chuyển
biến tiến bộ xã hội phù hợp với quy luật phát triển lịch sử trongthời đoạn
trước mắt của thời đại, khi hòa bình và phát triển là xu thế chủ đạo,
những thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại trên thế giới, xu thế toàn cầu hóa
kinh tế, đa cực hóa thế giới, đang tạo ra cơ hội để mỗi nước ở các trình độ
phát triển khác nhau tận dụng nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong
tình hình đó, bài học của Quốc tế III về tính kiên định trong bảo vệ và
phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chống chủ nghĩa chống cộng và chủ nghĩa cơ
hội vẫn đang sống động và mãi mãi có ý nghĩa hiện thực đối
với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong thời đại quá độ từ CNTB lên
CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
_____________
1- V.I..Lê-nin - Toàn tập,
Tập 38, Nxb Tiến bộ, Mát-cơ va, 1978, tr. 364.
2- Sđd, tr. 369.
3- Sách “Triết học mở và xã
hội mở”, Nxb Khoa học xã hội, H. 2002 , tr. 357.
4- C.Mác - Ph.Ăng-ghen -Tuyển tập,
Tập 1, Nxb ST, H. 1980, tr. 504.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét