CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Nhận dạng các chiêu trò giăng bẫy thanh niên trên mạng xã hội

          Việt Nam hiện có hơn 36 triệu người sử dụng internet, trong đó hơn 32 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Riêng Facebook, Việt Nam có 30 triệu người sử dụng. Thời gian dùng internet của người Việt Nam hiện đạt mức trung bình 26,2 giờ mỗi tháng, đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Trong đó, 78% số người dùng mạng xã hội ở độ tuổi thanh niên, từ 18 đến 35 tuổi. Xu hướng phụ thuộc vào mạng xã hội đang lấn lướt trong đời sống thanh niên; thậm chí khá nhiều người trẻ xem mạng xã hội như một chất “gây nghiện”, sống phụ thuộc, không thể tách rời. Cùng với những tiện ích không thể phủ nhận thì mạng xã hội cũng là “con dao hai lưỡi”, rất có hại với thanh niên nếu thanh niên không được trang bị kỹ năng sống tích cực.

          Các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông phi chính thống, nhất là các phương tiện truyền thông mới (New Media) để bủa vây thông tin, đặc biệt tập trung “thả mồi giăng mắc” những đối tượng non nớt chính trị hoặc kích động những đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan ở trong nước và lưu vong, trong đó có không ít thanh niên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên trẻ trong hệ thống chính trị nước ta. Âm mưu của họ là dựng lên những “ngọn cờ” đi đầu trong việc tập hợp lực lượng trẻ để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta, Nhân dân ta. Họ còn thực hành một kiểu tuyên truyền mị chính trị thâm hiểm ru ngủ, dùng những luận điệu xảo biện núp bóng “chân lý”, “lẽ phải” nhưng thực chất hoàn toàn phản khoa học, tác động kiểu "mưa dầm thấm lâu" ngõ hầu làm đối tượng bị tác động mất phương hướng, lung lạc lập trường, quan điểm, mộng mị, mơ hồ về nhận thức chính trị; cố tình khoét sâu, bôi đen những thiếu sót của Đảng ta để những cán bộ, đảng viên trẻ thêm thiếu tin tưởng, dao động, nước đôi, cơ hội, hoạt đầu chính trị. Đây đều là những nguy cơ hết sức nguy hiểm, được các thế lực thù địch rắp tâm thực hiện lâu dài, cùng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.
           Cho tới hôm nay, vẫn có một số người nói rằng: Chúng ta có kẻ thù thật sự không hay đang tự dựng lên kẻ thù, tưởng tượng ra kẻ thù “Diễn biến hòa bình”; và tự mình “thần hồn nát thần tính”, tự rơi vào sự huyễn hoặc rồi tự hoang mang, hoảng sợ. Có bạn trẻ lại nói: Trong một thế giới phẳng, hòa bình, xu thế dân chủ đang là tất yếu hiện nay, các quốc gia đều là bạn của nhau, là đối tác của nhau, chúng ta làm gì có kẻ thù, làm gì có "diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà phân vân, rồi cần cảnh giác “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không khéo lại rơi vào trạng thái phòng vệ tưởng tượng, chỉ tổ làm nao lòng, làm rối nội bộ, làm phân tâm “những người yêu nước” đang chuyên tâm và nỗ lực không ngừng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những phỏng đoán kiểu ấy kỳ thực đã khiến cho không ít người ảo tưởng và nghĩ thế; không ít cán bộ, đảng viên, một bộ phận không nhỏ trong chúng ta chủ quan và tin thế; thậm chí không ít người trong chúng ta thành ra hoặc là chểnh mảng, thờ ơ hoặc mơ hồ, coi thường, xem những chuyện ấy là “chuyện ở đâu đó”, “của ai đó” và đâm ra mất cảnh giác”.
          Hàng loạt câu chuyện đau lòng của các bạn trẻ đã “dính bẫy” các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội. Cách đây không lâu, đối tượng cầm đầu vụ án kích động biểu tình ở Đồng Nai đã khai nhận làm thuê cho một website vốn có thái độ thù địch với Việt Nam có máy chủ đặt tại nước ngoài. Đối tượng này có nhiệm vụ tập hợp các hình ảnh khiếu kiện đông người rồi sửa lại nội dung để gửi cho website đó. Từ tài liệu này, kẻ điều hành website dùng kỹ thuật vi tính chỉnh sửa rồi tạo ra “người đang bị đàn áp” kèm theo “phỏng vấn nạn nhân” để tung lên mạng hòng vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp công dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền. Sự nham hiểm của các thế lực thù địch ở chỗ, chúng âm thầm thông qua mạng xã hội để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ trẻ. Chính vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng cách, không bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, làm thế nào để không vô tình trở thành những cái máy nhân bản những thông tin xuyên tạc, bịa đặt; các luận điệu sai trái, thù địch, những thông tin không có lợi cho sự phát triển của đất nước là điều mà mỗi người sử dụng mạng xã hội phải thực sự quan tâm.
          Thủ đoạn lập ra các diễn đàn trên mạng xã hội, lúc đầu còn tỏ ra “chân lý”, “lẽ phải”, sau đó mới tập hợp, lôi kéo thanh niên. Các thế lực thù địch, phản động lập ra ngày càng nhiều diễn đàn, trang thông tin mạng, fanpage... để tuyên truyền, xuyên tạc về Đảng Cộng sản Việt Nam. Âm mưu của họ là thành lập những nhóm thanh niên và tiến tới thành lập tổ chức thanh niên bị kích động, chịu ảnh hưởng của chúng. Âm mưu của chúng rất rõ ràng, nhưng nhiều thanh niên vẫn rất mơ hồ về chính trị, không chịu học tập, tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhận thức sơ sài cùng tâm lý hiếu thắng, chuộng cái mới lạ, khiến nhiều bạn trẻ dễ bị dao động, lôi kéo, không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.
          Để thu hút người truy cập, các thế lực phản động đã sử dụng việc thiếu nhận thức về an toàn thông tin của người sử dụng internet nhằm lừa người dùng truy cập vào các thông tin hấp dẫn, nhạy cảm thông qua các đường dẫn chia sẻ và các mạng xã hội. Thậm chí, các thế lực phản động còn sử dụng kỹ thuật tấn công mạng để sử dụng chính danh tính của người dùng bị tấn công đó và chia sẻ cho bạn bè của người đó. Điều này khiến cho nhiều người dùng dễ dàng mắc mưu của các thế lực thù địch và phản động, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu trên các mạng và các diễn đàn. Trong khi đó, tình hình mất an toàn thông tin ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều người sử dụng internet ở nước ta chưa nhận thức đầy đủ về hiểm họa mất an toàn thông tin. Theo báo cáo của các hãng bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin ở Việt Nam là rất cao với gần 50% người dùng có nguy cơ nhiễm mã độc khi sử dụng internet và Việt nam hiện đứng thứ 5 thế giới về lượng máy tính nhiễm mã độc cao...

          Các chiêu trò giăng bẫy thanh niên trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, đa dạng và phát triển. Nhận biết, phòng tránh và đấu tranh với chúng là vấn đề rất quan trọng với thanh niên khi tham gia vào mạng xã hội.
TranQuocDung-SPQS

0 nhận xét: