Trò giả danh dân chủ, nhân quyền, yêu nước để kích động chống phá chế độ
và Nhà nước Việt Nam đang được các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính
trị ráo riết thực hiện với những âm mưu và thủ đoạn mới. Chúng ta cần nhận thức
đúng, vạch trần và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những mưu đồ của chúng.
Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế của
Đảng và Nhà nước ta hiện nay đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới.
Cùng với nỗ lực phấn đấu để vượt qua những tác động tiêu cực từ khủng hoảng
kinh tế thế giới, chúng ta còn phải đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và
quần chúng; đồng thời, đối phó với những diễn biến hết sức phức tạp để giữ gìn
an ninh, chủ quyền biển, đảo của đất nước. Trong bối cảnh đó, các lực lượng
chống phá tăng cường lợi dụng những khác biệt về bản sắc văn hóa, dân tộc,
truyền thống, tính cách người Việt Nam, ra sức cổ súy dân chủ, nhân quyền giả
hiệu, ngoại lai, kích động lòng yêu nước cực đoan hòng tạo ra sự đối lập giữa
quần chúng nhân dân với Đảng, chế độ và chính quyền.
Việc các thế lực thù địch dựng lên chiêu bài dân chủ,
nhân quyền, yêu nước để chống phá Việt Nam không phải là vấn đề mới. Song,
những mưu mô, thủ đoạn và cách thức tổ chức hoạt động của chúng là vô cùng xảo
quyệt, thâm hiểm. Chưa bao giờ người ta thấy có nhiều cá nhân, hội nhóm, tổ
chức tự xưng với danh nghĩa dân chủ, nhân quyền, yêu nước như những năm gần đây.
Sự chống phá, kích động của các thế lực thù địch, chống đối nhằm chia rẽ nội bộ
ta càng gay gắt, quyết liệt. Việc đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, vai trò độc
tôn lãnh đạo dân tộc và con đường phát triển đất nước theo chủ nghĩa xã hội là
điều đã được các thế lực chống cộng liên tục đặt ra với Việt Nam trong nhiều
năm qua. Đó cũng là mấu chốt, nguyên nhân sâu xa nhất tạo ra thù địch đối với
Việt Nam .
Điều đó còn lý giải cho một thực tế là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử
trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đánh giá cao, nhưng các thế lực chống
đối vẫn ra sức bôi đen, xuyên tạc một cách trắng trợn.
Hiện nay, quyền con người, quyền công dân của mọi cá nhân
được Nhà nước Việt Nam đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật và thể hiện rõ trong
thực tiễn, hoàn toàn phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Nhưng vẫn có
những thế lực cố tình xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu dân chủ, nhân quyền
của chúng ta. Việc nói theo giọng lưỡi phương Tây của các nhà “dân chủ, nhân
quyền” tự xưng nào đó ở Việt Nam
hiện nay chỉ là sự phụ họa lạc lõng. Những ai quan tâm đến dân chủ, nhân quyền
đều thấy rằng nó có những tiêu chí cơ bản chung mà mọi quốc gia đều phải phấn
đấu thực hiện. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sẽ có một “bản mẫu”
có thể sao chép, so sánh, áp dụng đối với mọi quốc gia. Bởi lẽ, mỗi nước có một
hoàn cảnh lịch sử, chế độ xã hội, trình độ kinh tế, tập quán, truyền thống văn
hóa,… khác nhau. Sự áp dụng, so sánh về dân chủ, nhân quyền một cách máy móc là
khiên cưỡng, lố bịch.
Trong mưu đồ chuyển hoá chế độ cộng sản thông qua đấu
tranh dân chủ, nhân quyền, điều các thế lực thù địch quan tâm nhất là áp dụng
những bài học về “cách mạng sắc màu” vào Việt Nam. Trên thực tế chúng đã đạt
được những kết quả nhất định ở một số nước trên thế giới. Vì thế, ở Việt Nam,
chúng tăng cường các hoạt động truyền thông giả tạo, kích động kết hợp với trợ
giúp đắc lực về tài chính, phương tiện,… tạo dựng những ngọn cờ chống đối, bất
đồng chính kiến để lừa gạt nhân dân trong nước và dư luận quốc tế,… hòng xóa bỏ
vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ chính trị ở nước ta.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ
truyền thông, mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực là làm cho sự truyền bá, phát
tán các thông tin một cách nhanh chóng, rộng khắp, phục vụ đắc lực cho nhu cầu
của người dân và chính quyền; nhưng cũng có mặt tiêu cực, bị thế lực thù địch,
những kẻ xấu, những nhà dân chủ giả hiệu lợi dụng tối đa cho việc truyền bá
những luận điệu xuyên tạc, tạo ra sự hư ảo, lung lạc nhận thức tư tưởng đối với
nhiều người. Điều đặc biệt nguy hiểm khi chúng sử dụng để phát động các chiến
dịch gọi là “dân chủ”, “nhân quyền”, “yêu nước” nhằm mục đích chống phá; đồng
thời, phương tiện này còn tạo điều kiện để các hoạt động chính trị mờ ám có thể
tồn tại và nuôi sống các nhà đầu tư “dân chủ”. Thời gian gần đây, đi liền với
sự phát triển của phương tiện thông tin truyền thông, nhất là các trang mạng xã
hội, còn có sự ra đời của nhiều hình thái vận động dân chủ, nhân quyền, yêu
nước mới. Có không ít phong trào núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, “yêu nước…
đã được phát tán qua in-tơ-nét. Thực chất, đó chỉ là những chiêu trò dân chủ
trá hình, mượn cớ các sự kiện chính trị – xã hội để chống phá chế độ. Các hoạt
động giả danh dân chủ, nhân quyền, yêu nước đã được một số cơ quan truyền thông
và tổ chức nước ngoài khuyến khích, tài trợ và được một số nhân vật chống cộng
cực đoan trong giới chức dân biểu nước ngoài cũng tham gia, vô cùng xấu xa,
đáng lên án.
Giá trị về dân chủ, nhân quyền, yêu nước là điều rất đỗi
thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Để có giá trị đó là cả một quá
trình xây dựng, đấu tranh, gìn giữ bằng xương máu và công sức của các thế hệ
người Việt Nam .
Cảnh giác với những chiêu trò giả tạo về dân chủ, nhân quyền, yêu nước là sự
cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh quốc tế
đầy biến động và phức tạp hiện nay./.
NguyenVanManh-KTT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét