Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại
của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Người không chỉ để lại di sản
tư tưởng lớn lao trên nhiều lĩnh vực lý luận và thực tiễn cách mạng mà còn là
tấm gương đạo đức cách mạng, phong cách mẫu mực, trong sáng để toàn Đảng, toàn
dân noi theo, trong đó phong cách dân chủ là một trong những nét đặc sắc trong
tư tưởng đạo đức và nhân cách của Hồ Chí Minh. Phong cách dân chủ được thể hiện
nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Người, làm cho lãnh tụ Hồ
Chí Minh luôn gần gũi, sâu sát quần chúng, hiểu sâu sắc quần chúng, đi sâu vào
tâm tư tình cảm, nguyện vọng của quần chúng và được quần chúng tin tưởng, yêu
mến.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản
chất của chế độ ta là dân chủ, trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập
dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho dân, phải trao lại cho dân mọi
quyền hành. Theo Người, dân chủ là cái quý nhất của nhân dân, do đó nó cũng là
cái quý nhất của mỗi đảng viên, nếu thực hành dân chủ nội bộ tốt sẽ làm cho
Đảng phát huy, phát triển và tập trung được trí tuệ, tạo bầu không khí cởi mở,
tin cậy lẫn nhau, làm cho Đảng thoát khỏi tình trạng “u ám”, thiếu đoàn kết,
một nhân tố làm suy yếu sức mạnh của Đảng. Mở rộng dân chủ còn chống được bệnh
độc đoán chuyên quyền trong Đảng. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng
viên:
Thứ
nhất,
phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý
kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và
hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc
tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Người yêu cầu cán bộ cần lắng nghe ý
kiến của mọi đảng viên, và các tầng lớp nhân dân, kể cả những người “không quan trọng". Muốn thế, người
lãnh đạo phải đề cao, mở rộng dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong
các cơ quan đại biểu của dân. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng Người luôn bố trí đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý
kiến của cấp dưới và của quần chúng. Theo Người, phải biết động viên, khuyến
khích "Khiến cho cán bộ cả gan nói,
cả gan đề ra ý kiến", tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự
thật và cấp trên không sợ nghe sự thật. Người lãnh đạo có phẩm chất đương nhiên
không nói dối ai, nhưng muốn để không ai nói dối mình thì phải có phương pháp
lãnh đạo tốt, có phong cách gần gũi quần chúng, đi sát cơ sở. Người lãnh đạo
muốn biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay
xấu không gì bằng khuyên cán bộ của mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như
thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo, mà lại thể hiện
dân chủ thật sự trong Đảng.
Thứ hai, phải mở rộng dân chủ đề phát
huy sức mạnh của tập thể.
Người thường nói: Đề ra công việc,
đẻ ra nghị quyết, không khó, vấn đề là thực hiện nó. Ai thực hiện? - Tập thể,
quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí,
mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được "trống
đánh xuôi, kèn thổi ngược". Sở dĩ xảy ra mất đoàn kết vì người đứng
đầu ở nơi đó còn chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, trong hội nghị thì
mọi người miễn cưỡng đồng tình, sau hội nghị, nếu đã không thông thì sẽ không
quyết tâm thực hiện. Vì vậy, Người yêu cầu: "Phải thật sự mở rộng dân
chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình". "Có dân
chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến"; "thực hành dân chủ là cái chìa
khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn".
Thứ ba nhận trách nhiệm cá nhân,
hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc
tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Người giải thích: "Tập thể lãnh
đạo là "dân chủ". Cá
nhân phụ trách, tức là "tập
trung". Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là "dân chủ tập trung". Cương vị lãnh
đạo càng cao, thì càng đòi hỏi phải có tác phong tập thể - dân chủ thật sự, chứ
không phải hình thức. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ
tập thể. Mọi thói hình thức chủ nghĩa, sớm muộn, sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt
tiêu dân chủ. Nhiều lần, Người đã phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ
không dân chủ, do đó mà người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình
không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với
Đảng xa rời nhau không còn hăng hái, không còn sáng kiến trong khi làm việc.
Tác phong tập thể - dân chủ tạo ra được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi,
hăng hái và đầy sáng tạo.
Hồ Chí Minh là một hiện thân của dân
chủ và gương mẫu thực hành dân chủ. Dân chủ đã thành nếp hằn sâu trong tư chất,
phong cách và đời thường của Người. Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu
Nhà nước dân chủ, ở đỉnh cao của quyền lực, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường
xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách dân chủ của chủ tịch Hồ Chí
Minh nói riêng đã và đang được triển khai thực hiện trong toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Vấn đề dân chủ được thực hiện
trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội làm cho đời sống của người dân
được ngày càng nâng lên. Đã có nhiều những tấm gương người tốt việc tốt, các
điển hình tiên tiến, tiêu biểu tập thể cá nhân; các mô hình, cách làm hay, hiệu
quả ngày càng lan tỏa trong đời sống, xã hội góp phần không nhỏ vào công cuộc
phát triển kinh tế và xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số đối tượng đặc biệt là
người Việt sống lưu vong ở nước ngoài lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá
cách mạng Việt Nam, đòi đa nguyên đa đảng; thông
qua các phương tiện thông tin, truyền thông như mạng Internet, đài, báo tự do
để tán phát tài liệu, lan truyền các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch,
các thông tin xấu độc,… hòng gây nhiễu loạn đời sống văn hóa, tinh thần xã hội
ta, làm cho Nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa,
đặc biệt là tạo ra sự đối lập Đảng với Nhà nước và nhân dân, tiến tới gạt bỏ sự
lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Một số đối tượng lợi dụng các sự kiện
kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam;
lợi dụng việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII); một số
chủ trương lớn được kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV thông qua (dừng triển
khai xây dựng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chưa thông qua Luật về
Hội...); lợi dụng việc một số cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật, bị các thế lực
lôi kéo, móc nối, bỏ trốn ra nước ngoài hoặc việc ta xét xử một số đối tượng
chống đối chính trị, đặc biệt là lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền để
xuyên tạc, chống phá. Tiêu biểu như, lợi dụng việc chính quyền bắt một số
đối tượng như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Hải, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Độ,... có
hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự,
một số đối tượng cơ hội chống đối chính trị đã tán phát tài liệu vu cáo chính
quyền tiếp tục sử dụng những “điều luật
mơ hồ” để bắt bớ, giam cầm những người mà chúng cho rằng đó là “những tiếng nói dân chủ”, cho rằng ta “đàn áp những người bất đồng chính kiến”;
chúng tán phát nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn trên các báo, đài xuyên tạc
tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đòi tự do ngôn luận... vận động ký
tên tập thể kêu gọi chính phủ, các tổ chức quốc tế lên tiếng và yêu cầu Việt
Nam trả tự do cho các đối tượng.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)
gắn liền với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị (khóa
XII) về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,
cần tập trung làm tốt mấy giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng
cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” trong cán bộ, đảng viên. Đây
là một nội dung mới rất quan trọng để thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và
đạo đức”.
Hai là, đẩy mạnh
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là
công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng trong từng đơn vị gắn với chống suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; đẩy mạnh tự phê bình và phê
bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập của các tổ chức đảng ở cơ sở, tăng
cường tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương
trong Đảng và trong xã hội, nhất là kỷ luật phát ngôn. Trong quá trình tự phê
bình và phê bình cần tập trung làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong thực
hiện các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ...
Ba là, xây dựng
lề lối làm việc, phong cách lãnh đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát,
kỷ luật đảng. Đây là một trong những nội dung giải pháp cơ bản nhằm xây dựng
phong cách lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, chỉnh đốn phong cách, lề lối
làm việc trong Đảng là một yêu cầu có tính cấp bách đối với hoạt động lãnh đạo
của một đảng cầm quyền ra đời ở một nước nông nghiệp, thuộc địa, nửa phong kiến
như ở nước ta. Bởi vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, Hồ
Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng, Chính phủ và đoàn
thể phải chỉnh đốn tác phong công tác, phong cách và lề lối làm việc.
Bốn là giữ
gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng, chống những biểu hiện
cục bộ, địa phương, phe cánh, “lợi ích
nhóm”. Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng đồng thời tích cực
đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn
biến hòa bình” để thúc đẩy quá trình “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong của các thế lực thù địch, nhất là
trên mặt trận tư tưởng, lý luận; tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức, xác định
rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tham gia đấu tranh; tăng
cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý
luận; quan tâm đầu tư những điều kiện đảm bảo cho cuộc đấu tranh trên mặt trận
tư tưởng ngày càng hợp lý, có hiệu quả.
Cuối cùng là sự kết hợp
chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng cho ta mạnh lên về
mọi mặt là chính, nhất là giữ vững ổn định chính trị và định hướng XHCN; xây
dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; mở
rộng quan hệ đối ngoại. Chăm lo xây dựng nhân tố con người, nâng cao khả năng “tự bảo vệ” trước những âm mưu, hoạt
động chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao “sức đề kháng” của mọi cán bộ, đảng viên trước tác động tiêu cực
của cơ chế thị trường, hội nhập. Đây là biện pháp tốt nhất, tích cực chủ động
nhất để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện
nay.
Tran.T.T.Huye-Nn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét