Phát huy truyền thống dân tộc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội
ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, hơn 72
năm qua lao động sản xuất đã trở thành 1 trong những chức năng cơ bản của Quân
đội Nhân dân Việt Nam, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh của quân đội, phát
triển kinh tế quốc gia. Quân đội tham gia lao động sản xuất
nhằm mục tiêu xây dựng kinh tế là củng cố tiềm lực quốc phòng, gia tăng tiềm
lực quốc gia, tự chủ công nghiệp quốc phòng, vũ khí khí tài quân đội, tham gia
vào quá trình hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế quốc gia. Thực tế lịch sử
dựng nước, giữ nước đã cho thấy vai trò to lớn của việc quân đội tham gia lao
động sản xuất.
Ngay từ thời kỳ phong kiến khi xây dựng lực lượng quân sự,
các chiều đại đã áp dụng chính sách “Ngụ binh ư nông”, nghĩa là: gửi quân vào
nông nghiệp, cho binh lính lao động, sản xuất tại địa phương trong một khoảng
thời gian xác định". Đây là chính sách xây dựng quân đội gắn liền với nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Xuất phát từ nhu
cầu bảo vệ đất nước và bảo vệ chính quyền cai trị cần một lực lượng quân đội
hùng hậu. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực để sản xuất nông nghiệp cho đời sống cũng rất lớn. Vì
vậy việc đưa quân về địa phương luân phiên cày cấy giúp lực lượng này tự túc được
về lương thực, bớt gánh nặng về lương thực nuôi quân cho triều đình. Có thể thấy
“ngụ binh ư nông” là việc liên kết hài hoà giữa việc quân sự và nông nghiệp, giữa
kinh tế và quân sự, chuyển hóa nhanh từ thời bình và sang thời chiến khi cần.
Nhờ chính sách này, triều đình có được lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo
trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì như là: Thời Lý có số quân tham
chiến chống nhà Tống khoảng 10 vạn người, thời Trần khi có chiến
tranh chống quân Nguyên có
hơn 20 vạn quân, sang thời Lê sơ khi
có chiến tranh có thể huy động 26-30 vạn quân. Chính sách “ngụ binh ư nông” vừa
là đường lối quân sự, vừa là tổ chức quân sự, nó phản ánh tư duy nông binh bất phân (không phân
biệt quân đội và nông dân), đâu có dân là đó có quân, phù hợp với điều kiện xây
dựng nền quốc phòng của một nước đất không rộng, người không đông, cần phải huy
động tiềm lực cả nước vừa sản xuất, vừa đánh giặc. Đồng thời “ngụ binh ư nông” bảo đảm thế quân bình giữa kinh tế và quốc phòng, giữa
lực lượng sản xuất và lực lượng chiến đấu, bảo đảm mối quan hệ hỗ tương giữa tiền
phương và hậu phương trong chiến tranh giữ nước, bảo đảm sự hiện diện của một
quân đội thường trực tinh thông võ nghệ, sẵn sàng chiến đấu, kết hợp với một lực
lượng hùng hậu quân hậu bị đông đảo, dễ dàng huy động.
Phát
huy truyền thống dân tộc, ngay sau khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam được các lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt
Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn... khuyến khích tham gia lao động
sản xuất nhằm hạn chế gánh nặng cho nhà nước và làm tăng sự gắn kết giữa quân
đội với nhân dân. Trong đó Bác Hồ đã dạy: “Quân đội ta là đội quân chiến đấu,
đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ, mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng Quân đội
ta luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tích cực tăng gia, sản xuất, cải thiện
đời sống bộ đội; tham gia sản xuất xây dựng hậu phương lớn miền bắc, xây dựng
căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược, thực hiện tốt chủ trương, đường
lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền
nam” của Đảng.
Sau khi đất nước thống nhất, Quân đội xây dựng các nông,
lâm trường quân đội, thành lập đội quân công nhân quốc phòng và trở thành lực
lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào xóa
đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực và thế
trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên
giới, ven biển, đảo, với trọng tâm là triển khai xây dựng các khu kinh tế -
quốc phòng.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Quân
đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”,
Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng luôn nhất quán quan điểm
kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Quan điểm đó được thể hiện rõ ở Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002
“Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - tiếp
tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”; Nghị quyết
số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế
kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày
3-4-2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh
doanh kinh tế của Quân đội.
Quân đội làm kinh tế là thực hiện đồng
thời hai nhiệm vụ - “lưỡng dụng”, trong thời chiến hệ thống sản xuất của quân
đội sẽ phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Trong thời bình, với tiềm lực khoa học-công
nghệ trong tay, quân đội sẽ áp dụng các khoa học-công nghệ đó phục vụ các đời
sống dân sự của nhân dân cũng như tận dụng khấu hao của máy, để nâng cao tay
nghề và giữ người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. Theo đó
quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là sản xuất trực tiếp ra sản phẩm
quốc phòng, vũ khí trang bị, đạn, súng, thuốc nổ, những thứ mà quân đội nào
cũng phải có. Các đoàn kinh tế-quốc phòng ở vùng biên giới vừa là lực lượng
tham gia sản xuất, vừa phòng thủ biên giới, đặc biệt khi người dân đi sơ tán
chiến tranh. Các doanh nghiệp quân đội là những doanh nghiệp đi đầu về khoa học
công nghệ, lấy phát triển khoa học công nghệ để áp dụng sản xuất vũ khí, trang
bị của quân đội.
Với lực lượng tập trung, có kỷ cương, kỷ luật quân đội đã
cùng với nhân dân phát huy phẩm chất cần cù, hăng say lao động đã và đang góp
phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tiêu biểu như các
đơn vị: Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, trong năm 2016, doanh thu của
Viettel đạt 227 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận 39 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước
31 nghìn tỉ đồng; hệ thống mạng lưới (HTML) Viettel là mạng thường trực thứ 2 của
quân đội, là mạng lưỡng dụng kinh tế và Quốc phòng an ninh; Viettel tiên phong
trong nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ Quốc phòng an ninh; Viettel tiên
phong đầu tư ra nước ngoài, góp phần thực hiện chính sách thêm bạn bớt thù, bảo
vệ Tổ quốc từ xa; Viettel cũng đã và đang xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc
phòng công nghệ cao. Hay như Đoàn kinh tế quốc phòng 799 (Quân khu 1) đã đầu tư
xây dựng được 9 công trình thủy lợi với tổng chiều dài hơn 15km kênh mương, phục
vụ tưới cho hàng trăm ha ruộng lúa nước; hỗ trợ nhân dân khai hoang, cải tạo được
hơn 580ha đất canh tác các loại, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp
người dân chủ động trong việc tưới tiêu, có điều kiện thâm canh, tăng vụ, nâng
cao năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Hoặc là, Bệnh
viên Trung ương quân đội 108, Bệnh viên quân y 103… đã phát huy tối đa cơ sở vật
chất, trí tuệ, tay nghề của đội ngũ y sĩ, bác sĩ không chỉ chữa bệnh cho bộ đội
mà đang tích cực chữa bệnh cho người dân với uy tín và chất lượng cao.
Phát huy truyền thống dân tộc, thực hiện lời dạy của Người
và chấp hành nghiêm Nghị quyết XII của Đảng, trong thời gian tới các doanh nghiệp
quân đội cần tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về kết
hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; chấp hành nghiêm các các chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc
phòng; lấy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc
phòng, an ninh là mục tiêu hàng đầu; đồng thời coi trọng bảo vệ tài nguyên, môi
trường, thực hiện phát triển bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tham gia sản xuất, xây dựng
kinh tế của quân đội, tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Hoàng Huy Quốc-Ksp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét