Thế
giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp với các bước phát triển
nhảy vọt về khoa học, công nghệ và hiện nay đang bước vào cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ Tư (Cách mạng công nghiệp 4.0).
Bản chất của cuộc
cách mạng này là dựa trên nền tảng công nghệ số và sự tích hợp các
công nghệ thông minh trên lĩnh vực vật lý và sinh học với trung tâm là sự
phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu
lớn (Big Data), công nghệ na-nô, v.v. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn,
Cách mạng công nghiệp 4.0 có tốc độ đột phá chưa từng có trong lịch
sử, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, làm thay đổi hầu hết các
ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực
đời sống xã hội. Trước đây, sự phát triển, tăng trưởng chủ yếu dựa vào
các yếu tố đầu vào có giới hạn (nhân công, tài nguyên,...), thì giờ
đây, khi áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, sự tăng trưởng lại chủ yếu dựa
vào các yếu tố không bị giới hạn (công nghệ, sự đổi mới sáng
tạo,...); từ đó, tác động mạnh mẽ đến sản xuất, tiêu dùng, giá cả
trên phạm vi toàn cầu, hình thành các lĩnh vực hoạt động mới, như:
“In-tơ-nét công nghiệp”, “Nhà máy thông minh”, “Thành phố công nghệ”,
“Xã hội siêu thông minh”, v.v. Đồng thời, tác động mạnh mẽ, tạo cơ sở
tối ưu hóa quá trình, phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành các
hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh
đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những thách thức, như: có
thể làm chậm lại, thậm chí làm đổi hướng sự chuyển dịch trọng tâm
chiến lược kinh tế toàn cầu, gia tăng sự bất bình đẳng giữa các
quốc gia, tác động tiêu cực đến các nước chủ yếu dựa vào nguồn nhân
công rẻ, buộc các nước phải tái cơ cấu nền kinh tế; một số ngành kinh
tế bị thu hẹp, đào thải; nhóm lao động giản đơn, lớn tuổi, ít kỹ
năng, gắn với công nghệ cũ có nguy cơ thất nghiệp rất cao.
Đối
với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ có
tác động mạnh mẽ, toàn diện, mang đến những bước phát triển cao hơn cùng
những thách thức lớn hơn. Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát
triển công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi; tạo ra các hệ thống vũ khí,
trang bị kỹ thuật thế hệ mới, như: vũ khí năng lượng, gen sinh học, rô-bốt
tác chiến,... với những tính năng vượt trội, có sự nhảy vọt về chất; từ đó,
làm xuất hiện các hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới. Tuy
nhiên, việc ứng dụng các sản phẩm của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động
quân sự, ở góc độ nào đó có thể tạo ra hệ lụy nguy hiểm. Các nước, nhất là
nước lớn, có thể sử dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự vào
mục đích không chính nghĩa, sử dụng “sức mạnh mềm”, can dự, chi phối
về chính trị, chính sách đối nội, đối ngoại của các nước khác;
thực hiện “điều khiển” từ xa, từ bên ngoài, buộc các nước đang phát
triển, chậm phát triển phải phụ thuộc, mất độc lập, tự chủ, khó
nhận thấy hoặc nhận thấy nhưng khó cưỡng lại. Nhu cầu đầu tư vũ
khí, trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao có thể dẫn đến cuộc
chạy đua vũ trang rất tốn kém và càng phải phụ thuộc vào nguồn cung
cấp từ các nước phát triển. Trong khi đó, thế giới chưa có cơ chế
để quản lý, giám sát việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công
nghệ quân sự mới để hạn chế tác động từ mặt trái của Cách mạng
công nghiệp 4.0.
Ngọc Nguyên.A.TT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét