CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Vì sao cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” bị dừng phát hành


Kết quả hình ảnh cho cuốn sách gạc ma vòng tròn bất tử
Ngày 10 tháng 7 năm 2018, tại thành phố Hồ Chí Minh Công ty Trí Việt-First News đã phát hành cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” do thiếu tướng Lê Mã Lương làm chủ biên. Đây là cuốn sách được thực hiện với sự tham gia biên soạn của 68 người gồm các tướng lĩnh trong quân đội, các nhà nghiên cứu sử học, các nhà báo, các cựu chiến binh Gạc Ma, trải qua hàng trăm lần chỉnh sửa, 48 lần biên tập, 14 nhà xuất bản trong thời gian 4 năm xin cấp phép. Quyển sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” được ấn bản lần đầu tiên với số lượng 10 ngàn quyển và đã bán hết sau 9 ngày phát hành. Tuy nhiên, vào ngày 16 tháng 7 năm 2018, Nhà xuất bản Văn học, đơn vị liên kết với Công ty Trí Việt-First News xuất bản cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” ra thông báo tạm dừng phát hành để đính chính, sửa chữa. Vì sao cuốn sách lại bị dừng phát hành?
          Ngay sau khi được ban hành, cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” đã gặp phải sự phản ứng khác nhau của dư luận xã hội; trong đó có những bình luận phê phán gay gắt, suy diễn phức tạp; gần đây, trên mạng xã hội còn xuất hiện một số đơn thư kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành chức năng xử lý trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến cuốn sách. Đặc biệt có ý kiến của Thiếu tướng Hoàng Kiền đề nghị tạm đình chỉ phát hành sách cũng như Bộ Quốc Phòng kiểm tra lại cuốn sách và khi có kết luận thì cần thu hồi hủy bỏ toàn bộ nếu nội dung viết có chèn vào lệnh của cấp trên “không được nổ súng”, vì đó là ý đồ xấu, xuyên tạc sự thật lịch sử. Những vấn đề trên đã tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội và mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
          Để thẩm định, đánh giá về cuốn sách, Cục Tuyên huấn phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử đã làm rõ một số ưu điểm, hạn chế của cuốn sách như sau:
          Nội dung cơ bản của cuốn sách đã tập hợp một số bài viết tôn vinh tinh thần dũng cảm, sự hy sinh quên mình để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam; có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc, như là lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay, cần phát huy truyền thống các thế hệ cha ông, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
          Tuy nhiên, cuốn sách còn những hạn chế nhất định như: Không rõ thể loại, pha trộn giữa hồi ký và ký sự; chủ yếu theo kiểu phóng sự điều tra về hội chứng sau chiến tranh, mượn vấn đề văn học để nói về vấn đề lịch sử, nhưng nội dung có tính lịch sử lại chưa được nghiên cứu, tổng kết, thẩm định, đánh giá đầy đủ, khách quan về chính trị; việc phát hành cuốn sách, phần nào tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc do có nhiều nội dung khơi lại tội ác của người lính Trung Quốc trong sự kiện Gạc Ma (14/3/1988). Chủ đề tư tưởng của cuốn sách có ý tuyên truyền chủ nghĩa xét lại một cách cực đoan, kích động hận thù dân tộc, tạo ra tâm lý oán trách, phê phán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với những người đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nguồn thông tin tư liệu, sử liệu còn ít, chưa đủ khách quan để mô tả bản chất sự kiện Gạc Ma (gặp, phỏng vấn đại diện nhân chứng lịch sử ít và chưa tiêu biểu, một số tư liệu không rõ nguồn gốc). Nội dung một số bài viết còn sai sót và mâu thuẫn về số liệu lực lượng của ta trên các tàu, các đảo; kết quả tìm kiếm, cứu người; số lượng, vị trí hy sinh; cấp bậc, chức vụ của một số nhân chứng; một số mốc thời gian; đặc biệt đưa thông tin không thống nhất về lệnh “không được nổ súng trước” thành “không được nổ súng”, đã gây nhiều tranh luận, suy diễn phức tạp về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với sự kiện Gạc Ma 1988.
          Trước tình hình đó, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đề nghị kiểm tra, rà soát và thu hồi cuốn sách “Gạc Ma - vòng tròn bất tử”. Đây là việc làm cần thiết khi cuốn sách này có những lỗi về nội dung và câu chữ. Như Khoản 4, Điều 35, Luật Xuất bản quy định: “Khi phát hiện xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này thì cơ sở in phải dừng việc in và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thông báo với nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt in”./.

0 nhận xét: