CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trong các nhà trường Quân đội



Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, với việc sóng Wifi, sóng 3G, 4G, mạng Internet hầu hết có ở khắp mọi nơi. Chỉ cần một cái ‘‘nhấp chuột’’ hay ‘‘chạm nhẹ’’ vào màn hình cảm ứng là có thể ‘‘kết nối’’ với các nơi trên thế giới. Chính vì vậy mà vấn đề an toàn thông tin được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các hoạt động trong xã hội, nó đặc biệt có ý nghĩa trong lĩnh vực quân sự nói chung và trong các nhà trường Quân đội nói riêng.
          An toàn thông tin là sự bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin tránh bị truy cập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin. Trong đó hệ thống thông tin là tập hợp các thiết bị phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ mục đích thu thập, xử lý, lưu trữ, trao đổi thông tin. Nguy cơ mất an toàn thông tin là những nhân tố bên trong hoặc bên ngoài hệ thống thông tin có khả năng ảnh hưởng tới trạng thái an toàn thông tin. Bảo đảm an toàn thông tin bao gồm các hoạt động nhằm bảo vệ tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính sẵn sàng của thông tin.
          Trong các nhà trường Quân đội, thực tế thời gian qua còn tồn tại một số vấn đề về việc bảo đảm an toàn thông tin như: một số cán bộ chưa chấp hành đúng các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, không quản lý chặt chẽ việc sử dụng USB, thẻ nhớ (sử dụng USB không an toàn hoặc USB bị nhiễm mã độc chứa tài liệu mật cắm vào máy tính kết nối mạng Internet); máy tính soạn thảo tài liệu mật kết nối mạng Internet; đa số các máy tính cá nhân vẫn sử dụng các phần mềm không có bản quyền; khi máy tính kết nối Internet mở các tập tin nghi ngờ đính kèm trong thư điện tử mà không quét trước bằng các phần mềm diệt Virus, mã độc; không áp dụng các kỹ thuật xóa an toàn đối với các dữ liệu quân sự; đưa máy tính quân sự ra cơ quan dân sự sửa chữa; bật chức năng Wifi, Bluetooth của máy tính trong khi soạn thảo dữ liệu mật. Từ đó, đặt ra một vấn đề cấp thiết cần xác định rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp hữu hiệu cho công tác đảm bảo an toàn thông tin.
          Nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thông tin có cả yếu tố chủ quan và khách quan:
          Nguyên nhân chủ quan: Một bộ phận cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ chưa thấy hết vị trí, vai trò của an toàn thông tin; hệ thống chưa được xây dựng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin; không thực hiện đúng các quy định trong quá trình vận hành, sử dụng hệ thống; cơ sở hạ tầng chưa được chú trọng đầu tư đúng. Công tác quản lý, sử dụng Internet ở các cơ quan, khoa, đơn vị chưa chặt chẽ…
          Nguyên nhân khách quan: Để thu thập hay phá hoại các thông tin quân sự, kẻ địch có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường; sử dụng các công nghệ tiên tiến để tiến hành tác chiến không gian mạng; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở cơ quan, khoa và đơn vị chưa được đảm bảo đầy đủ về công nghệ, trang thiết bị còn thiếu tính đồng bộ.
          Trong những năm tới tình trạng mất an toàn thông tin tập trung vào những xu hướng sau: Sự tấn công không ngừng của tin tặc, những cuộc tấn công có chủ đích và gián điệp mạng, những cuộc tấn công tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ; Thông tin, dữ liệu cá nhân bị đe dọa; Khai thác lỗ hổng phần mềm; Mã độc trên thiết bị di động.
          Từ những nguyên nhân và xu hướng mất an toàn thông tin trên, trong các nhà trường Quân đội cần thực hiện tốt một số giải pháp:
          Một là: Xây dựng hệ thống chính sách bảo đảm an toàn thông tin
          Thực tế cho thấy, an toàn thông tin không chỉ đơn thuần là vấn đề thuộc phạm trù công nghệ, kỹ thuật. Hệ thống chính sách và kiến trúc tổ chức đóng một vai trò quan trọng cho việc đảm bảo an toàn thông tin. Trong thời gian vừa qua Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý làm cơ sở bảo đảm an toàn thông tin như: Chỉ thị số 897/CT-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số; Chỉ thị 1403/TM-CNTT ngày 30/8/2012 của Cục Công nghệ thông tin/ BTTM về việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin trong truy cập, sử dụng mạng Internet; Luật an toàn thông tin mạng năm 2015; Thông tư số 202/2016 của Bộ Quốc phòng quy định về bảo đảm an toàn thông tin trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 03/BQP của Bộ Quốc phòng về tăng cường công tác bảo đảm thông tin về một số vấn đề tổ chức tác chiến không gian mạng; Chỉ thị số 47/CT ngày 08/01/2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và hướng dẫn số 1047/HD-TTCĐ ngày 15/4/2016 của Cục Tuyên huấn về việc tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội.
          Trên cơ sở các chỉ thị, thông tư và hướng dẫn trên, các học viện, nhà trường trong Quân đội cần nghiên cứu, xây dựng một cách có hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định cho các cơ quan, khoa, đơn vị về việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo đảm mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ đều nắm chắc và thực hiện tốt nội dung quy định của nhà trường.
          Hai là: Tổ chức giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho các quân nhân trong đơn vị
          Để bảo đảm an toàn thông tin trước hết các cơ quan, khoa và đơn vị cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thông tin mạng cũng như các thủ đoạn khai thác thông tin, chống phá qua mạng của các thế lực thù địch, giới thiệu một số biện pháp phòng tránh khi sử dụng các thiết bị kết nối mạng như máy tính, laptop, điện thoại thông minh,… để mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ hiểu rõ được âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong tình hình mới và có hành động phòng tránh cụ thể; quán triệt đầy đủ Luật an toàn thông tin của Quốc hội, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về bảo đảm an toàn thông tin.
          Ba là: Các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật
          Bao gồm tất cả các biện pháp thiết bị phần cứng, các phần mềm cũng như các kỹ thuật công nghệ liên quan được áp dụng nhằm bảo đảm an toàn thông tin như: cài đặt tường lửa, các phần mềm diệt virus, phần mềm xóa dữ liệu an toàn, phần mềm mã hóa dữ liệu, phần mềm quét lỗi hệ thống và các thiết bị bảo đảm an toàn phần cứng của hệ thống máy tính. Tại các khu vực sinh hoạt tập trung như phòng họp, phòng giao ban, hội trường,… ngoài các nội quy quy định, nhà trường cần lắp đặt các thiết bị kiểm tra, giám sát, phá sóng nhằm tránh việc vô tình truyền tải thông tin quân sự qua mạng Wifi, 3G, 4G.
          Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ đất nước, Quân đội ta đã và đang đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin như ứng dụng trong chỉ huy diễn tập, trong huấn luyện mô phỏng, trong sản xuất và sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao,... Để bảo đảm an toàn thông tin đòi hỏi trong mỗi Nhà trường Quân đội cần thực hiện tốt một số biện pháp về an toàn thông tin phù hợp với thực tiễn hoạt động, công tác của nhà trường, góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, tình huống nào.
=Tia chớp=

0 nhận xét: