CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

KIÊN ĐỊNH CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

 


Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới được Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng xác định nội dung đầu tiên là: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đó là nội dung hoàn toàn đúng, cần phải hiểu rõ nội hàm của việc kiên định ấy.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng là phải kiên định các vấn đề sau:

1. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân là vấn đề có tính nguyên tắc. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin khi nhấn mạnh quan điểm: Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân; trong thành phần của Đảng, phải chú trọng kết nạp những công nhân đủ tiêu chuẩn, đồng thời thu hút cả những người thuộc các giai tầng khác vào Đảng khi những người này tán thành cương lĩnh của Đảng, tự nguyện tuân thủ Điều lệ Đảng, chứng tỏ trên thực tế bản thân mình có đủ tiêu chuẩn trở thành đảng viên của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững bản chất giai cấp công nhân có nghĩa là Đảng không hòa tan vào dân tộc mà là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong, đại diện trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Cho nên cơ sở xã hội của Đảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công - nông - trí, do giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Với bản chất giai cấp công nhân như thế và với cơ sở xã hội thể hiện trong khối đại đoàn kết như vậy, Đảng ta đã kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong suốt quá trình hoạt động của mình. Đây chính là một trong những nét nổi bật nhất trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, trở thành một bài học quý trong xây dựng Đảng cần được phát huy trong giai đoạn cách mạng tới.

2. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Đảng Cộng sản là một tổ chức chặt chẽ, mang tính chiến đấu vì mục tiêu cao cả là giải phóng con người với xã hội tốt đẹp. Vì thế, cần kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trên những nguyên tắc sau:

Tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. C.Mác, Ph. Ăngghen, đặc biệt là V.I. Lênin đặt trọng tâm xây dựng Đảng Cộng sản vào nguyên tắc này. Hồ Chí Minh coi tập trung và dân chủ trong Đảng là một thể thống nhất và có liên quan mật thiết với nhau: tập trung trên nền tảng dân chủ, dân chủ phải đi đến tập trung. Người nhấn mạnh, phải làm cho mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình ở trong Đảng, tức là khơi dậy tinh thần trách nhiệm và tính tích cực chủ động của tất cả đảng viên; khi đã thảo luận, bày tỏ ý kiến rồi thì đi đến tập trung, tức là đề cập ý chí thống nhất, hành động thống nhất, như thế mới có sức mạnh; và lúc ấy quyền tự do của đảng viên hóa ra quyền phục tùng chân lý, mà chân lý là những gì có lợi cho cách mạng, cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Để nhấn mạnh tính chất này, có hai điều cần tránh trong hoạt động của Đảng cầm quyền: độc đoán, chuyên quyền; dựa dẫm, không dám quyết đoán. Đảng cầm quyền phải dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân và toàn dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ cao.

Tự phê bình và phê bình. Phải thường xuyên giáo dục cho toàn Đảng tinh thần tự phê bình và phê bình làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh theo đúng nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Mục tiêu tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người, trong mỗi tổ chức nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi; muốn thế phải có phương pháp đúng đắn, phù hợp trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Có đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì mới có đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc. Đảng đoàn kết, thống nhất trên cơ sở có chung một mục tiêu thể hiện ở cương lĩnh, đường lối đúng đắn. Đảng phải có kỷ luật, “kỷ luật sắt”, nghĩa là mọi đảng viên tuân thủ Điều lệ, chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết và các quy định của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên còn phải là công dân gương mẫu, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước.

Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi pháp luật trong điều kiện Đảng cầm quyền. Như vậy, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với ý nghĩa Hiến pháp và pháp luật là quyền lực điều chỉnh mọi quan hệ xã hội, thì trong Hiến pháp, pháp luật đó đã hàm chứa tinh thần nội dung của cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng. Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, do đó, là sự biểu đạt vai trò cầm quyền của Đảng. Đảng là hạt nhân của hệ thống chính trị đồng thời là người lãnh đạo hệ thống ấy, đặc biệt là lãnh đạo Nhà nước.

3. Phải vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của công cuộc đổi mới trong giai đoạn cách mạng mới. Việt Nam đang đứng trước thời cơ và thách thức, nguy cơ lớn của sự phát triển. Tình hình đó, đặt ra cho Đảng ta phải biết nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nguy cơ, có năng lực lãnh đạo, cầm quyền cao, có bản lĩnh chính trị kiên cường, có tầm tư duy sáng suốt. Một vấn đề đặt ra là, nếu Đảng cầm quyền bị thoái hóa, biến chất; Đảng không khắc phục và đẩy lùi được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không đề phòng, ngăn chặn và khắc phục “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, thì Đảng sẽ bị mất vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, nguy cơ, sẽ phụ thuộc vào chất lượng Đảng cầm quyền. Do đó, Đảng phải thường xuyên, tích cực xây dựng và chỉnh đốn, phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng vào điều kiện cụ thể từng lúc, từng nơi.

Đảng nâng cao năng lực cầm quyền đặt ra yêu cầu phải nắm bắt một cách chính xác tình hình để đề ra đường lối, chủ trương phù hợp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Năng lực cầm quyền của Đảng là sự tổng hòa trình độ, khả năng, bản lĩnh chính trị để giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ do tình hình đất nước đặt ra nhằm đạt mục tiêu phát triển. Muốn đề ra đường lối, chủ trương phù hợp, phải nắm chắc tình hình mọi mặt ở trong nước và quốc tế. Đây chính là quá trình dựa trên cơ sở vững chắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Phải tránh bảo thủ, trì trệ trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng. Trong đổi mới, vừa phải chú ý đến những vấn đề mới nảy sinh, kịp thời nghiên cứu, tổng kết, mạnh dạn bổ sung, phát triển để đưa vào cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước những vấn đề đã rõ, đã “chín”. Bảo thủ, trì trệ, không chịu bổ sung, phát triển cương lĩnh, đường lối, chủ trương khi tình hình trong nước và quốc tế có sự biến chuyển, thay đổi là không xứng đáng với một đảng tiên phong, một đảng năng động, sáng tạo, một chủ thể khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước, đưa đất nước Việt Nam tiến nhanh, mạnh, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới vừa qua. Ở đây, việc “thiết kế” nội dung đường lối có tầm quan trọng đặc biệt, vì “sai một ly đi một dặm”. Phải tính toán cẩn trọng trên cơ sở nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kết hợp tính khoa học với tình hình thực tế của đất nước và thế giới để đề ra đường lối, chủ trương phù hợp. Nhưng, không chú trọng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà vội vàng, nôn nóng, duy ý chí đề ra và thực hiện những vấn đề không phù hợp với hoàn cảnh đất nước thì cũng là con đường đi đến thất bại.

Đảng cầm quyền phải trong sạch, vững mạnh. Sự cầm quyền của Đảng không phải cứ tự nhận mà được. Sự cầm quyền đó là kết quả của một quá trình Đảng chứng tỏ được với toàn xã hội sức mạnh và uy tín của mình, được toàn dân tộc thừa nhận vai trò cầm quyền đó. Tính chính đáng của sự cầm quyền đó là có căn cứ thực tế, không ai có thể phủ nhận được. Nhưng, Đảng sẽ không còn ở vị trí cầm quyền nữa, nếu Đảng bị suy yếu, không trong sạch, vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào Đảng bị suy giảm và mất đi. Điều này giống như chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, vai trò cầm quyền của Đảng cũng như việc phải luôn tự đổi mới và tự chỉnh đốn là hai vế đồng thời vận hành trong cùng một cơ thể sống của Đảng. Điều này làm cho chúng ta thấu hiểu hơn lý do tại sao Đảng ta lại xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tính chất then chốt của nhiệm vụ đó thể hiện ở việc Đảng phải nâng cao tầm trí tuệ và năng lực lãnh đạo, cầm quyền cũng như sức chiến đấu của mình trong giai đoạn mới. Sự nghiệp xây dựng đất nước đặt ra cho Đảng và Nhân dân Việt Nam một tầm nhìn và một năng lực sáng tạo vượt bậc. Đảng phải tự tìm tòi, tự tổng kết thực tiễn để đề ra lý luận đổi mới, trong đó có lý luận về Đảng cầm quyền trong thế giới hội nhập. Đường lối, dù là cực kỳ quan trọng và đúng đến mấy, đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng cơ bản nhất vẫn là phụ thuộc vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần có đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tầm cao trí tuệ, đầy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc, năng động, dám nghĩ, dám làm.

Phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Dù có đường lối đúng, nhưng phương thức lãnh đạo không phù hợp thì không thể đưa được đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền vào cuộc sống. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cần dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, càng phải đặt trọng tâm vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Nói đến “cầm quyền” của bất kỳ đảng chính trị nào là trước hết nói đến đảng lãnh đạo nhà nước; rằng, trong xã hội nói chung và nhà nước pháp quyền nói riêng, nhà nước là trung tâm quyền lực, thể hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại. Xét trong mối quan hệ với Đảng cầm quyền thì chính Nhà nước và chỉ có Nhà nước mới có chức năng, nhiệm vụ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Nói đến “cầm quyền” của Đảng, còn phải đề cập tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân. Trong xã hội hiện đại, vai trò phản biện xã hội ngày càng lớn, nhất là trong hội nhập quốc tế. Đảng sẽ thực thi chức năng, nhiệm vụ cầm quyền của mình trong sự so sánh, đối chiếu với các ý kiến tư vấn, phản biện của các tổ chức đoàn thể; qua đó, tự nhìn lại mình để bổ sung, phát triển, điều chỉnh đường lối, chủ trương, để đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Để chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng phát triển và giương cao ngọn cờ Cộng sản dẫn dắt nhân dân Việt Nam tiến lên, thì phải kiên định và củng cố vững chắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng.

KLL

2 nhận xét:

Tia Chớp nói...

Hồ Chí Minh người sáng lập và lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam

Bút chiến nói...

Học tập và làm theo Bác Hồ vĩ đại!