Hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 đã làm cho tiên đoán của C.Mác về việc
khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đã trở thành hiện thực. Sự
phát triển nhanh chóng của các loại công nghệ hiện đại và thông minh không chỉ
phục vụ mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn được ứng dụng và sử
dụng để nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ quân sự, công nghiệp quốc
phòng, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật của lực lượng vũ trang. Quá trình
đó đã từng bước làm cho khoa học - công nghệ trở thành lực lượng chiến đấu trực
tiếp. Sự phát triển của khoa học - công nghệ đã tạo ra sự thay đổi về chất của
các loại vũ khí trang bị quân sự, kéo theo phương thức chiến tranh và tác chiến
cũng thay đổi theo. Cùng với diễn biến của cuộc cách mạng 4.0, cuộc chiến tranh
trong tương lai nếu xảy ra sẽ là chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông
tin và điều đó tác động to lớn đến phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân của
chúng ta. Mức độ ác liệt và phức tạp của chiến tranh rất khó kiểm soát sẽ chi
phối trực tiếp và mạnh mẽ đến trạng thái tâm lý, chính trị - tinh thần của người
lính trên chiến trường, ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của quân đội.
Như vậy, chiến tranh hiện đại bằng vũ khí công nghệ cao trở thành nhân tố quan
trọng, đặt ra yêu cầu cao và trực tiếp đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt
Nam về chính trị.
Toàn cầu
hóa có nghĩa là các quốc gia đã đi vào “quỹ đạo” chung của xu thế hội nhập,
cùng vào một “sân chơi chung” và bị chế ước bởi những định chế chung nên tính
phụ thuộc lẫn nhau sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Điều đó không chỉ đe dọa đến sự
độc lập về kinh tế, chính trị, làm gia tăng thêm sự ảnh hưởng đến tính chất,
nội dung, hình thức của cuộc đấu tranh giữ vững định hướng XHCN của đất nước ta
mà nó còn làm tăng thêm sự phụ thuộc của an ninh quốc gia vào an ninh khu vực,
an ninh thế giới. Nhiều vấn đề mới nảy
sinh mà một quốc gia không thể tự giải quyết được, đòi hỏi phải có sự hợp tác
quốc tế và khu vực, sự chung sức của cộng đồng thế giới. Chúng ta
hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa trong khi bối cảnh quốc tế, khu vực có
những biến đổi to lớn và sâu sắc với những đặc điểm nổi bật của thời đại hiện
nay là “các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn
tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân
tộc”. Đó cũng chính là xu hướng chủ đạo của thế giới thời kỳ hội nhập, toàn cầu
hóa hiện nay.
Toàn cầu
hóa thúc đẩy các quốc gia tham gia vào môi trường thông tin rộng lớn, với sự
phát triển của khoa học và công nghệ, các phương tiện công nghệ cao và truyền
thông hiện đại như truyền thanh, truyền hình, máy tính, mạng internet; sự giao
lưu chia sẻ qua thư điện tử, mạng xã hội Facebook, Twitter, Google, Flick…, làm
xuất hiện những quan niệm mới như: “an ninh toàn diện”, “an ninh phi truyền
thống” và vấn đề “bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng -
văn hóa và an ninh xã hội” cũng được đặt ra. Thực tế này lưu ý chúng ta về vấn
đề về kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và chống lại những cuộc xâm nhập, “tiến
công mềm” từ bên ngoài bằng các thủ đoạn gắn với công nghệ thông tin trên các
lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng - an ninh.
Đất nước
hội nhập càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, các dòng đầu tư nước ngoài
vào nước ta ngày càng lớn với việc hình thành và mở rộng các khu kinh tế, các
khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài..., làm cho vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh trên cả đất liền, biển
đảo, trong các khu kinh tế sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Việc xây dựng tổ
chức đảng, hoạt động của lực lượng tự vệ, an ninh, công đoàn và các tổ chức
quần chúng khác trong những đơn vị kinh tế này gặp rất nhiều khó khăn, vướng
mắc cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Tình hình đó làm cho vấn đề bảo đảm
quốc phòng, an ninh càng khó khăn, phức tạp hơn, ảnh hưởng đến việc củng cố,
xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nhất là
“thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, và xây dựng quân đội.
Thế giới
bước ra khỏi chiến tranh lạnh, nước Mỹ tự cho mình là siêu cường duy nhất, có
sứ mệnh lãnh đạo thế giới, chính sách này sẽ tiếp tục được thực thi trong thời
gian tới. Dưới thời tổng thống Barack Obama về mặt hình thức chúng ta nhận thấy
có vẻ mềm dẻo hơn, tuy nhiên đến thời tổng thống Donald Trump với chương trình
nghị sự “nước Mỹ trên hết” và tư tưởng bảo hộ mậu dịch, thương mại song
phương…, đang đặt ra cho thế giới nhiều mối nghi ngại chứ có câu trả lời. Bên
cạnh đó, các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ theo những phương cách
khác nhau, đều muốn thể hiện tham vọng và vai trò ảnh hưởng ngày càng lớn của
mình trong đời sống chính trị khu vực và thế giới.
Trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ
hiện đại và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tuy các nước lớn không còn đóng vai
trò là nước quyết định vận mệnh của các nước vừa và nhỏ nhưng sự chi phối ảnh
hưởng của các nước lớn đối với phần còn lại của thế giới vẫn còn rất sâu rộng.
Tình hình ấy, đến lượt nó sẽ đặt các vấn đề quốc phòng, quân sự của mỗi quốc
gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trước những thách thức
mới, trực tiếp và gay gắt hơn. Quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính
quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói chung, xây dựng quân đội về chính trị
hiện nay nói riêng, do những mối liên hệ tất yếu của nó cho nên không thể không
tính đến thực tế trên đây.
NVN-H1
4 nhận xét:
quân đội luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, xây dựng quân đội chính quy, hiện đại và hội nhập
Bài viết hay, ý nghĩa!
Rất hay
Xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh
Đăng nhận xét