CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

ĐỊNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG CHO CÁN BỘ, CHIẾN SĨ QUÂN ĐỘI TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG


XIII Congress of the Party is an important political event of the country. Before that event, reactionary forces were looking for ways to counteract in order to incite and distract in social life about the Party's cadres and work. Therefore, the ideological orientation of the Army cadres and soldiers before the XIII Congress of the Party is a meaningful work, making an important contribution to the success of the Congress.

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Trước sự kiện đó, các thế lực phản động đang tìm mọi cách chống phá hòng kích động, làm phân tâm trong đời sống xã hội về đường lối và công tác cán bộ của Đảng. Do vậy, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội trước thềm Đại hội XIII của Đảng là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội.
Dư luận xã hội, cũng như mọi hiện tượng xã hội khác luôn nảy sinh, tồn tại trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển. Nhận rõ vai trò quan trọng của dư luận xã hội, các thế lực thù địch tranh thủ mạng xã hội, kết nối internet, sử dụng lực lượng, phương tiện trong và ngoài nước để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo sự chống đối từ nội bộ Đảng, làm mất niềm tin, hoài nghi lẫn nhau dẫn đến mất đoàn kết mà tự diễn biến, tự tan vỡ. Họ cố tình đưa nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, đặc biệt là về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội. Lợi dụng vào một số hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, chúng ra sức thổi phồng, bóp méo sự thật, bịa đặt, nhằm phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, v.v. Vì thế, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, tạo sự thống nhất về nhận thức, thái độ và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Để đạt được điều đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quan điểm, đường lối của Đảng và sát với tình hình thực tiễn của Quân đội. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, nên lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nắm chắc cơ sở khoa học của quá trình hình thành và phát triển dư luận; gắn sát với tình hình thực tiễn để xác định nội dung, biện pháp tiến hành sát hợp, mang lại hiệu quả cao. Trong đó, coi trọng việc cung cấp đầy đủ thông tin, tri thức, luận cứ khoa học có tác dụng định hướng, dẫn dắt nhận thức cho quân nhân; thấy rõ Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; để Đại hội thành công là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Quá trình cung cấp thông tin cần chú ý đến đặc điểm đối tượng quân nhân (độ tuổi, giới tính, tâm thế, điều kiện tiếp nhận (ở đâu, lúc nào, phương tiện kỹ thuật vật chất đảm bảo); nguồn thông tin chính thống, thông tin xấu độc, sai trái, v.v.
Điều đó đòi hỏi cán bộ chủ trì các cấp cần cung cấp đầy đủ những nguồn thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, Quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ có cơ sở phân biệt rõ đâu là thông tin, dư luận trái chiều, tiêu cực để có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những tác động xấu đến đời sống, sinh hoạt của bộ đội. Khối lượng thông tin cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ vừa đủ, đảm bảo tính kịp thời, nhất là khi có tình huống, sự kiện mới nảy sinh. Quá trình cung cấp thông tin phải bảo đảm tính minh bạch, tránh thông tin phiến diện, một chiều hoặc cố tình che giấu sự thật, gây tính tò mò của quân nhân, dễ dẫn đến sai lệch trong nhận thức, hành động. Điều này đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thực hiện tốt việc công khai thông tin, dân chủ mọi mặt trong đơn vị. Thông tin đưa đến cho cán bộ, chiến sĩ phải đảm bảo tính định hướng, đúng đường lối, quan điểm của Đảng, sát với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội.
Thứ hai, tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện tốt biện pháp này là cơ sở quan trọng bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ có kiến thức sâu rộng, lập luận khoa học, giúp họ có khả năng phân biệt đúng - sai, nhận xét, đánh giá khách quan, chính xác về các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong thực tiễn, từ đó nhanh chóng đi đến thống nhất về nhận thức và tư tưởng, hình thành dư luận tích cực. Đồng thời, thông qua giáo dục mà bồi dưỡng trình độ chính trị, tư tưởng, kinh nghiệm, vốn sống cho cán bộ, chiến sĩ hình thành bản lĩnh chính trị trong xem xét và ứng xử phù hợp với các vấn đề nảy sinh ngoài xã hội. Vì thế, công tác giáo dục cần bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng; tiến hành bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm; bám sát tiến độ, chủ động cập nhật kết quả đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Hướng trọng tâm công tác tuyên truyền vào làm nổi bật ý nghĩa, tầm quan trọng, chủ đề, phương châm của Đại hội; hệ thống các văn kiện trình Đại hội và quy chế bầu cử trong Đảng. Đi liền với đó là đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham gia ý kiến thảo luận các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn của Đảng; các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần, trách nhiệm cao. Mỗi tập thể, cá nhân phải thấu triệt quan điểm về công tác nhân sự của Đảng, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chứ không phải của riêng ai, tổ chức nào. Việc bầu cử được thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; không có chuyện “đấu đá nội bộ”, sắp xếp, gán ghép, bố trí người thân vào vị trí chủ chốt như những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc đến công tác nhân sự của Đảng.
Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong định hướng và điều khiển dư luận. Sự hình thành và phát triển dư luận tập thể quân nhân đều tuân theo quy luật khách quan với sự tham gia chi phối của các nhân tố chủ quan. Do vậy, việc phát huy vai trò của nhân tố con người, tích cực hóa một số nhân tố trong tập thể là rất cần thiết, nhất là vai trò của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, các nhóm và thủ lĩnh không chính thức mang tư tưởng tích cực. Để phát huy tốt vai trò của lực lượng này, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung bồi dưỡng những phẩm chất năng lực cần thiết, tạo dựng uy tín, biết cách tác động đối với quân nhân để hình thành dư luận tích cực, khắc phục tin đồn thất thiệt, thực sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo trong định hướng điều khiển dư luận tập thể quân nhân.
Khi xuất hiện dư luận tiêu cực, tin đồn thất thiệt, phải nhanh chóng xác định nguồn gốc khởi phát, trực tiếp gặp gỡ chủ thể đầu tiên đưa tin sai lệch để phân tích, thuyết phục họ nhận rõ sai trái, xu hướng diễn biến tác động tiêu cực và yêu cầu cải chính trước tập thể. Đồng thời, hướng dẫn, thúc đẩy vai trò, chức năng và hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức quần chúng trong đơn vị theo mục đích và nội dung định hướng, điều khiển dư luận tập thể. Kích thích ảnh hưởng của các nhóm và thủ lĩnh không chính thức tích cực, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; kịp thời ngăn chặn, hạn chế tác hại của nhóm không chính thức và cá nhân tiêu cực trong tập thể. Quan tâm xây dựng môi trường chính trị, văn hóa lành mạnh kết hợp với tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho tập thể quân nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ đề cao trách nhiệm chính trị, thúc đẩy môi trường văn hóa quân sự phát triển lành mạnh phù hợp với yêu cầu hoạt động quân sự.
Thứ tư, nâng cao khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ kết hợp với đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ trước những tin đồn thất thiệt về các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong thực tiễn là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong tiến trình diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Lợi dụng sự kiện quan trọng này, các thế lực thù địch tăng cường chống phá ta một cách toàn diện, với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, như: nhào nặn thông tin, bóp méo sự thật, dựng chuyện, đẩy mạnh chiến dịch “tâm công”, đánh vào tâm lý, lan truyền tin đồn thất thiệt, tạo dư luận tiêu cực,... làm cho một số cán bộ, chiến sĩ nhận thức lệch lạc về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, công tác xây dựng Đảng. Vì thế, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần quan tâm giáo dục nâng cao trình độ lý luận, nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ, để tạo sức “đề kháng” cần thiết trước tác động tiêu cực của những dư luận sai trái. Từ đó, giúp họ biết nhận diện, phân biệt được tin giả, tin độc hại, tạo khả năng “miễn dịch” cao; tự mình có thể tiếp nhận, thẩm định, đánh giá và xử lý thông tin phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Cùng với đó, các cấp, nhất là lực lượng chuyên trách chủ động đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phủ nhận Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng bảo đảm cho dư luận tập thể quân nhân phát triển theo chiều hướng tích cực, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Chỉ thị số 823-CT/QUTW, ngày 10/9/2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong Quân đội”. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ có sức “đề kháng” tốt, không nghe, không theo những thông tin xấu độc, trái chiều; gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Trong “xây”, cần chủ động thông tin tích cực, kịp thời định hướng tư tưởng, đề cao ý thức chấp hành quy định về phát ngôn; động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống intetnet, mạng xã hội mở rộng đối tượng, phạm vi tuyên truyền tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Trong “chống”, cần chủ động, nhạy bén và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, phương tiện, nhất là lực lượng nòng cốt trong các đơn vị, các cơ quan báo chí, xuất bản; triển khai các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực hiện tốt những nội dung cơ bản trên, sẽ giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân có cách nhìn tổng quan về thực trạng đời sống xã hội hiện nay và là điều kiện quan trọng để lãnh đạo, chỉ huy các cấp kịp thời có những biện pháp hữu hiệu trong định hướng tư tưởng bộ đội, nhất là khi Đại hội XIII của Đảng đang đến gần.
=Mõ Làng=

0 nhận xét: