Trước thách thức của thời đại và kỷ nguyên toàn cầu hóa, cần nhận thức lại cho đúng hơn chủ nghĩa Mác - Lênin và có thể nói là cần đổi mới tư duy về chủ nghĩa Mác - Lênin. Có quan điểm cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, nhất là lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Lý luận về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác - Lênin không còn thích hợp với đòi hỏi mới của cuộc sống. Rằng, sự cố tình mập mờ trong cách hiểu khái niệm “xã hội chủ nghĩa” đã tạo nên nhiều lẫn lộn và không nhất quán trong các chủ trương và hành động thực tế. Nếu mục tiêu “xã hội chủ nghĩa” được hiểu là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của đất nước ta và cũng phù hợp với quan niệm chung trên thế giới về “xã hội chủ nghĩa” cho thế kỷ XXI với mục tiêu “dân chủ, bình đẳng và đoàn kết”. Nhưng nếu hiểu theo kiểu cũ, “xã hội chủ nghĩa” là một thể chế xã hội của chuyên chính vô sản, bảo đảm cho thắng lợi của giai cấp vô sản trong đấu tranh giai cấp, có một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung dựa trên sự công hữu hóa tư liệu sản xuất, do một Đảng Cộng sản lãnh đạo với một ý thức hệ là chủ nghĩa Mác - Lênin... thì toàn bộ sự phát triển của thế giới trong thế kỷ XX, đặc biệt là sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa vào cuối thế kỷ XX đã chứng minh là cách hiểu đó về “xã hội chủ nghĩa” đã thực sự lỗi thời, không còn sức sống và thích hợp với yêu cầu phát triển hiện nay của cuộc sống nhân loại. Có quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn hoàn toàn giữ nguyên giá trị, không có gì lỗi thời, chỉ có chúng ta nhận thức không đúng...
Để hiểu đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin,
cần phải nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng
không thể chỉ dừng lại ở chủ nghĩa Mác kinh điển mà phải nghiên cứu nó trong
lịch sử vận động, phát triển sau Mác hơn một thế kỷ nay. Chủ nghĩa Mác - Lênin trở
thành một đối tượng khoa học, sự nghiên cứu, nhận thức, vận dụng và phát triển
chủ nghĩa Mác ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, có sự hiểu đúng và chưa
đúng, có sự vận dụng sáng tạo và vận dụng một cách giáo điều, tả khuynh và hữu
khuynh, thoát ly khỏi những điều kiện lịch sử của các nguyên lý, đề xuất, dự
báo của chủ nghĩa Mác, duy ý chí, không tưởng đốt cháy giai đoạn đối với chủ
nghĩa Mác - Lênin, nhất là trong quá trình cải tạo xã hội cũ xây dựng xã hội
mới theo hướng xã hội chủ nghĩa; khuynh hướng muốn phủ nhận, xóa bỏ chủ nghĩa Mác
- Lênin, nhằm xóa bỏ những thành quả cách mạng của giai cấp công nhân và chế độ
xã hội chủ nghĩa đang hình thành với các mô hình khác nhau... Vì vậy, phải
nghiên cứu lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin với toàn bộ cuộc vận động cách
mạng và đấu tranh giải phóng đa diện phức tạp và trong cuộc đấu tranh với các
hệ tư tưởng đối lập, mới hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách biện chứng, từ đó
rút ra bài học nhận thức luận, phương pháp luận cho hoạt động thực tiễn. Đồng
thời, phải tập trung nghiên cứu sự vận động của xã hội đương đại với mọi mặt
tiến bộ, không chỉ nghiên cứu phong trào giải phóng dân tộc, những nước đang
phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa mà còn nghiên cứu sự phát triển mới của
chủ nghĩa tư bản, thành tựu khoa học công nghệ, xu hướng cơ bản mới của thế
giới, nhất là xu hướng toàn cầu hóa và sự vận động của nền kinh tế tri thức.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong
những học thuyết nảy sinh trong quá trình nhận thức và phát triển xã hội, dù
khó tránh khỏi những hạn chế lịch sử, nhưng cơ bản đã vượt lên với tầm phổ quát
toàn cầu, soi sáng thời đại mới và hướng tới tương lai. Chủ nghĩa Mác - Lênin
hình thành và phát triển trên cơ sở khái quát những quy luật phổ biến nhất thế
giới khách quan, là chân lý khoa học, chân lý lịch sử; nhưng nó luôn tồn tại
trong quá trình lịch sử cụ thể. Do đó, phải linh hoạt, sáng tạo trong nghiên
cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là giáo
điều, nó chỉ là kim chỉ nam cho hành động, nhất là khi đi vào giải quyết những
vấn đề cụ thể. Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết mang tính khoa học, sáng
tạo, tính nhân đạo, tính thực tiễn, có tính phê phán cao và cách mạng triệt để
nên nó như một học thuyết mới đang bắt đầu hơn là một lý thuyết đã hoàn chỉnh.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa ngày
nay, cần phải nhìn nhận chủ nghĩa Mác - Lênin trên các phương diện sau:
Một là, phải chú ý đến sự chuyển
đổi của việc giải đáp các chủ đề thời đại trong tầm nhìn toàn cầu của triết học
mácxít. Một triết học chân chính phải là tinh hoa tinh thần thời đại được bộc
lộ thông qua chủ đề mang tính thời đại. Trong kỷ nguyên mới, chủ đề mang tính
thời đại là hòa bình và phát triển sẽ không ngừng có được những nội dung mới;
cần phải làm cho chủ đề này được phát triển đầy đủ trong triết học mácxít.
Hai là, phải tôn trọng sự chuyển
đổi của hình thái lý luận mácxít từ kiểu đơn nhất, chính thống, kinh điển trở
thành mô thức đa dạng hóa cùng tồn tại. Việc nghiên cứu triết học mácxít ở các
nước khác nhau đều có vị trí và giá trị riêng. Phải triển khai đối thoại tích
cực với các hình thức triết học mácxít khác với một thái độ thực sự cởi mở, từ
đó tìm ra sự phát triển hiện đại của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ba là, cần phải duy trì được lực
đẩy của cá tính hóa, dân tộc hóa, nhân loại hóa. Triết học cần phải nghiên cứu
các vấn đề phổ biến nhất mà sự nghiên cứu này lại thông qua cá nhân từng nhà
triết học, do đó, tất yếu mang đặc trưng cá tính, chịu ảnh hưởng của bối cảnh
văn hóa dân tộc nên mang tính dân tộc. Vì vậy, cá tính của nhà triết học cần phải
thống nhất trong lực đẩy của tính dân tộc và tính nhân loại mới có thể có được
những trạng thái và sự phát huy tốt nhất.
Bốn là, cần phải trên cơ sở phương
pháp luận của sự phức hợp khoa học nhân văn để xây dựng hệ thống phương pháp
luận phù hợp với bản tính của triết học mácxít. Triết học mácxít tất yếu cần
dựa vào phương pháp của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học nhân
văn; song quan trọng vẫn là hình thành phương pháp luận nghiên cứu riêng phù
hợp với bản tính của triết học. Nghiên cứu và phát triển triết học bằng phương
thức phù hợp với bản tính của triết học mácxít, mới có thể tăng tốc sự phát
triển của triết học mácxít.
Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin đang
được dân tộc hóa, cụ thể hóa, phát triển sáng tạo thành chủ nghĩa Mác - Lênin
mang tính dân tộc - quốc gia. Chủ nghĩa Mác - Lênin dù từ cội nguồn kinh điển
nhưng đang phát triển một cách đa dạng với nhiều mô hình và phân phái, đã và
đang vượt qua những hạn chế lịch sử nhất định để vươn lên tầm thời đại mới... Sức
sống của chủ nghĩa Mác - Lênin là bền vững, lâu dài, nhưng cần phải tự đổi mới
và phát triển không ngừng, kể cả cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia - dân tộc.
N.T.L - H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét