Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà
hoạt động cách mạng, nhà tổ chức thực tiễn, lãnh tụ cách mạng thiên tài; đồng
thời, Người cũng là nhà tư tưởng vĩ đại, có những phát hiện ở tầm lý luận, lý
thuyết, ở tầm thời đại chứ không chỉ ở tầm dân tộc. Bác không phải người làm lý
luận chuyên nghiệp như một nghề nhưng thấy rõ những bài học lớn về phát triển
tư duy lý luận và cả những bài học về nhận thức luận trong tư tưởng của Người.
Những vận dụng và phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh và của Đảng ta đã được nhiều công
trình khoa học nghiên cứu và khẳng định. Vấn đề cần nhận thức rõ là nguyên nhân
của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Chủ tịch Hồ
Chí Minh:
Thứ nhất, Bác Hồ với một tâm sáng,
chỉ vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân và của cách mạng. Người cho rằng, chân
lý là phù hợp với lợi ích của nhân dân và của cách mạng, phù hợp với thực tế
Việt Nam. Người nguyện và phấn đấu suốt đời vì lợi ích ấy. Có tâm sáng mới hiểu
đúng sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thứ hai, Người có một tầm tri thức
rộng, có chiều sâu, có nhiều kinh nghiệm thực tế, sự từng trải, luôn chú trọng
học hỏi, tiếp thu những tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, không có óc
kỳ thị. Có tư duy và đầu óc sáng suốt, sáng tạo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thứ ba, Hồ Chí Minh nắm rõ tinh
thần khoa học, cách mạng, nhân văn và tính chiếu đấu, tinh thần tự phê phán của
chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững phương pháp luận mácxít kinh điển, nhất là tư
duy dân chủ, tư duy thực tiễn, tư duy khoa học, tư duy biện chứng, lịch sử cụ
thể của chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững mục tiêu của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thứ tư, Người luôn lấy thực tiễn và
hiện thực khách quan làm điểm xuất phát và tiêu chuẩn của chân lý, chú trọng
điều tra, nghiên cứu thực tế, tôn trọng sự thật, tìm cách để hiểu đúng thực tế,
từ đó nhận thức, xây dựng nên hệ thống quan niệm, chủ trương cho cách mạng Việt
Nam. Do đó, Người về cơ bản không rơi vào chủ nghĩa giáo điều, chủ quan, duy ý
chí.
Thư năm, Hồ Chí Minh vượt lên trên
những tâm lý, tư tưởng truyền thống lạc hậu như bệnh nôn nóng, rập khuôn, sùng
ngoại, tự ti và bệnh gia trưởng, mất dân chủ, độc quyền chân lý, tư duy kinh
nghiệm, tư duy cực đoan... trong văn hóa dân tộc, chính là do cả tâm và tuệ của
Người, cả phong cách và nhân tâm của Người.
Thứ sáu, Người luôn căn cứ vào nhu
cầu thực tiễn và đặc điểm dân tộc mà phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, không
câu nệ vào việc C. Mác hay V.I. Lênin có nêu lên hay không, từ đó góp phần khắc
phục khiếm khuyết khó tránh khỏi của chủ nghĩa Mác - Lênin (bổ sung dân tộc học
phương Đông, văn hóa phương Đông). Từ đó, Người đã làm sáng tỏ thêm chủ nghĩa
Mác - Lênin ở góc nhìn văn hóa, tức là không chỉ là một học thuyết về kinh tế,
chính trị, xã hội mà còn là một học thuyết về văn hóa trong phát triển, gần gũi
với dân tộc, với nhân dân.
Thứ bảy, Hồ Chí Minh luôn biết vận
dụng và phát huy các thế mạnh của văn hóa dân tộc, kể cả mặt ngôn ngữ, triết lý
hữu ích, để thể hiện chủ nghĩa Mác - Lênin, làm phong phú cho chủ nghĩa Mác -
Lênin, bởi Người có tiềm lực văn hóa, tố chất văn hóa rất sâu rộng và linh
hoạt.
Những nguyên nhân, những nhân tố
trên đây cũng là bài học về nhận thức luận, phương pháp luận giúp chúng ta nhận
ra để tiếp tục hiểu đúng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phát
triển trong thực tiễn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và hình ảnh Hồ
Chí Minh - Người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại - với
chúng ta, Người cũng là nhà cách mạng mácxít vĩ đại, nhà tư tưởng sáng tạo, đã
làm sáng tỏ về một kiểu của chủ nghĩa cộng sản mà ngay cả những người không
cùng chính kiến cũng phải tôn trọng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh
của phong trào cộng sản ở thế kỷ XX và hiện nay.
Thông qua cách mạng Việt Nam, trong
kháng chiến, xây dựng và công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta càng thấy rõ hơn
việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Đảng ta.
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội
chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đắc chí cho rằng chủ nghĩa cộng
sản đã đến ngày “cáo chung” và từ đó rất nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác
được đặt ra như giai cấp và đấu tranh giai cấp, về cuộc cách mạng vô sản, về
chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản liệu có còn đúng hay
không...? Phải chăng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời? Số phận lịch sử của chủ nghĩa
Mác sẽ như thế nào? Những vấn đề này không chỉ là những vấn đề đặt ra ở những
người lạc hướng, dao động mà đã trở thành vấn đề lý luận và thực tiễn cần giải
đáp.
Vấn đề nhận thức chủ nghĩa Mác -
Lênin và vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn là rất phức
tạp, khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Chúng ta không hoài nghi về tính
đúng đắn và ý nghĩa giá trị cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin
không phải là sự sai lầm về nhận thức lịch sử hay nó đã lỗi thời như có người
cố tính xuyên tạc. Mà chúng ta nhận thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tự
giác về giá trị bền vững của nó, từ phép biện chứng duy vật, chủ nghĩa duy vật
lịch sử, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học cũng như những học
thuyết khác của chủ nghĩa Mác - Lênin mà tinh thần của nó là thế giới quan và
phương pháp luận đúng đắn nhất, không dễ thay thế, để nhận thức và cải tạo thế
giới, xây dựng một xã hội văn minh tiến bộ, nhân văn. Dưới ánh sáng của thời
đại, phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn về chủ nghĩa Mác - Lênin trong tiến trình
vận động của nó cần phải hiểu thêm và nhất là phát triển nó.
Với công cuộc đổi mới đầy bản lĩnh và sáng tạo của Đảng và dân tộc ta càng làm sáng ngời bài học về vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, còn chứng tỏ năng lực, phẩm chất, nội lực và sức sống của một Đảng Cộng sản chân chính và sự nghiệp cách mạng mà chủ nghĩa Mác đã mở đường và soi sáng./.
N.T.L - H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét