CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

NHẬN THỨC ĐÚNG “ĐỐI TÁC” VÀ “ĐỐI TƯỢNG” THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Nhận thức về quan hệ bạn, thù hay đối tác, đối tượng là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng và cấp thiết cần phải được trang bị một cách có hệ thống, đồng bộ, triệt để...

 Nhận thức về đối tác và đối tượng là vấn đề nhạy cảm và cực kỳ quan trọng
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự cần
thiết phải thống nhất về nhận thức trong vấn đề này luôn là một đòi hỏi khách quan, chính đáng và hợp lý, trên cơ sở lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Tình hình thế giới những năm gần đây có nhiều biến đổi sâu sắc, sự phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của một quốc gia, dân tộc hay một khu vực đều đan xen những ảnh hưởng và lợi ích của nhiều quốc gia, dân tộc khác. Do đó, vấn đề đặt ra đối với nhận thức về quan hệ bạn, thù hay đối tác, đối tượng là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng và cấp thiết cần phải được trang bị một cách có hệ thống, đồng bộ, triệt để cho mọi cấp, mọi ngành trong toàn Đảng, toàn dân, nhất là lực lượng vũ trang hiện nay.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đưa ra định hướng hoạt động đối ngoại, đó là: “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương...Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng... Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”[1]. Vì thế, việc quán triệt quan điểm đối tác, đối tượng của Đảng rất cần thiết, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Để phát huy thuận lợi, hạn chế thách thức, cần có cách nhìn nhận mới và thống nhất về vấn đề đối tác và đối tượng theo nguyên tắc mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đề ra: 

- Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta.

- Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước ta đều là đối tượng đấu tranh.

- Trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể.

Nhờ những định hướng chiến lược mang tính nguyên tắc trên, trong những năm qua, nước ta đã có chủ trương, chính sách đúng đắn để “thêm bạn, bớt thù”, tăng cường sự hợp tác, hữu nghị với các nước trên thế giới. Chúng ta đã tranh thủ khai thác, phát huy được các mặt tích cực của các đối tác trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế được những mặt tiêu cực của các đối tượng, góp phần bảo đảm được sự ổn định chính trị, trật tự xã hội làm nền tảng vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, có một nội dung căn bản nhất là phải xác định được mục tiêu chiến lược, đối tượng đấu tranh quốc phòng. Nếu không xác định được đối tượng cụ thể thì sẽ không có cơ sở để xây dựng thành chiến lược. Có chỉ ra đối tượng cụ thể mới xác định được âm mưu, thủ đoạn, lực lượng chống phá, từ đó mới đề ra được chủ trương, biện pháp chiến lược đúng đắn, có đối sách phù hợp trong quan hệ và đấu tranh quốc phòng. Không thể xây dựng chiến lược mà không có đối tượng đấu tranh quốc phòng và đối tượng tác chiến cụ thể.

Việc công khai phân loại đối tượng, đối tác hiện nay là một vấn đề rất “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Nhưng không vì thế mà né tránh, bỏ qua, không bàn đến, nói đến, thậm chí chỉ “hiểu ngầm” với nhau vì sợ “va chạm, mất lòng”. Đây là công việc phải làm vì: nếu không chỉ rõ được đối tượng, đối tác trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc sẽ dẫn đến sự mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu tính định hướng về đường lối, chủ trương trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt tác động đối với lực lượng vũ trang trong tổ chức, xây dựng lực lượng, xây dựng các phương án tác chiến, huấn luyện chiến đấu… hoặc dẫn đến những thông tin thiếu tính chính thống lan truyền một cách tự do, tùy tiện kích động dư luận làm tổn hại đến quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Hiện nay, trong quan hệ đối ngoại đã có thể phân loại một số đối tác theo mức độ quan hệ như: đối tác truyền thống, đối tác tin cậy, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện... Đối tác truyền thống, tin cậy là những nước không có khả năng bị lôi kéo chống phá ta; đối tác cảnh giác, đề phòng là nước có thể chuyển thành đối tượng; đối tác đồng thời là đối tượng là những nước đang có âm mưu và hành động chống phá ta. Việc phân loại đối tượng là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự phân tích toàn diện, khoa học, khách quan trên cơ sở đánh giá chính xác cục diện chính trị, xã hội thế giới, khu vực với tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Trong nghiên cứu phân loại đối tượng cần tập trung vào một số nước lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng chi phối đến tình hình quốc phòng, an ninh nước ta. Trong đó cần chú ý đến ba dạng đối tượng: đối tượng đối lập về ý thức hệ có âm mưu tập trung xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đối tượng vì lợi ích dân tộc hẹp hòi đang có tham vọng về chủ quyền lãnh thổ nước ta; đối tượng có thể bị chuyển hóa bởi sự thao túng của nước lớn có âm mưu chống phá ta.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng mang tính toàn diện và bao trùm, phản ánh nhận thức và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với thực tiễn phát triển của thời đại, với cục diện thế giới, khu vực và môi trường an ninh - đối ngoại, trong đó có việc xác định rõ “đối tác” và “đối tượng” với sự kế thừa và tiếp nối chính sách đối ngoại nhất quán mà Việt Nam tiến hành từ khi bắt đầu đổi mới đến nay.

Kế thừa những quan điểm của các kỳ đại hội trước của Đảng và bổ sung phát triển sát với tình hình thực tiễn. Nghị quyết số 28-NQ/TW, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh hoạt động đối ngoại của Việt Nam bao gồm hai mặt “hợp tác và đấu tranh”.

Như vậy, có thể tóm lược một cách ngắn gọn rằng, “đối tác” được hiểu là “đối tác hợp tác”, còn “đối tượng” là “đối tượng đấu tranh”. Và dù là “đối tác hợp tác” hay “đối tượng đấu tranh” thì mục tiêu cuối cùng và tối thượng là vì “lợi ích quốc gia - dân tộc”, “giữ vững ổn định an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Sau khi phân tích tình hình thế giới và khu vực, khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Nhìn một cách tổng quát, chính sách đối ngoại được Đại hội XIII của Đảng thông qua là sự kế thừa và tiếp nối chính sách đối ngoại từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, nhất là chính sách đối ngoại được thông qua tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), với chủ trương nhất quán là “đa dạng hóa và đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại”, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[2].

Về “đối tác”, có thể dễ dàng nhận thấy ngoài hai nước Lào và Cam-pu-chia có quan hệ “láng giềng đặc biệt”, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước. Trong số các đối tác, Việt Nam cũng đặt thứ tự ưu tiên với các nước láng giềng, tiếp đó là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác của Việt Nam không chỉ dừng lại ở những đối tác truyền thống, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, mà còn bao gồm cả các “đối tác quan trọng khác”. Hàm ý của “đối tác quan trọng khác” này dựa trên phạm vi quan hệ đối ngoại sâu rộng hiện nay của Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên của Liên hợp quốc, là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế; đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó FTA song phương Việt Nam - Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những FTA mới nhất. Với mạng lưới quan hệ đối ngoại sâu rộng và nhiều tầng nấc như vậy, Việt Nam có lợi ích đan xen giữa các đối tác với nhau. Vì vậy, nói một cách khác, “đối tác” của Việt Nam là tất cả những nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, là những nước có quan hệ kinh tế với Việt Nam, là những thành viên trong các tổ chức khu vực và thế giới (như ASEAN và Liên hợp quốc), cơ chế - hiệp định đa phương (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, RCEP, Tiểu vùng Mê Công), diễn đàn (như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC, Diễn đàn hợp tác Á - Âu  - ASEM), các phong trào mà Việt Nam là thành viên. Nói như vậy có nghĩa không phải chỉ những mối quan hệ nào được xác định là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” mới là “đối tác” của Việt Nam, mà đó là chỉ dấu cho mức độ và tính chất của mối quan hệ đối tác được thiết lập trên cơ sở nhu cầu của Việt Nam và các đối tác. Lẽ dĩ nhiên, mức độ và tính chất quan hệ đối tác này sẽ quyết định phạm vi hợp tác chiến lược và toàn diện theo thỏa thuận và cách hiểu giữa hai bên, không lệ thuộc vào cách đánh giá của bên thứ ba.

Về “đối tượng”, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII chỉ rõ đó là những lực lượng có “âm mưu, hành động can thiệp... vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”[3]. Cùng với đó, Đại hội XIII của Đảng xác định các thách thức: 1- Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. 2- Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. 3- Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định... là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới[4]. Hai trong số ba thách thức nêu trên trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các “đối tượng” bên ngoài. Riêng đối với thách thức thứ hai, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 chỉ rõ: Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và ổn định của Việt Nam. Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực. Ngoài ra, các vấn đề an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, buôn bán người, khủng bố, di cư bất hợp pháp, thảm họa môi trường, dịch bệnh, thiên tai, thay đổi dòng chảy trên các con sông xuyên biên giới... tác động đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh môi trường ở nhiều địa phương, cũng là những thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam Như vậy, nếu cho rằng, “đối tượng” là những gì cản trở sự phát triển của Việt Nam, chống phá chế độ, đe dọa đến sinh mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự tồn vong của chế độ, xâm hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, thì “đối tượng” nên được hiểu là bao gồm cả những thách thức trên.

 Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế... Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới... Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn”[5].

Trên thực tế, tình hình thế giới, nhất là ngay trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đã có những diễn biến phức tạp, nguy cơ xung đột vũ trang tăng cao liên quan đến chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ, đe dọa đến an ninh khu vực. Không chỉ có vậy, từ khi chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ được thực thi, đến nay, khu vực này đã trở thành trọng tâm điều chỉnh chính sách an ninh và đối ngoại của các nước trong và ngoài khu vực. Một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Anh cũng đã đưa ra chiến lược riêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từng bước gia tăng can dự vào khu vực Biển Đông.

Là một quốc gia nằm ở khu vực địa - chính trị đang có sự cạnh tranh gay gắt và với mạng lưới quan hệ đối ngoại sâu rộng có lợi ích đan xen, Việt Nam chịu những ảnh hưởng và tác động nhất định. Trước tình hình đó, cách tiếp cận và hướng giải quyết mối quan hệ “đối tác” và “đối tượng” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam cần:

Một là, kiên định nguyên tắc và kiên trì những vấn đề mang tính chiến lược, nhưng khôn khéo và linh hoạt trong sách lược và triển khai thực hiện. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” cần luôn là phương châm đối ngoại của Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, với mọi vấn đề, giữa Việt Nam và các “đối tác”, trong mối quan hệ chuyển hóa giữa “đối tác” và “đối tượng”.

Hai là, linh hoạt trong cách nhìn nhận “đối tác” và “đối tượng”. Cần tránh quan điểm “nếu không ủng hộ ta thì là kẻ thù của ta”. Trong thực tiễn hoạt động đối ngoại, một mặt, Việt Nam phải luôn tỉnh táo nhận thức rằng “không có đồng minh vĩnh viễn”; mặt khác, cần biết tranh thủ những mặt xung đột của các “đối tượng” để có lợi cho ta. Trong quan hệ quốc tế, điều căn bản nhất đối với mọi quốc gia chính là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Ba là, “đối tác” và “đối tượng” trong chính sách đối ngoại được Đại hội XIII của Đảng thông qua phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và dựa trên nền tảng của các nghị quyết trước đây, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tuy nhiên, thực tế luôn vận động và biến đổi, do vậy, Đảng ta đã có kế hoạch tổng kết về chiến lược, trong đó bao gồm cả vấn đề xác định “đối tác” và “đối tượng”. Việc tổng kết này cần được tiến hành trên tinh thần cầu thị, lắng nghe để định hướng chính sách mang tầm chiến lược, tránh những quan điểm lợi dụng nhằm xuyên tạc và cách tiếp cận bị ảnh hưởng bởi quan điểm có tính “phe phái” trong quan hệ quốc tế. Bài học lịch sử cho thấy, dứt khoát không và không ai có thể buộc Việt Nam phải “chọn phe”. Việc ai là “đối tác” sẽ do Việt Nam chủ động thúc đẩy, nhưng đồng thời cũng rộng mở đón nhận thiện chí từ phía muốn Việt Nam là đối tác của họ trên cơ sở lợi ích quốc gia  - dân tộc được bảo đảm. Còn về “đối tượng”, trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, nên chăng cần sử dụng khái niệm mềm hơn, cách diễn đạt uyển chuyển hơn, phù hợp với “những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”[6], nhưng cũng kiên quyết bảo vệ những vấn đề thuộc về nguyên tắc, thuộc về lợi ích căn bản và cốt lõi của Việt Nam. Với cách tiếp cận đó, nên chăng đề xuất cách diễn đạt rõ hơn các nội dung có tính lượng hóa về “đối tượng”, đó là: Tất cả những thách thức phương hại đến an ninh quốc gia; ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, khối đại đoàn kết dân tộc; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đều là đối tượng cần đấu tranh nhằm bảo đảm lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc. Những thách thức ở đây bao gồm cả âm mưu, hành động của các “thế lực thù địch”, những diễn biến và nguy cơ xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, những vấn đề an ninh phi truyền thống. Khái niệm “thách thức” ở đây mang tính định lượng, giúp chúng ta có thể minh định rõ ràng “đối tượng” trong ứng xử.

Việc xác định rõ “đối tác” và “đối tượng” trong chính sách đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã nhất quán trong việc xác định “đối tác” và “đối tượng” là cơ sở để thể chế hóa “đối tác” và “đối tượng” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tình hình mới. Kết quả của việc thực hiện chính sách đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, sự linh hoạt trong nhận diện và triển khai nguyên tắc “đối tác” và “đối tượng” đã góp phần làm cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay./.

NTP-H2



[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.  I, tr.  162 - 163

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 163.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 163.

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.108.

[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 105, 106, 107

0 nhận xét: