CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

PHẠM TRẦN XUYÊN TẠC TRẮNG TRỢN VỀ QUÁ ĐỘ LÊN CNXH Ở VIỆT NAM

  

Bài viết “Quá độ – nói phét vượt thời gian” của Phạm Trần đang trên Danlambao ngày 3/6/2021 là sự bóp méo, xuyên tạc bản chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trước hết, cần phải khẳng định với Phạm Trần rằng, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đó là nguyên tắc; là vấn đề cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong. Xuyên suốt các văn kiện Đảng qua các kỳ Đại hội, nội dung trọng yếu này luôn được khẳng định. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1].

Vì thế, những luận điệu đòi “xét lại” nền tảng tư tưởng của Đảng dưới dạng “hiến kế”, “tâm thư”, “góp ý”… theo hướng “tả khuynh” (tìm cách đánh tráo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin bằng những quan điểm vô chính phủ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng…) hay “hữu khuynh” (đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, đòi thay thế những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin bằng những quan điểm, cải cách tư sản…); phủ nhận hoặc đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng; “xét lại” hay xuyên tạc bản chất chủ trương, đường lối của Đảng về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như Phạm Trần nêu ra… đều là phản động và cơ hội chính trị.

Vì thế, việc đấu tranh để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, bởi đó là nội dung cơ bản, có ý nghĩa sống còn của cả hệ thống chính trị.

Thứ hai, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã được khẳng định từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930); tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện 13 kỳ Đại hội của Đảng. Vấn đề này cũng được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[2].

Thực tế, xã hội cộng sản chủ nghĩa với giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mới hoàn toàn về chất so với các chế độ xã hội trước đó. Vì thế, tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, nhiều khó khăn, đầy thử thách và đương nhiên trong hành trình ấy, khó tránh khỏi những va vấp tạm thời. Không phải ngẫu nhiên các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác lại nhấn mạnh trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gôta” rằng: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị”[3]. Và với ý nghĩa đó, nói đến thời kỳ quá độ ở Việt Nam một cách phù hợp, hiệu quả, thì tất yếu phải đề cập tới thời kỳ quá độ gián tiếp, đó là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Cũng từ thực tế Việt Nam, nội dung độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (được xác định ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tháng 2/1930 và vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được xác định là trải qua thời kỳ quá độ (từ Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930). Và vì, thời kỳ quá độ ở Việt Nam có điểm xuất phát thấp hơn, cho nên sẽ là lâu dài và khó khăn hơn (đã được khẳng định tại Đại hội II của Đảng, tháng 2/1951). Từ Đại hội VII, tháng 6/1991, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản, từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất thấp”[4] và lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng luôn phát triển và ngày càng được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện (từ Đại hội VIII, tháng 7/1996 đến Đại hội XIII của Đảng, tháng 1-2/2021).

Vì thế, việc Phạm Trần cho rằng, sau 60 năm “có chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam và “từ sau 1975 trên cả nước, nhằm tiến lên xã hội chủ nghĩa, nhiều lãnh đạo cộng sản Việt Nam dù đã vất vả “quá độ” trăm chiều mà vẫn chưa biết “ngưỡng cửa Thiên đàng của xã hội chủ nghĩa” ở đâu… không chỉ là sự bóp méo bản chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà còn nhằm phủ nhận những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ ba, thực chất của việc bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và việc đòi “xét lại” về chủ trương phát triển kinh tế; thực hiện chính sách giáo dục và đổi mới giáo dục; thực hiện dân chủ và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa… ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị những năm qua nói chung và Phạm Trần nói riêng chính là nhằm hướng đến việc đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; xây dựng chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa theo mô hình phương Tây; là nhằm kích động, gây hoang mang trong các tầng lớp nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; là nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ phận những cán bộ, đảng viên đã và đang suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan của nền kinh tế (từ xuất phát điểm thấp); là sự lựa chọn theo đúng xu hướng phát triển về hình thái kinh tế xã hội theo theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa chính là “bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”[5]. Cho nên, trên hành trình đó phải có các bước trung gian; phải lâu dài và đó là sự thật, chứ không phải Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” là ngay cả người đừng đầu Đảng còn “mơ hồ” như Phạm Trần quy kết.

Phạm Trần và các thế lực thù địch không thể “xét lại” vai trò lãnh đạo của Đảng; không thể “xét lại” nền tảng tư tưởng của Đảng và càng không thể từ một số hạn chế trong tư duy “cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp” từ thời trước đổi mới và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tư tưởng của Người và “yêu cầu đảng phải can đảm nhìn lại cái bóng của mình sau 35 năm đổi mới để thay đổi tư duy cầm quyền độc tài, phi dân chủ và không có tự do như mong muốn của ông Hồ”.

Phạm Trần và các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận những thành tựu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ưu tiên đầu tư và phát triển cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa…của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống đại dịch Covid -19 và nhất là việc thành lập Quỹ vắc xin Covid- 19 vừa qua, vì những thành tựu này đã được cộng đồng thế giới đánh giá, ghi nhận.

Đồng thời, Phạm Trần và các thế lực thù địch cũng không thể vì một số những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong công tca xây dựng và chỉnh đốn Đảng để xuyên tạc vai trò của lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân nói riêng và của cả hệ thống chính trị nói chung trong cuộc đấu tranh phòng và chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cuối cùng, cần phải khẳng định với Phạm Trần rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đúng là “ý Đảng hợp lòng Dân” và vì thế đừng có mơ đòi “xét lại”; đồng thời cũng đừng có mong ý đồ thâm độc, thủ đoạn “bôi bẩn” của ông tác động được nhân tâm!

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.109

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.84

[3] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.19, tr.47

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.51, tr.133

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.84

 

TVV-H4

0 nhận xét: